Với lịch sử hơn 90 năm, hãng Disney sở hữu hàng loạt tác phẩm hoạt hình kinh điển cùng vô vàn câu chuyện về những nhân vật thần kỳ, mà dường như kể không bao giờ hết.
Huyền thoại Vua sư tử (The Lion King)
Đây là bộ phim hoạt hình đầu tiên của Disney được lồng tiếng Zulu, ngôn ngữ phổ biến ở Nam Phi và một số nước lân cận. Tên các nhân vật trong phim bắt nguồn từ một ngôn ngữ châu Phi khác là tiếng Swahili. Theo đó, Simba nghĩa là chiến binh dũng cảm, Nala là món quà, Shenzi là man rợ - thô kệch, Pumbba là ngu dốt, lười biếng hay bất cẩn, Rafiki là đồng chí hay bạn bè. Còn Mufasa, cha của Simba, là tên vị vua cuối cùng của người Bagada, một tộc người ở châu Phi.
Những vái tên trong Vua sư tử cũng đại diện cho tính cách nhân vật.
Khác với đời thật, nhân vật sư tử phản diện Scar luôn có bộ vuốt sắc thò ra ngoài. Người hâm mộ có thể thắc mắc tại sao Mufasa và Scar là anh em nhưng vẻ ngoài hoàn toàn khác nhau? Đó là vì ban đầu Disney vốn định để 2 nhân vật này không liên quan gì nhau, nhưng sau đó họ nhận thấy nếu là anh em thì câu chuyện sẽ kịch tính hơn. Thực tế, nội dung Vua sư tử lấy cảm hứng từ vở kịch Hamlet của văn hào Shakespeare và thần thoại Osirian của người Ai Cập, những tác phẩm mà em trai giết anh vì tranh quyền đoạt vị.
Những nàng công chúa
Nàng Ariel của Nàng tiên cá (The Little Mermaid) là công chúa duy nhất có con. Đó là cô bé Melody trong Nàng tiên cá 2: Trở về biển cả (The Little Mermaid 2: Return to Sea). Giống như mẹ mình, Melody cũng là một công chúa nổi loạn.
Còn trong Nữ hoàng băng giá (Frozen), Anna là công chúa Disney đầu tiên có bài hát song ca cùng một nhân vật phản diện, hoàng tử Hans. Nhân vật Elsa cũng là công chúa đầu tiên không ở tuổi teen, cô 21 tuổi. Nàng công chúa trẻ nhất Disney là Bạch Tuyết, 14 tuổi.
Có rất nhiều cái “đầu tiên” trong Nữ hoàng băng giá.
Nhân vật Pocahontas trong tác phẩm cùng tên là công chúa Disney duy nhất có một hình xăm. Đây là nhân vật có thật, là con gái của một tù trưởng người da đỏ ở tiểu bang Virginia (Mỹ). Tuy nhiên, câu chuyện trong phim và đời thật gần như khác xa nhau.
Trong phim, Pocahontas, 17 tuổi, rơi vào tình yêu với nhà thám hiểm người Anh John Smith. Thực tế, Pocahontas mới 11 tuổi khi gặp Smith, lúc này đã 28, và họ hoàn toàn không yêu nhau.
Công chúa có ít lời thoại nhất là nàng Aurora của Công chúa ngủ trong rừng (Sleeping Beauty) với tổng cộng 18 câu.
Những cái tên
Hầu hết mọi người đều biết hoàng tử trong Cô bé Lọ Lem (Cinderella) gọi là Charming, nhưng anh chàng không có một cái họ chính xác nào cả. Nhân vật nữ hoàng của Công chúa ngủ trong rừng cũng không hề có tên. Còn chú chuột Mickey, biểu tượng của Disney, thật ra từ đầu được đặt tên là Mortimer.
Với tác phẩm dựa trên thần thoại Hy Lạp Hercules, điều đặc biệt là trong khi các nhân vật khác như Zeus, Hades và Pegasus đều là những cái tên tiếng Hy Lạp thì Hercules lại là một cái tên La Mã (tiếng Hy Lạp là Herakles). Disney cho biết cái tên Hercules đã quen thuộc với nhiều người nên họ chọn nó.
Chú chuột Mickey lừng danh lúc đầu được đặt cho một cái tên khác.
Phân biệt tuổi tác
Một nghiên cứu của Đại học Brigham Young (Mỹ) cho thấy, 22% nhân vật phản diện của Disney trên 55 tuổi, 42% nhân vật lớn tuổi bị miêu tả tiêu cực. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng xu hướng này của Disney tác động nhận thức của trẻ em, khiến chúng nghĩ người lớn tuổi thường gắt gỏng và đãng trí.
Có lẽ để hạn chế phân biệt, Disney đã có sự trẻ hóa đột biến khi xây dựng nhân vật Hans trong Nữ hoàng băng giá. Chàng hoàng tử này là nhân vật phản diện trẻ nhất Disney khi mới 23 tuổi.
Những điều thú vị khác
Khi bộ phim Người đẹp và quái vật (Beauty and the Beast) phát hành ở Trung Quốc, ngôi sao hành động Thành Long là người đã lồng tiếng, nói lẫn hát, cho nhân vật Quái vật. Lúc đó, Thành Long vẫn chưa nổi tiếng ở Mỹ.
Trong phim 101 chú chó đốm (101 Dalmatians), có tất cả 6.469.952 đốm đen trên mình các chú chó. Một đặc trưng của Disney là thường lấy nhân vật phim này làm “khách mời” trong phim khác. Và “khách mời” đáng thương nhất có lẽ là sư tử Scar trong Vua sư tử. Scar trở thành con thú bị Hercules săn trong bộ phim về nhân vật này.
Bộ phim Người đẹp và quái vật (bản năm 1991) sắp được dựng thành phim điện ảnh.
Nếu Aurora còn nói được 18 câu thì chú voi biết bay Dumbo trong bộ phim cùng tên thậm chí còn là nhân vật chính duy nhất chẳng nói câu nào.
Thỉnh thoảng, Disney cũng mắc những lỗi ngớ ngẩn, như hình ảnh bộ phận sinh dục nam giới trên bìa băng video Nàng tiên cá do họa sĩ vô tình tạo nên. Hay trong phim Nhân viên cứu hộ (The Rescuers), một bức ảnh phụ nữ khỏa thân trên một cửa sổ có thể nhìn thấy 2 lần. Disney sau đó đã nhanh chóng xin lỗi vì sự cố này.
Theo Thùy Dung/TNO