Xôn xao chuyện phim bị nghi vay mượn ý tưởng vẫn được giải Cánh Diều Vàng

Đăng lúc: 8:53 am, Ngày 17/04/2018

Giống như kết quả ở mùa giải trước, sự lựa chọn của hội đồng chấm chọn giải Cánh Diều Vàng năm nay một lần nữa gây tranh cãi.

Kiểu gì cũng có “vàng”!
 
Trước khi Ban giám khảo Cánh Diều Vàng bắt tay vào việc xem phim và chấm thi, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam, đại diện Ban tổ chức giải thẳng thắn bày tỏ quan điểm sẽ chấm chọn tác phẩm dự thi trên tinh thần “cố gắng năm nào cũng có một giải Vàng để động viên anh em nghệ sĩ, vì chỉ chấm phim trong một năm chứ không phải so năm này với năm kia”.
 
Chiểu theo ý này, “vàng” sẽ có “vàng mười, vàng chín” nhưng tóm lại là kiểu gì cũng có “vàng”. Còn chuyện quyết định trao giải cho phim nào là quyền của Ban giám khảo  - tự xem, tự chấm, tự bình bầu, tự trao giải và tự chịu trách nhiệm với kết quả mà mình đưa ra.
 
Nhìn vào mặt bằng 13 phim tranh giải năm nay (số lượng bằng 1/3 phim được sản xuất trong năm 2017), chỉ cần làm phép tính nhỏ: loại các phim “remake”, loại các phim giải trí đơn thuần, không khó để nhận ra những phim nào sẽ lọt vào “tầm ngắm” của hội đồng “cầm cân nảy mực”.
 
Có điều, trong số các phim còn lại này, Cô Ba Sài Gòn không phải ứng viên nổi trội nhất. Bộ phim do Ngô Thanh Vân sản xuất được đánh giá là vừa vặn, dễ xem nhưng nếu chẻ ra về cả yếu tố nghệ thuật lẫn doanh thu thì rõ ràng không “nhỉnh” hơn một số phim khác như: Em chưa 18, Đảo của dân ngụ cư
 
Chưa kể, bộ phim này còn vướng phải nghi án “vay mượn” ý tưởng nước ngoài khi có cách thể hiện ở một số trường đoạn được cho là khá giống với bộ phim đình đám về thời trang ra mắt năm 2006 - Devil Wears Prada.
 
Cụ thể như tạo hình, tính cách và sự xuất hiện của Diễm My 9X trong phim rất giống với “bà trùm” thời trang Miranda Priestly trong Devil Wears Prada; hay nhân vật do Ninh Dương Lan Ngọc thủ vai có nhiều điểm tương đồng về gu thời trang lẫn cách “biến hình” giống với nhân vật Andy Sachs trong Devil Wears Prada
 
Không chỉ vậy, câu chuyện được kể trong Cô Ba Sài Gòn còn nhiều tình tiết khiên cưỡng và chưa thuyết phục người xem, đặc biệt là những “slot” quảng cáo khá lộ liễu và kém duyên.
Lan Ngọc và Diễm My 9x trong Cô Ba Sài Gòn.
 
Trước khi kết quả Cánh Diều Vàng được công bố, đã có băn khoăn về việc liệu hội đồng giám khảo có xem xét việc Cô Ba Sài Gòn vướng nghi án “vay mượn” ý tưởng từ phim nước ngoài hay không. Trả lời điều này, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát với tư cách đại diện Ban tổ chức và cũng là thành viên Ban giám khảo cho biết, chắc chắn hội đồng sẽ thảo luận và cân nhắc, nếu thực sự có việc “chép” như dư luận phản án thì bộ phim này đã vi phạm tiêu chí “đề cao sự sáng tạo”.
 
Mặc dù vậy, nhà biên kịch này cho biết, cũng từng có nhiều nghi vấn trong lĩnh vực điện ảnh khi xem phim này thấy na ná phim kia. Vì thế, cách giải quyết của Ban giám khảo giải này là “nghi thì treo đấy đã, giám khảo sẽ làm nhiệm vụ phim nào hay thì trao giải, sau đó có gì cơ quan chức năng vào cuộc nếu cần”.
 
Giám khảo nào, giải nấy?
 
Trước giờ trao giải Cánh Diều Vàng năm nay, thông tin về kết  quả cụ thể của từng hạng mục giải thưởng đã rò rỉ trên mạng xã hội. Và chiến thắng của Cô Ba Sài Gòn khiến nhiều người khá bất ngờ. Nếu chiểu theo tiêu chí của giải thưởng năm nay thì bộ phim của Ngô Thanh Vân có ưu thế là thể hiện được nét đẹp của tà áo dài Việt Nam qua các thời kỳ, tức là mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực.
 
Tuy nhiên xét về dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện thì chưa thuyết phục. Ít nhất, đây là ứng viên duy nhất bị xì xào là “vay mượn” ý tưởng của nước ngoài. Dù tin đồn này chưa được xác thực nhưng “không có lửa làm sao có khói”. Áo dài trong trường hợp này có thể xem là cứu cánh giúp bộ phim này đạt giải một cách khiên cưỡng.
 
Thật ra, với một hội đồng giám khảo bị cho là “già” như giải Cánh Diều Vàng năm nay (trong đó trẻ nhất là đạo diễn Bùi Tuấn Dũng thì cũng “cứng” tuổi và lâu rồi chưa làm phim điện ảnh) thì việc chọn Cô Ba Sài Gòn cũng là điều dễ hiểu, kể cả khi bộ phim này không vướng nghi án gì. Áo dài đương nhiên là nét đẹp văn hóa truyền thống, là “hồn” dân tộc, là đậm chất Việt quá rồi, mà cứ truyền thống là chấm điểm cao thôi.
Cảnh trong phim Em chưa 18.
 
Trong khi Em chưa 18 dù sáng tạo đến mấy cũng là câu chuyện mang hơi hướng đương đại, làm về giới trẻ, mà giám khảo “già” không hứng thú với đề tài trẻ, cách sáng tạo của người trẻ cũng là chuyện bình thường, bất kể đây là bộ phim Việt đầu tiên được điện ảnh nước ngoài (Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ…) mua kịch bản về để “remake”.
 
Hay như Đảo của dân ngụ cư kể cả đạt nhiều giải thưởng quan trọng tại các sân chơi quốc tế, trong đó có giải phim hay nhất tại AIFFA 2017 thì cũng chỉ khiêm tốn nhận về Bằng khen tại Cánh Diều Vàng lần này.
 
Chuyện phim đưa phim đi “chinh chiến” nước ngoài và đạt giải, song lại thất thế khi tranh giải Cánh Diều Vàng cũng từng xảy ra tại mùa giải năm ngoái với Cha cõng con của đạo diễn Lương Đình Dũng. Đây được xem là một thực tế oái ăm. Riêng với Đảo của dân ngụ cư, bộ phim do Hồng Ánh đạo diễn xuất từng được đánh giá là để lại dấu ấn sáng tạo nghệ thuật rất riêng nhưng chỉ nhận được Bằng khen tại Cánh Diều là điều đáng tiếc.
Cảnh trong phim Đảo của dân ngụ cư.
 
Ban tổ chức Cánh Diều Vàng năm nay từng thừa nhận, việc đội ngũ giám khảo “già” là do khó mời người trẻ, vì họ bận việc nọ việc kia. Có lẽ, trong những lý do ấy, có cả việc những người trẻ không mặn mà và hào hứng ngồi vào “ghế nóng” khi biết chắc đại đa số những người sẽ chấm thi cùng mình đều thuộc hàng “bô lão”.
 
Việc giám khảo nào - giải thưởng nấy có lẽ vẫn còn đúng với Cánh Diều Vàng nhiều năm sau, nếu như câu chuyện chấm chọn kiểu này vẫn tiếp tục diễn ra. Giám khảo “già” tất nhiên có lợi thế là sự trải nghiệm, vốn sống, quan điểm nhìn nhận nghệ thuật chín muồi nhưng chưa chắc đã có nhìn nhận xác đáng về diện mạo phim Việt sao cho phù hợp với nhịp đập và hơi thở mới. Và vì thế, sự lựa chọn an toàn, dù có nhạt nhòa vẫn là điều dễ hiểu.
 
Chúc Anh/Theo An ninh Thủ đô

Đọc thêm các bài khác