Xem 'Cù lao xác sống', thấy buồn cười với zombie Việt

Đăng lúc: 8:35 am, Ngày 07/09/2022

Trước khi ra mắt, "Cù lao xác sống" hứa hẹn mang đến tia hy vọng cho dòng phim xác sống Việt. Song, tác phẩm có chất lượng kịch bản yếu, lạm dụng gây cười và sáng tạo chưa hợp lý.

Là phim Việt chiếu rạp đầu tiên khai thác thể loại xác sống (zombie), Cù lao xác sống - Nguyễn Thành Nam đạo diễn - được kỳ vọng mang lại luồng gió mới cho nền điện ảnh nước nhà. Song, chất lượng phim không tốt, tạo thành làn sóng chê bai mạnh mẽ trên mạng xã hội. Rất nhiều ý kiến đánh giá thấp dự án từ nội dung, diễn xuất, âm thanh, lời thoại cho đến tạo hình thây ma,...
 
Bán tín bán nghi, vẫn có khán giả quyết định ra rạp để ủng hộ êkíp nội địa. Bằng chứng là sau gần 1 tuần phát hành, tác phẩm thu về hơn 10 tỷ đồng dù phải cạnh tranh gay gắt với 10 phim ngoại cùng chiếu dịp lễ 2/9.
 
Điều này chứng tỏ xác sống vẫn là mảnh đất khá màu mỡ, có thể giúp các nhà sản xuất hốt bạc. Nhưng với “phát súng” đầu tiên, êkíp Việt lại bỏ lỡ cơ hội tạo dấu ấn đẹp trong lòng người xem.
 
Chưa tìm ra kịch bản tốt
 
Thực tế, êkíp Cù lao xác sống có khá nhiều đất để khai thác đề tài zombie. Ở mặt tích cực, bối cảnh miền Tây giúp phim khác biệt so với phần lớn các tác phẩm cùng đề tài. Những cánh đồng lúa, cầu khỉ hay khung cảnh sông nước… thổi hồn Việt vào từng khung hình.
 
Một số nhân vật cũng có lời thoại và suy nghĩ giản dị, chân phương đúng chất Tây Nam Bộ.
Bối cảnh và con người miền Tây giúp Cù lao xác sống mang hồn Việt so với các tác phẩm cùng dòng.
 
Chưa kể, dự án quy tụ được nhiều diễn viên có kinh nghiệm như Huỳnh Đông, Ốc Thanh Vân, Hoàng Mèo. Hai diễn viên lớn tuổi là Tấn Thi và Thanh Hằng dù không quá nổi tiếng với giới trẻ vẫn có thể được xếp vào hàng đảm bảo diễn xuất.
 
Phần hóa trang cũng được đầu tư. Các diễn viên quần chúng thực sự trở thành bầy thây ma khát máu với hình hài ghê rợn, da dẻ thối rữa và đôi mắt đầy lòng trắng.
 
Đáng tiếc, điểm trừ lớn nhất của phim nằm ở phần kịch bản. Biên kịch vẫn đi theo lối mòn phim Việt khi lồng ghép các yếu tố gây cười để dẫn dắt câu chuyện. Những mảng miếng hài đôi lúc không hiệu quả, thậm chí cũ kỹ và quen thuộc.
 
Đơn cử, trong phim có hai nhân vật - do Xuân Nghị, La Thành đóng - được xây dựng theo hướng LGBT+ nhưng kém duyên, không hợp lý. Bộ đôi thường xuyên có những màn tung hứng để thay đổi không khí, khiến phim bị lạc tông, không còn tạo cảm giác căng thẳng hay sợ hãi.
 
Nhiều chi tiết hài bị đẩy lên quá đà. Chẳng hạn, một nhân vật ganh tị vì thấy xác sống được ngủ nên gọi dậy để chọc tức. Ở phân đoạn khác, hai thanh niên hôn nhau để ngừng thở, từ đó đánh lạc hướng chủng loài khát máu.
 
Các biên kịch cũng có một số ý tưởng khá táo bạo, nhưng chưa chắc đã hài lòng số đông khán giả. Điển hình là phân đoạn hai nhân vật cùng hát vọng cổ giữa đêm, khi mọi người vẫn đang căng thẳng tìm cách trốn khỏi xác sống.
 
Một số ý kiến cho rằng cải lương vốn là đặc sản của miền Tây nên việc thêm thắt là chấp nhận được. Số khác đánh giá cảnh phim lạc lõng, khiến người xem sốt ruột, thậm chí muốn bỏ về.
Kịch bản lan man và nhiều lỗi là yếu tố khiến phim bị chê bai thậm tệ.
 
Từ phần mở đầu tương đối tốt, kịch bản trở nên lan man khi xây dựng nhiều tình huống nhưng cách giải quyết qua loa, không đâu đến đâu. Điều khiến phim tạo cho người xem cảm giác ức chế chính là cái kết. Sau khi cài cắm quá nhiều nhân vật, nhồi nhét quá nhiều chi tiết, biên kịch khép lại câu chuyện bằng một kết thúc lửng lơ.
 
Rốt cục sau 93 phút, kịch bản chưa thể giải quyết vấn đề một cách trọn vẹn. Số phận các nhân vật ra sao vẫn là dấu hỏi chấm. Tất cả khiến bộ phim chỉ như “mồi nhử” khán giả để các nhà sản xuất tiện đường thực hiện tiếp phần hai, phần ba nếu dự án ăn khách.
 
Cửa ải kiểm duyệt đã mở
 
Trước Cù lao xác sống, Việt Nam từng có một dự án khai thác chủ đề tương tự nhưng không được ra rạp. Đó là phim kinh dị Rừng xác sống (The Lost Tour: Vietnam) của Lê Văn Kiệt - đạo diễn Hai Phượng (2019), Bóng đè (2022).
 
Chuyện phim xoay quanh vụ mất tích bí ẩn của hai thanh niên sau chuyến đi khám phá một khu rừng hoang sơ ở Việt Nam. Theo êkíp, phần lớn các cảnh quay trong phim được thực hiện bằng máy cầm tay (hand-held camera) nhằm đảm bảo tính chân thực, giữ được độ rùng rợn.
 
Đạo diễn muốn cho người xem chứng kiến góc nhìn từ những thước phim do các nhân vật chính quay lại, từ đó cảm nhận nỗi sợ mà họ đối diện. Phong cách giả tài liệu này (found footage) từng được nhiều tác phẩm Hollywood áp dụng như Blair Witch Project (1999), REC (2007), The Last Exorcism (2010),…
 
Dự án được công bố vào năm 2014, rục rịch tung trailer nhưng cuối cùng không thể ra rạp. Trong rất nhiều lý do, độ bạo lực, máu me là những yếu tố khiến phim chưa qua được khâu kiểm duyệt.
 
Cửa ải kiểm duyệt từng khá chặt, trở thành thách thức mà không phải dự án kinh dị nào cũng vượt qua thành công. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cách duyệt phim nội đã một số thay đổi, được giới làm phim đánh giá là "cởi mở" hơn. Điều này tạo điều kiện thuận lợi giúp khán giả được thưởng thức nhiều tác phẩm hơn, các nhà sản xuất cũng mạnh dạn đầu tư nhiều dự án hơn.
 
Sự xuất hiện của Cù lao xác sống là một bất ngờ. Nhiều ý kiến cho rằng dự án sẽ tạo bàn đạp để điện ảnh Việt có thêm nhiều tác phẩm lấy đề tài zombie trong tương lai.
Cù lao xác sống được cho là thổi làn gió mới cho điện ảnh Việt nhưng không thành công.
 
Trong phim vẫn có nhiều cảnh quay máu me, bạo lực nên bị dán nhãn C18 (hạn chế người xem dưới 18 tuổi). Tuy nhiên, so với phim quốc tế về cùng đề tài, những cảnh ghê rợn ở mức vừa phải và yếu tố kinh dị còn khá thấp. Các phân cảnh không tạo được sự sợ hãi như thể loại yêu cầu, trái lại vẫn lạm dụng gây cười.
 
So với Rừng xác sống, Cù lao xác sống có ý tưởng táo bạo hơn nhưng lại thiếu tính nghiêm túc. Tác phẩm đặt vấn đề tương đối rộng khi xác sống lan rộng khắp vùng cù lao trở thành đại dịch không thể cứu chữa. Tuy nhiên, cách con người đối diện thảm họa lại rất bình thản.
 
Họ vui vẻ ca hát, vui đùa giữa đêm, không màng đến việc lên kế hoạch hạ gục xác sống. Có nhân vật thậm chí còn mở radio cho zombie nghe để chúng kịp thời cập nhật tin tức. Sự nực cười này cũng khiến nhiều khán giả cảm thấy ngao ngán với cách làm phim zombie của nhà sản xuất Việt.
 
Thể loại đi vào lối mòn
 
Trên thế giới, dòng phim xác sống luôn là món ăn hấp dẫn với khán giả, kể từ khi đạo diễn George A. Romero tạo cơn sốt với Night of the Living Dead (1968). Khoảng 2 thập niên gần đây, từng có nhiều tác phẩm rất ăn khách như series Resident Evil (2002-2021) thu hơn 1,2 tỷ USD, World War Z thu hơn 500 triệu USD, hay Zombieland (2009)Zombieland 2 (2019) đều vượt qua con số 100 triệu USD,…
 
Tại Hàn Quốc, Train to Busan - Yeon Sang Ho đạo diễn - cũng ghi dấu ấn là phim điện ảnh nội địa đầu tiên khai thác chủ đề xác sống. Ra mắt năm 2016, tác phẩm nhanh chóng lập kỷ lục phòng vé với doanh thu gần 100 triệu USD, hiện đứng thứ 15 trong danh sách các phim Hàn ăn khách nhất mọi thời.
 
Trải qua nhiều thăng trầm, dòng phim xác sống dần đi vào lối mòn và không còn tạo được sự mới lạ cho khán giả. Các tác phẩm gần đây bắt đầu cho thấy sự cũ kỹ trong cách khai thác. Chẳng hạn, cả bản tái khởi động (reboot) năm 2021 và bản series năm 2022 của Resident Evil đều nhận sự chỉ trích từ phía người xem vì chất lượng thấp.
 
Hay các tác phẩm Hàn Quốc như Rampant (2018), #Alive (2020), Peninsula (2020),… dù có cố gắng đều chưa thể vượt qua được cái bóng quá lớn của Train to Busan.
Nhiều dự án zombie trên thế giới cũng nhận chỉ trích vì chất lượng kém, điển hình là series Resident Evil (2022).
 
Một số dự án phá cách nhưng không được đón nhận. Điển hình là The Dead Don't Die (2019) của Jim Jarmusch, dùng xác sống để giễu nhại chính trị nhưng lại nhận sự ghẻ lạnh của cả giới phê bình lẫn khán giả.
 
Do đó, khi Cù lao xác sống ra mắt, phim có thể là món ăn mới lạ với khán giả Việt nhưng lại hoàn toàn lỗi thời nếu đặt lên bàn cân với các tác phẩm ngoại quốc.
 
Một trong những yếu tố khiến tác phẩm bị chê bai nặng nề chính là tạo hình thây ma. Các xác sống trong phim không chỉ ngốc nghếch mà còn chậm chạp, bước từng bước với tốc độ 1 km/h. Đặc điểm này khiến chúng chẳng hề đáng sợ mà tạo cảm giác uể oải đến nhàm chán.
 
Chưa kể, lũ zombie còn có thể xuất hiện bất cứ lúc nào không cần lý do, miễn là biên kịch thích. Khi gặp chúng, các nhân vật đều rơi vào mô-típ chung: Luôn hú hét chứ không suy nghĩ, tìm cách đối phó.
 
Đôi lúc, ta có cảm giác hoài nghi về khả năng động não của cư dân vùng cù lao. Nếu chỉ số thông minh của xác sống bằng 0, con người trong phim có thể cho ra kết quả thấp hơn.
 
Ấy thế mà khi con người đối diện với con người, tình cảm bỗng tự nhiên dâng trào. Đến cả một tên côn đồ cũng tìm cách bày tỏ tình yêu giữa lúc thế sự xung quanh đang điên đảo.
 
Về tổng thể, Cù lao xác sống có khá nhiều yếu tố gây cười đến mức thái quá. Sự phi lý khiến phim bị chỉ trích nhưng cũng là yếu tố tạo nên tính giải trí xuyên suốt. Điều này ít nhiều cho thấy sai lầm của đơn vị sản xuất trong khâu quảng bá.
 
Lẽ ra, êkíp phải nhấn mạnh phim zombie Việt đầu tiên đi theo thể loại hài hước, thay vì thuộc thác dòng kinh dị như quảng cáo.
 
Theo Zing

Đọc thêm các bài khác