Nét xuân sắc một thời của kỳ nữ làng sân khấu Việt

Đăng lúc: 8:58 am, Ngày 02/06/2016

Thời trẻ Nghệ sĩ Nhân dân Kim Cương không thuộc hàng tuyệt thế giai nhân nhưng tài năng và vẻ đôn hậu khiến bà được xưng tụng danh "kỳ nữ".

Ở tuổi gần 80, Nghệ sĩ Nhân dân Kim Cương vừa ra mắt tự truyện Sống cho người, sống cho mình. Quyển sách thuật lại đời bà từ những ngày bé rong ruổi cùng cha mẹ ở gánh hát gia đình Phước Cương đến khi trải qua nhiều thăng trầm, vinh nhục trong đời nghệ thuật.
Khi Kim Cương chín tuổi, cha bà qua đời để lại nỗi đau và gánh nặng lớn lên gia đình bà. 11 tuổi, Kim Cương được gửi vào trường dòng Thiên Phước (Tân Định, Sài Gòn) để học vì mẹ bà - Nghệ sĩ Nhân dân Bảy Nam - không muốn con gái theo nghề hát. Năm 16 tuổi, bà tiếp tục được gửi vào nhà dòng Cha Tam ở Chợ Lớn. Trong ảnh, nghệ sĩ Kim Cương (phải) cùng sơ Bernadette ở nhà dòng Cha Tam năm bà 17 tuổi.
Nghệ sĩ Kim Cương năm 19 tuổi. Dù nghệ sĩ Bảy Nam không muốn con gái theo  nghề hát, Kim Cương vẫn bị hút về sân khấu như định mệnh. Sau thời gian để con gái theo đoàn, bà Bảy Nam đặt hàng soạn giả Duy Lân viết cho con gái vở diễn Giai nhân và ác quỷ. Vai A Liễu trong vở cải lương này đưa tên tuổi Kim Cương lên hàng đào thương và là gương mặt đình đám trong giới sân khấu thời đó. Trên báo Tiếng Dội, ký giả Nguyễn Ang Ca đặt danh xưng "kỳ nữ" - ngụ ý về cô gái có tài năng kỳ lạ.
Từ vai diễn lớn đầu tiên năm 19 tuổi, Kim Cương gắn bó với sân khấu như một "cái đạo" làm nghề mà mẹ bà luôn răn dạy. Bà gây dựng đoàn Kim Cương, vừa tham gia diễn xuất vừa viết nhiều vở tuồng nổi tiếng. Trong ảnh, Kim Cương trong vở cải lương Đường về Lam Sơn.
Kim Cương trong vở diễn Dưới hai màu áo.
Hình ảnh Kim Cương trong vai cô Diệu của vở Lá sầu riêng. Diễn xuất của bà trong vở này được nhận xét là một trong những lối diễn xuất kinh điển của làng sân khấu, khắc họa chân dung dịu hiền, chịu thương, chịu khó của người phụ nữ lắm truân chuyên.
Kim Cương chia sẻ từ thời bắt đầu thành danh với nghiệp ca hát, bà chưa bao giờ có tham vọng trở thành ngôi sao. Nhưng nhan sắc và tài năng giúp bà chiếm trọn tình cảm khán giả, giới chuyên môn. Thời đó, nghệ sĩ Út Bạch Lan thường được khán giả, báo chí bầu chọn là "Giọng ca hay nhất", còn Kim Cương liên tục trong nhiều năm được tôn vinh là "Nghệ sĩ được khán giả yêu thích nhất".
Kim Cương bên chiếc máy quay phim màu đầu tiên của truyền hình trong nước. Không chỉ là "kỳ nữ" của làng sân khấu, bà còn dấn thân vào lĩnh vực điện ảnh. Năm 1973 bà thành lập công ty Điện ảnh Kim Cương. Công ty đã thực hiện các phim như: Biển động, Mưa trong bình minh, Một thoáng đam mê... quy tụ dàn diễn viên tên tuổi như: La Thoại Tân, Bạch Tuyết, Thanh Thúy, Thanh Việt...
Kim Cương và diễn viên Lý Thanh (trái, người Đài Loan).
Kim cương chụp ảnh với diễn viên Lý Lệ Hoa (Trung Quốc) vào năm 1956.
Kim Cương và diễn viên Lâm Đại (phải, người Hong Kong). Những khi xuất hiện trên sân khấu, đóng phim hay giao lưu với bạn bè nghệ sĩ các nước, Kim Cương thường chuộng mặc áo dài. Vẻ đẹp thuần hậu, đậm nét Á Đông của bà luôn thu hút mọi người.
Kim Cương (phải) và diễn viên Thẩm Thúy Hằng. Giỏi giang, bản lĩnh và tài năng nhưng trong chuyện tình yêu, hạnh phúc riêng tư, Kim Cương đón nhận những thiệt thòi, mất mát về phần mình. Bà trải qua nhiều cuộc tình mặn nồng, từng một lần kết hôn và có một con trai. Nhưng rốt cuộc với bà tìm được hạnh phúc trọn vẹn trong đời sống lứa đôi là điều xa vời.
Kim Cương được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 2011. Từ khi giã từ hoạt động sân khấu, bà chuyên tâm cho hoạt động từ thiện đến tận hôm nay. Trong ảnh, Kim Cương hạnh phúc đầm ấm bên vợ chồng con trai và các cháu nội.
 
Thất Sơn/Theo VnExpress
Hình ảnh được trích từ sách Sống cho người, sống cho mình của công ty sách Phương Nam.

Đọc thêm các bài khác