Bộ phim điện ảnh "Hai thế giới" của đạo diễn Phạm Văn Nhận trở lại với khán giả Sài Gòn kể từ lần công chiếu đầu tiên vào năm 1954
18h30 ngày 24/11/2015, bộ phim điện ảnh Hai thế giới được chiếu tại khách sạn Rex, TP HCM. Đây là nơi tác phẩm được công chiếu lần đầu tiên vào năm 1954. Trong suất chiếu, ban tổ chức dành thời gian giao lưu với đạo diễn Việt Linh - cháu dâu của đạo diễn Phạm Văn Nhận. Nam đạo diễn sinh năm 1919, đang sống tại La Grande Motte, miền Nam nước Pháp. Một trong những mong ước lớn nhất đời của tác giả là mang bộ phim trở lại trình chiếu ở quê nhà.
Sau buổi này, phim tiếp tục có suất chiếu miễn phí vào 18h30 ngày 28/11/2015 tại Viện trao đổi Văn hóa Pháp - Idecaf, TP HCM. Các suất chiếu được thực hiện qua sự hợp tác của Trung tâm nghiên cứu và lưu trữ điện ảnh TP HCM, Hãng phim Xanh (Blue Productions) của nghệ sĩ Hồng Ánh và nhiều đơn vị.
Poster phim Hai thế giới.
Hồng Ánh chia sẻ chị rất muốn giới thiệu bộ phim đến khán giả vì "cuốn phim là nguồn tư liệu quý giá, đáng tự hào khi một tác phẩm điện ảnh của người Việt Nam được làm trên đất Pháp từ những năm 1953... Vào những năm đó, ở quê nhà, khái niệm về phim ảnh còn rất thô sơ, chiến tranh đang chia cắt đất nước, đời sống du học sinh vô cùng khó khăn. Vậy mà mà bác Phạm Văn Nhận gần như đảm nhiệm rất nhiều vai trò cùng lúc để làm ra một phim hoàn toàn của Việt Nam trên đất Pháp".
Hai thế giới là phim đen trắng, dài 61 phút, nói về chuyện tình của đôi sinh viên người Việt du học tại Pháp, trong bối cảnh bệnh lao phổi là bệnh nan y vào những năm 1950 của thế kỷ 20. Các diễn viên tham gia phim có Phùng Thị Nghiệp, Lê Hùng, Vũ Ngọc Tuân, Phạm Ngọc Tuấn...
Tác phẩm này vừa được Trung tâm quốc gia điện ảnh Pháp CNC cho phục chế và số hóa. Trước khi mang về Việt Nam trình chiếu, bộ phim được giới thiệu tại rạp La Clef, Paris, Pháp vào 19/9.
Teaser Hai thế giới.
Phạm Văn Nhận sinh năm 1919 ở Hà Đông. Không được đào tạo về điện ảnh nhưng sự nghiệp của ông không chỉ dừng lại ở công việc làm đạo diễn mà còn có cả làm xưởng in tráng phim, sáng chế kỹ thuật và thiết bị chuyển âm… Lần đầu tiên đạo diễn Phạm Văn Nhận cầm máy 16 ly là khi ông quay những thước phim tài liệu lịch sử về Hồ Chủ tịch, phái đoàn Phạm Văn Đồng và phong trào Việt kiều tại Pháp.
Ông cũng là người sáng chế một kỹ thuật chuyển âm ít tốn kém vào thời điểm bấy giờ: dùng băng từ để ghi âm và dán lên phim nhựa. Cùng phát minh kỹ thuật này, ông còn thiết kế máy cắt - dán băng từ, máy chiếu có đầu từ đọc phim chuyển âm.