Điện ảnh Việt thất thế từ rạp chiếu

Đăng lúc: 10:29 pm, Ngày 08/10/2015

Nếu không có cơ chế, chính sách hợp lý, chúng ta sẽ đánh mất thị trường vào tay các doanh nghiệp nước ngoài và khả năng định hướng phát triển điện ảnh của nhà nước sẽ không còn.

Điện ảnh Việt hiện nay đang có sự phát triển tích cực về số lượng đầu phim được sản xuất mỗi năm và các cụm rạp hiện đại được xây dựng tăng vượt bậc. Tuy nhiên, hệ thống rạp chiếu, tỉ lệ ăn chia khi phát hành phim Việt với các doanh nghiệp (DN) nước ngoài kinh doanh cùng ngành nghề đang chiếm đa phần thị trường là những áp lực không nhỏ đối với các nhà phát hành phim nội địa.

Rạp Việt nằm “chiếu dưới”

Dù chưa có thống kê đầy đủ về số lượng rạp chiếu phim (bao gồm cả các rạp chiếu ở các tỉnh) tại thị trường Việt Nam nhưng nếu nhìn vào bề nổi, sẽ thấy thị phần chiếu phim đang nghiêng hẳn về các đơn vị nước ngoài. Trong số hơn 50 cụm rạp tại các thành phố lớn như: TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ... rạp chiếu phim “ngoại nhập” (có vốn đầu tư nước ngoài) chiếm đến trên dưới 80%.

Dẫn đầu thị trường hiện nay là hệ thống rạp CGV với 27 cụm rạp có 176 phòng chiếu phủ khắp 10 thành phố lớn trong cả nước (bao gồm 1 phòng chiếu IMAX, 3 phòng chiếu 4DX, 49 phòng chiếu 3D, 103 phòng chiếu 2D và tổng số hơn 25.955 ghế). Ngôi vị “á quân” của thị trường rạp chiếu phim tại Việt Nam cũng thuộc về một đơn vị khác đến từ Hàn Quốc - Lotte Cinema - với 16 cụm rạp. Một hệ thống cụm rạp khác có nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài là Platinum (được thành lập bởi Tập đoàn Multivision từ Indonesia) cũng nghiễm nhiên chiếm vị trí đồng hạng ba với 5 cụm rạp.
Điện ảnh Việt thất thế từ rạp chiếuRạp chiếu phim nội địa đang đứng trước nguy cơ bị đè bẹp bởi các “ông lớn” nước ngoài.

Trong khi đó, các nhà phát hành và hệ thống cụm rạp nội địa chỉ có 2 đại diện tạm coi là “đủ sức đối đầu” là BHD và Galaxy. Đầu tháng 9 vừa qua, BHD đã khai trương cụm rạp thứ 4 tại Trung tâm Thương mại Vincom Quang Trung (190 Quang Trung, phường 10, quận Gò Vấp, TP HCM) với quy mô 8 phòng chiếu bao gồm cả 2D và 3D. Trước đó, đơn vị này đã sở hữu các cụm rạp: BHD 3 Tháng 2, BHD Cineplex Icon 68 và BHD Phạm Hùng. Galaxy cũng vừa khai trương cụm rạp số 5 tại Quang Trung (quận Gò Vấp) với sức chứa hơn 1.000 chỗ ngồi gồm 7 phòng chiếu, nâng tổng số phòng chiếu đơn vị này đang sở hữu lên con số 25 (13 phòng chiếu 3D). Một đơn vị trong nước cũng vừa gia nhập thị trường kinh doanh rạp chiếu phim và phát hành phim là Mega GS (hợp tác giữa 2 đơn vị: Saigon Media và Sóng Vàng Group), mới khai trương cụm rạp Mega GS đầu tiên trên nền rạp Thăng Long cũ gồm 6 phòng chiếu (trong đó có 2 phòng 3D) với sức chứa gần 1.000 chỗ ngồi.

Chỉ cần nhìn vào số lượng và quy mô hiện tại đã thấy thị trường phát hành phim và cụm rạp tại Việt Nam đang nằm trong tay các “ông lớn” đến từ nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc. Trong tương lai, khoảng cách này sẽ còn được gia tăng nhanh hơn nữa khi CGV đặt mục tiêu có 55 cụm rạp trên toàn quốc, tiếp tục củng cố vị trí số 1 của mình ở thị trường rạp chiếu phim. Lotte Cinema tiếp tục bám đuổi ở vị trí số 2. Trong khi đó, kế hoạch đến năm 2016, Platinum cũng đặt mục tiêu có 10 cụm rạp trên toàn quốc và chính thức tấn công thị trường TP HCM sau Hà Nội, Nha Trang. Các đơn vị trong nước như BHD hay Galaxy cũng có kế hoạch phát triển hệ thống rạp của mình nhưng trong cuộc đua này dù nỗ lực đến mấy họ vẫn tỏ ra yếu thế.

“Nước xa” có cứu được “lửa gần”?

Hôm 16/9 vừa qua, tại Cục Điện ảnh, Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan đã chủ trì buổi họp bàn về các biện pháp tăng cường công tác phát hành, phổ biến phim Việt Nam tại các hệ thống rạp với hầu hết những đơn vị phát hành trong nước như: BHD, Galaxy, Trung tâm Chiếu phim quốc gia, Saigon Media, A Company... Những vấn đề về phát hành và phổ biến phim Việt, tỉ lệ ăn chia giữa nhà sản xuất, nhà phát hành Việt với các đơn vị nước ngoài... đã được thảo luận rất sôi nổi. Ngày 2-10, Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam ra đời gồm 13 thành viên.

Thực tế cho thấy việc ra đời của hiệp hội này là cần thiết, nhất là trong bối cảnh nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam đang phát triển, DN nội địa còn nhiều khó khăn và thách thức về công nghệ, trang thiết bị kỹ thuật, khó khăn về nguồn vốn đầu tư, môi trường cạnh tranh khốc liệt với sự tham gia của các tập đoàn lớn của nước ngoài. Tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt những nước có nền công nghiệp điện ảnh phát triển như: Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... đều có những hội nghề nghiệp tương tự để bảo vệ quyền lợi của DN trong nước. Tuy nhiên, việc nỗ lực thực hiện mục tiêu “bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên; đấu tranh chống những hành vi độc quyền, tranh chấp thị trường, xâm phạm lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên trong lĩnh vực phát hành và phổ biến phim tại Việt Nam” là bài toán còn nhiều nan giải, đặc biệt trong bối cảnh các DN trong nước bị lép vế rất rõ rệt.

Ghi nhận thực tế cho thấy hoạt động kinh doanh trong bất cứ lĩnh vực nào không thể tránh khỏi quy luật cạnh tranh. Đối với lĩnh vực đặc thù như phát hành và phổ biến phim, việc để tình trạng độc quyền thị trường hay dùng các chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh sẽ khiến các DN trong nước gặp rất nhiều bất lợi. Liên quan đến việc phát hành phim, một số nước lân cận như Trung Quốc, Hàn Quốc... luôn có cơ chế đặc thù để bảo vệ phim nội địa: kiểm soát số lượng phim ngoại nhập; quy định tỉ lệ ăn chia giữa các nhà phát hành, phân phối; đề ra chính sách ưu ái nhằm thúc đẩy các DN trong nước... Sẽ không thể rập khuôn một cách máy móc công thức thành công của nước bạn nhưng thiết nghĩ đó là những bài học cần thiết nếu muốn thị trường điện ảnh Việt không rơi vào thế “chết oan trên sân nhà”.

Một bài viết trên tạp chí Hollywood Reporter năm 2013 từng xếp Việt Nam vào danh sách 13 thị trường phòng vé có tăng trưởng ngoạn mục nhất. Thị trường điện ảnh Việt cũng đang hướng đến con số 100 triệu USD doanh thu vào năm 2020. Với đà phát triển và thực trạng như hiện nay, nếu không có cơ chế, chính sách hợp lý hay những ưu đãi cần thiết đối với các DN trong nước, chúng ta sẽ đánh mất thị trường vào tay các DN nước ngoài và khả năng định hướng phát triển điện ảnh của nhà nước sẽ không còn.

Rạp nội địa chịu nhiều thiệt thòi

Không chỉ lép vế về số lượng mà trong cuộc đua nói trên, các nhà phát hành, cụm rạp nội địa cũng chịu không ít thiệt thòi. Trước đây, DN Việt phải chịu mức thuế DN 25%, từ năm 2014, mức thuế giảm còn 22% và theo quy định của nhà nước, đến năm 2016 còn 20%. Trong khi đó, các DN nước ngoài được hưởng chế độ miễn, giảm thuế. Dù hoạt động theo đúng Luật DN nhưng việc kinh doanh cùng một ngành nghề, vốn đầu tư ít, mức thuế đóng cao hơn khiến các đơn vị trong nước luôn ở vào thế yếu.

Đó là chưa kể đến tỉ lệ ăn chia doanh thu, đặc biệt đối với các phim Việt do các đơn vị trong nước đầu tư - sản xuất, luôn ở mức bất lợi. Nhiều phim Việt phải chấp nhận tỉ lệ ăn chia chênh lệch rất cao 70-30 (30 thuộc về chủ phim Việt) nếu muốn phim được phát hành rộng rãi trên các hệ thống rạp chiếu của các đơn vị nước ngoài.
 
Văn Tuấn/Theo Người lao động

Đọc thêm các bài khác