8 trong 11 phim Việt lỗ hàng chục tỷ đồng nửa đầu năm, song nhờ Lý Hải, Trấn Thành, phòng vé vẫn tăng trưởng kỷ lục.
Đại diện Box Office Vietnam - đơn vị quan sát phòng vé độc lập - cho biết tính từ đầu năm đến ngày 30/6, doanh thu phim rạp trong nước đạt 2.751 tỷ đồng, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái. "Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ sau đại dịch", ông Nguyễn Khánh Dương, sáng lập đơn vị, cho biết.
Thị trường sôi động chủ yếu nhờ Mai (Trấn Thành đạo diễn), Lật mặt 7 (Lý Hải) cùng loạt dự án quốc tế ăn khách. Hai tác phẩm Việt đạt tổng cộng hơn 1.000 tỷ đồng, góp hơn 36% "miếng bánh phòng vé" sáu tháng qua. Nhiều phim châu Á lập kỷ lục, như Exhuma: Quật mộ trùng ma - phim Hàn ăn khách nhất mọi thời ở Việt Nam, Doraemon - hoạt hình anime có doanh thu cao nhất rạp Việt. Các thương hiệu Hollywood như Godzilla x Kong, Kungfu Panda 4 cũng tiếp tục gây tiếng vang, vượt mốc 100 tỷ đồng nhờ sức hút của phần trước.
Mai
Dù doanh thu rạp tăng mạnh, đa số phim Việt "ngã ngựa". Dịp Tết, phim 18+ Trà của Lê Hoàng rút khỏi rạp sau vài ngày chiếu, doanh thu 1,3 tỷ đồng. Tháng 3, Quý cô thừa kế 2 (đạo diễn Hoàng Duy) và Sáng đèn - phim về cải lương xưa của Hoàng Tuấn Cường - chịu chung số phận khi thua lỗ hàng chục tỷ.
Dù có sự góp mặt của "ông hoàng phòng vé" Thái Hòa, Cái giá của hạnh phúc (do Xuân Lan sản xuất) thu về hơn 26 tỷ đồng, không đủ bù kinh phí sản xuất 37 tỷ. Đóa hoa mong manh (Mai Thu Huyền) chỉ đạt 430 triệu đồng, thấp nhất từ đầu năm. Gần đây nhất, Móng vuốt - tác phẩm tái xuất của "đạo diễn trăm tỷ" Lê Thanh Sơn - rời rạp sau ba tuần, doanh thu bốn tỷ đồng dù ban đầu nhà sản xuất kỳ vọng phim đạt 300 tỷ.
Đóa hoa mong manh
Hiện tượng loạt phim Việt "chết yểu" chứng tỏ yêu cầu khán giả ngày càng cao, theo nhiều người trong ngành phim. Ông Nguyễn Hoàng Hải - giám đốc nội dung cụm rạp CJ&CGV - cho biết thời gian qua, không ít phim áp dụng nhiều yếu tố từng được cho là đảm bảo ăn khách, như: Dàn diễn viên đình đám, phát hành dịp lễ, đầu tư truyền thông. "Dù vậy, các phim đó vẫn ế ẩm tại phòng vé. Từ đó có thể thấy, không có công thức 'bảo chứng phòng vé' nếu tác phẩm kém chất lượng", ông đánh giá.
Đồng quan điểm, ông Châu Quang Phước - cựu quản lý truyền thông một cụm rạp ở TP.HCM - cho rằng điểm chung của nhiều phim thua lỗ là khâu nội dung kém. Một số dự án hình thành nhiều năm trước, đến khi ra rạp thì đề tài đã lỗi thời, kém sức hút trong mắt khán giả. Theo ông, nhiều phim đầu tư sơ sài, khiến người xem cảm giác như phim tốt nghiệp của sinh viên mang đi chiếu rạp. "Ngoài ra, việc cạnh tranh khắc nghiệt với loạt thương hiệu nước ngoài dẫn đến tình trạng phim Việt hoặc đại thắng, hoặc nằm dưới đáy bảng xếp hạng, gần như không có khoảng giữa", ông Phước nhận xét.
Thành công hiếm hoi của Trấn Thành, Lý Hải hiện nay cho thấy vai trò của chất lượng sản phẩm, thương hiệu cá nhân, chiến lược quảng bá. Đạo diễn Quang Dũng cho rằng thuận lợi của hai nhà làm phim này là có thể kể được câu chuyện họ muốn. "Họ tự đầu tư, quyết định kinh phí, nếu 'máu' và cảm thấy đáng bỏ tiền, họ sẽ làm tới cùng. Ngoài ra, họ cũng có một bề dày hoạt động đủ để có nhiều đối tượng khán giả, ngày càng mở rộng phạm vi công chúng", Quang Dũng nói.
Móng vuốt
Việc phim Việt thua lỗ liên tiếp khiến các đơn vị ngại đầu tư, theo bà Ngô Phương Lan - nguyên Cục trưởng Điện ảnh. Trong nước, hơn 500 hãng có giấy phép làm phim nhưng chỉ khoảng 30 công ty sản xuất điện ảnh, còn lại chủ yếu quay quảng cáo và dự án khác. Quá trình quay một bộ phim cần nhân lực lớn, kinh phí cao, khiến nhiều nhà sản xuất e ngại. Với lượng phim Việt ra rạp còn ít (khoảng 50 tác phẩm mỗi năm), hiếm dự án thắng lợi phòng vé, điện ảnh Việt chưa thể theo kịp một số nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines.
"Nhiều năm qua, nhìn lại, chúng ta chỉ có một số cái tên ăn khách quen thuộc, chưa xuất hiện nhân tố mới nổi bật", bà Lan nhận định.
Nửa cuối năm, phim Việt được đánh giá giàu màu sắc hơn, nhiều ẩn số. Hai nghệ sĩ hài Việt Hương, Hoài Linh lần lượt trở lại trong hai dự án Ma da và Làm giàu với ma vào tháng 8. Ngày xưa có một chuyện tình (đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh) ra rạp tháng 10, được đông đảo độc giả truyện Nguyễn Nhật Ánh quan tâm. Cùng thời điểm phát hành, Cô dâu hào môn đánh dấu sự trở lại đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, do Uyển Ân - em gái Trấn Thành - đóng chính, bên cạnh Thu Trang, Kiều Minh Tuấn, Lê Giang.
Làm giàu với ma
Loạt phim kinh dị góp mặt vào hai tháng cuối. Linh miêu - tác phẩm của nhà sản xuất Quỷ cẩu - dự kiến đối đầu Con Cám - dự án mới của đạo diễn Trần Hữu Tấn và êkíp Tết ở làng địa ngục. Huỳnh Lập trở lại với Nhà gia tiên do anh đạo diễn - biên kịch, có Phương Mỹ Chi đóng vai chính. Công tử Bạc Liêu (Lý Minh Thắng) khai thác bối cảnh Nam bộ đầu thế kỷ 20, hiện chưa tiết lộ thông tin diễn viên. Kính vạn hoa - một phiên bản điện ảnh khác của truyện dài Nguyễn Nhật Ánh - cũng ra rạp tháng 12
Nhiều người kỳ vọng thị trường khởi sắc hơn ở sáu tháng còn lại. Ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng nhiều dự án Việt sắp đổ bộ có thể giúp phim trong nước mở rộng thị phần, đạt kỷ lục doanh thu cao nhất từ trước đến nay. Dù vậy, Nguyễn Phong Việt - cây bút điện ảnh ở TP.HCM - đánh giá việc đạt mốc 100 tỷ đồng hiện không dễ với đa số nhà phát hành và thị trường có thể phải đợi đến mùa phim Tết 2025 mới rực rỡ hơn.
Theo VnExpress