Thể hiện hàng trăm nghìn ca khúc, có hàng triệu người hâm mộ, mặc đồ thiết kế riêng của Marc Jacobs... Mọi hào quang xoay quanh Hatsune Miku đều là thật, chỉ trừ chính bản thân cô.
Album của Hatsune Miku được bán hết sạch trên toàn thế giới. Các video của cô thu hút hàng chục triệu lượt xem trên YouTube. Cô cộng tác với những nhà sản xuất hàng đầu thế giới và trình diễn mở màn tour ARTPOP của Lady Gaga. Những gì Hatsune Miku đã làm được vượt xa sự tưởng tượng của mọi người.
Không chỉ giới hạn trong âm nhạc, Hatsune Miku còn có tầm ảnh hưởng rộng khắp trong nền văn hoá Nhật Bản. Hình ảnh của cô xuất hiện nhan nhản trên sóng truyền hình, game hay thậm chí là tạp chí Playboy. Búp bê chibi của cô từng đưa lên vũ trụ hai lần. Và trên hết, cô được hàng triệu thanh thiếu niên Nhật Bản say mê đến điên đảo.
Hatsune Miku có hàng triệu fan hâm mộ trên toàn cầu. Ảnh: Digital Trends.
Sự ra đời của một huyền thoại
Trên tất cả phương diện, Hatsune Miku được xem là hình ảnh thành công mỹ mãn nhất mà một nghệ sĩ có thể vươn tới. Vấn đề duy nhất nằm ở chỗ cô là sản phẩm không có thật.
Hầu như tất cả ngôi sao lớn trên thế giới đều được hình thành theo một hai mô típ chung. Một số được các ông chủ hãng đĩa hay nhà sản xuất xây dựng hình ảnh, những người khác nắm bắt tốt xu hướng và tập trung phát triển sự nghiệp riêng dựa trên thị hiếu của thị trường.
Nhưng không ai trong số họ xuất hiện và tỏa sáng một cách đặc biệt như Hatsune Miku. Cô là sản phẩm của một nhóm chuyên gia thuộc công ty truyền thông Nhật Bản Crypton Future Media.
Họ phát triển thành công chương trình đặc biệt cho phép người dùng tạo ra bất cứ ca khúc nào họ muốn. Và người thể hiện ca khúc đó không ai khác chính là cô ca sĩ “mãi mãi tuổi 16”: Hatsune Miku.
Với mái tóc xanh màu kẹo ngọt dài đến đầu gối, đôi mắt to tròn đậm chất anime cùng giọng hát trong trẻo cao vút, ngay từ khi ra đời Hatsune Miku đã được định hình sẽ trở thành một công chúa nhạc pop đúng nghĩa.
Tưởng chừng đây chỉ là trào lưu bất chợt cũng như bao công nghệ khác. Nhưng không. Đã 10 năm trôi qua kể từ lần đầu xuất hiện, Hatsue Miku vẫn thuộc top nghệ sĩ hàng đầu Nhật Bản. Lượng bài hát được Miku trình bày đã lên đến hàng trăm nghìn.
Hình ảnh của cô tràn ngập các trang web và trên đường phố. Số lượng người hâm mộ cứ tăng theo từng ngày. Một kỷ nguyên ngôi sao mới đã được hình thành tại Nhật Bản.
Hatsune Miku là sản phẩm hoàn hảo của công nghệ trình diễn 3 chiều và phần mềm âm nhạc điện tử. Ảnh: Digital Trends.
Cyberpop trỗi dậy
Miku không phải là ngôi sao âm nhạc “ảo” đầu tiên hay duy nhất xuất hiện ở xứ sở phù tang. Năm 2004, cô gái tóc nâu mặc bộ đồ da đỏ Miku từng xuất hiện. Năm 2006, phiên bản nâng cấp hơn của Miku là Kaito ra mắt trong dáng điệu nghệ sĩ hơn, nhưng cũng không đạt thành công vang dội.
Những cái tên xuất hiện trong thời kỳ đó còn có thể kể đến là Megurine Luka, Kagamine Ren, Len... nhưng chưa có ai đạt đến độ phủ sóng toàn cầu. Chỉ đến năm 2007, sự xuất hiện của Hatsune Miku mới làm thay đổi toàn bộ cục diện nền âm nhạc điện tử Nhật Bản.
Đúng với cái tên của mình (có nghĩa là “âm thanh đầu tiên vọng từ tương lai”), Miku trở thành hiện tượng âm nhạc kỳ lạ nhất, độc đáo nhất và có sức ảnh hưởng nhất lên toàn bộ giới trẻ nước Nhật.
Không quá khứ, không xuất thân và không tính cách đặc trưng, Hatsune Miku như một tờ giấy trắng, được người dùng thoả thích tô vẽ theo ý muốn. Một thời gian ngắn sau khi Miku xuất hiện, mạng lưới truyền thông xã hội có tên Piapro.jp đã được thiết lập, chuyên đăng tải các sản phẩm âm nhạc của Miku.
Trang chia sẻ video của Nhật là Nico Nico Douga sau đó cũng trở thành kênh đầu tiên tổ chức, thiết lập và lan toả các sản phẩm âm nhạc đóng mác Miku.
Trên thực tế, những ca khúc Hatsune Miku thể hiện đều do người hâm mộ sáng tác và viết lời. Phần mềm sáng tạo ra cô cho phép người dùng tự sản xuất nhạc mà không cần quan tâm tới vấn đề bản quyền.
Sự tự do trong sáng tạo này ngày càng chứng tỏ sức mạnh, khi những người hoạt động trong mạng lưới Piapro.jp không còn là người hâm mộ đơn thuần. Giờ đây, trang này trở thành nơi chia sẻ, gắn kết và hợp tác giữa người với người, nhờ các dự án âm nhạc của Miku.
Vượt ra ngoài biên giới Nhật Bản, những năm gần đây, cô gái 16 tuổi có mái tóc xanh biếc còn được nhiều người phương Tây biết đến qua dự án Hatsune Miku: Project Diva F 2nd, nơi chuyển ngữ nhiều ca khúc của Miku sang tiếng Anh.
Tương lai của nền âm nhạc "hậu nhân loại"
Tính đến nay, số lượng ca khúc mà Miku thực hiện đã vượt quá 100.000, bao trùm toàn bộ thể loại từ EDM, bubblegum pop cho đến rock và opera. Phần lớn ca từ trong số này thể hiện khát khao và mơ ước của thế hệ trẻ đầy hoài bão - cũng chính là đối tượng những người làm ra Miku hướng tới.
Không là ai, nhưng lại đại diện cho tất cả mọi người, Hatsune Miku mang trong mình rất nhiều cảm xúc và câu chuyện của nhiều cá nhân khác nhau. Từ một phần mềm đơn thuần, cô ca sĩ ảo 16 tuổi dần trở thành phương tiện bày tỏ tình yêu, thử thách và cả khổ đau trên toàn thế giới.
Người hâm mộ Miku sẽ tự tìm đến những “phiên bản” thần tượng khác nhau mà họ yêu thích. Ở nhiều sản phẩm âm nhạc, Miku hiện lên với vẻ ngoài thánh thiện, ánh mắt trong sáng và điệu bộ đáng yêu. Trong những sản phẩm khác, cô lại xuất hiện với tạo hình đen tối hơn, ánh mắt u ám hơn, và hành động dữ dội hơn.
Trong mắt người hâm mộ, Miku đích thực là hình mẫu thần tượng hoàn hảo. Cô chưa từng có hành động hay phát ngôn tiêu cực. Cô thân thiện và dễ tiếp cận với tất cả mọi người. Hình ảnh của cô có thể được dùng cho bất cứ mục đích nào vì căn bản là cô không có thực.
Vì lẽ đó, đám đông tin tưởng vào Miku, cũng như mọi thứ mà cô đại diện. Họ biết Miku không có cảm xúc, không có tính cách và không hề tồn tại. Nhưng xét về nhiều phương diện, Miku chính là tiếng nói của hàng triệu người trong thế giới ảo Internet, khi họ được thể hiện cảm xúc, câu chuyện và khả năng âm nhạc của chính mình.
Hiện tượng Hatsune Miku có thể là tương lai của nhạc pop hay không? Rất khó để trả lời câu hỏi này, vì đã 10 năm trôi qua kể từ lần đầu xuất hiện, cô gái 16 tuổi Miku vẫn giữ nguyên sức hút như ban đầu, nếu không nói là ngày càng nổi tiếng.
Tờ Vulture từng khẳng định Hatsune Miku có thể mở ra trang mới của lịch sử âm nhạc, đưa loài người đến kỷ nguyên âm nhạc hậu nhân loại, vượt xa thế giới ba chiều tại Coachella, hay các nghệ sĩ điện tử giấu mặt Nightcore và Daft Punk.
Mao Lương/Theo Zing