Sân khấu kịch nói đang lỗi nhịp với đời sống

Đăng lúc: 10:54 am, Ngày 25/06/2015

Những người làm sân khấu đều đang có chung nỗi lo lắng, trăn trở khi sân khấu kịch đang đánh mất đi chức năng dự báo, thiếu vắng những kịch bản trực diện tấn công vào những đề tài nóng, nhạy cảm của đời sống xã hội.

Các nhà phê bình đã nói, nhiều vở diễn đang bị rơi vào cảnh minh hoạ cuộc sống bởi lực lượng sáng tạo chưa tìm ra được chìa khoá để mã hoá cuộc sống, đối thoại với người xem bằng ngôn ngữ của nghệ thuật.
Sân khấu kịch nói đang lỗi nhịp với đời sốngThời gian không im lặng của Nhà hát Kịch Quân đội.

Nỗi lo không của riêng ai

“Sân khấu thiếu kịch bản hay hấp dẫn công chúng. Cơ chế thị trường với phim truyền hình, game show, quảng cáo đã hút cạn sức lực tác giả và nghệ sĩ. Họ trở về sàn kịch khi mệt mỏi, hấp tấp, xem cảm xúc vai diễn chỉ là sự mơn trớn bên ngoài, không đủ thời gian và cảm xúc để làm cho nhân vật, tác phẩm chạm vào trái tim khán giả…”.

Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên ngay tại lễ khai mạc Cuộc thi sân khấu kịch CNTQ 2015 đã thể hiện nỗi lo không phải từ phía cơ quan quản lý nhà nước mà cũng là tâm trạng chung của những người làm nghệ thuật trước sự đi xuống của sân khấu kịch nói chuyên nghiệp. Từ ban tổ chức cho tới các đơn vị, nghệ sĩ khi tham gia đều không quá kỳ vọng sẽ có những giải thưởng cao vượt trội, tỷ lệ thuận với sự vượt trội về số lượng vở diễn dự thi.

Tại cuộc thi lần này bộc lộ rất rõ hai xu hướng dàn dựng theo khu vực: Sân khấu kịch phía Bắc quá nặng nề khi chú trọng tới việc xây dựng nội dung tư tưởng cho vở kịch nhưng lại đặt ra những vấn đề chưa trúng, chưa thuyết phục. Ngược lại, sân khấu kịch phía Nam lại không mấy quan tâm tới việc nâng tầm giá trị tư tưởng cho vở diễn dẫn tới cảm giác có phần thoả hiệp với một sân khấu kịch sinh hoạt, đơn thuần giải trí. Đó là lý do sân khấu kịch bày ra đủ các thể loại từ chính kịch, bi kịch, hài kịch cho tới kịch kinh dị để rồi tất cả đều trở nên bão hoà, thiếu hấp dẫn.

Lý giải về sự đi xuống của sân khấu kịch, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, những vấn đề mà các vở kịch đặt ra hôm nay mới chỉ dừng ở sự minh hoạ cuộc sống xã hội. Mà nếu chỉ để minh hoạ thì rõ ràng khó có thể cạnh tranh với báo chí và các phương tiện truyền thông bằng hình ảnh và sự nhanh nhạy của thông tin. Thật ngạc nhiên khi được mệnh danh là mũi nhọn nhưng kịch nói không đề cập tới những vấn đề mà xã hội đang rất quan tâm như những vấn đề về chủ quyền đất nước, những hiện tượng nổi cộm trong đời sống xã hội. Những lý do như kinh phí đầu tư hạn hẹp, trang thiết bị lạc hậu… chỉ là sự biện minh cho cái thiếu và yếu từ khâu sáng tác kịch bản. “Theo tôi, các nhà viết kịch đang bị lạc lối hoặc né tránh đề cập tới những vấn đề thời sự bởi họ chưa tìm được cách đối thoại với đời sống bằng ngôn ngữ của nghệ thuật”, PGS Thái thẳng thắn.
Sân khấu kịch nói đang lỗi nhịp với đời sốngCổ tích một tình yêu của Công ty TNHH Nụ cười mới.

Đeo bám những đề tài cũ

Ở góc độ một tác giả sân khấu, nhà văn Nguyễn Quang Vinh chia sẻ, cuộc sống nóng bỏng với bao đề tài hay, hấp dẫn về con người mới trong xã hội hiện đại vậy tại sao sân khấu kịch vẫn tiếp tục đeo bám những đề tài quá cũ với những nhân vật không còn là nhân vật trung tâm của xã hội hiện đại nữa. “Tôi cho rằng những người làm nghệ thuật cần phải biết thở dài ngao ngán với những sản phẩm mà mình đang làm ra khi nó thực sự không còn đáp ứng được với công chúng”, ông nhấn mạnh.

Còn đạo diễn Trần Ngọc Giầu, thành viên Ban giám khảo Cuộc thi nhận định: “Sân khấu đang mất tính dự báo, lỗi nhịp với đời sống hiện tại. Những người làm sân khấu kịch đang tự dễ dãi và nghiệp dư hoá sân khấu bởi sự bươn chải với cuộc sống. Cũng khó có thể trách sân khấu xã hội hoá TP.HCM khi họ chạy theo xu hướng dàn dựng dòng kịch giải trí. Món ăn mà họ làm ra có thể chất lượng nghệ thuật không cao nhưng họ có một đối tượng khán giả riêng. Những vở diễn mà các đơn vị sân khấu kịch xã hội hoá mang ra cuộc thi lần này đều là những vở “sạch sẽ” nhất trong kịch mục biểu diễn của họ. Muốn thúc đẩy tính chuyên nghiệp cũng như nâng tầm tư tưởng cho các tác phẩm của sân khấu xã hội hoá thì Nhà nước phải vào cuộc đặt hàng. Bởi rõ ràng sân khấu TP.HCM đang bị các bầu sô làm nghiệp dư hoá bởi mục đích lớn nhất vẫn là có doanh thu để tồn tại”.

Tổ chức đấu thầu tác phẩm, viết kịch bản theo đơn đặt hàng đang là một lối đi được nhiều tác giả và đông đảo các nghệ sĩ ủng hộ. Nhà văn Nguyễn Quang Vinh cho rằng trại sáng tác, đi thực tế xem ra không còn có hiệu quả: “Tôi đã từ chối tham gia các trại sáng tác đơn giản vì thấy rằng việc sáng tác có hiệu quả phải do tự thân người viết có cảm hứng, có nhu cầu chứ không phải cứ vào trại là bắt buộc phải nặn ra cho kì được đề cương và kịch bản nộp thu hoạch. Tôi rất ủng hộ Nhà nước đặt hàng sáng tác có trọng tâm cho từng đối tượng có năng lực. Nhờ có việc “đặt hàng” đề tài mà một kịch bản chính luận sắc bén, dám động đến vấn đề được xem là nhạy cảm đó là nạn chạy chức, chạy quyền, tham nhũng như kịch bản Đường đua trong bóng tối mới có cơ hội đến được với công chúng. Muốn có những vở diễn hay, muốn sân khấu kịch có tính chiến đấu, không chỉ các tác giả mà các nhà quản lý các đơn vị nghệ thuật, các hội đồng duyệt cũng cần phải đổi mới tư duy khi xét duyệt kịch bản”.
 
Thúy Hiền/Theo Báo Văn hóa

Đọc thêm các bài khác