Trong giới làm nhạc Việt Nam, từng không ít người nuôi giấc mơ “bay khỏi ao làng”, nhưng có lẽ chưa ai… cuồng như Thanh Bùi: mong chạm đến Grammy!
Theo đuổi giấc mơ đó, Thanh Bùi đã từ chối gameshow khi đang được gameshow săn đón, hạn chế biểu diễn dù nhiều sân khấu mời mọc. Làm vậy, thật ra anh không dại như có người đã nghĩ, cũng không rời xa sân khấu; mà chỉ là lùi lại để kiến tạo sân khấu - một sân khấu đúng với các giá trị anh theo đuổi: giải trí kết hợp với giáo dục cho trẻ em.
Con đường đến với Grammy của Thanh Bùi cũng không hề viển vông, mà đang ngày càng gần, khi RedOne, Apl.de.ap, Wayne Hector… những cái tên đã chạm đến hoặc mở đường cho người khác chạm đến Grammy - đã đến Việt Nam, làm việc với nhiều nghệ sĩ Việt qua sự bắc cầu của anh.
Anh giờ cũng không còn là Thanh Bùi của ngày xưa, dễ tổn thương trước những ánh mắt hoài nghi, tỵ hiềm đến mức chỉ muốn quay về Úc; mà đã biết điềm tĩnh mỉm cười với tất cả và tiếp tục đi theo con đường mình chọn. Anh từng đùa rằng, vì giờ anh đã hai thứ tóc, đã là ông bố hai con, nên giấc mơ cũng không còn dành riêng cho mình nữa.
Giấc mơ Grammy của Thanh giờ đến đâu rồi?
-Chưa bao giờ gần như hôm nay. Tuy nhiên, đường vẫn còn dài trước mắt. Chuyện đoạt giải Grammy hay không đôi khi không chỉ ở tài năng âm nhạc mà còn phụ thuộc vào chính trị, thị trường quốc tế...
Trong nhóm tôi đã và đang làm việc có nhiều người từng đoạt Grammy. Những dự án sắp đưa ra thị trường quốc tế của chúng tôi hy vọng sẽ mang đến những giá trị được khán giả quốc tế nhìn nhận. Mình cứ đi từng bước, từng bước, chậm mà chắc.
Đã là ông bố hai con, nên giấc mơ cũng không còn dành riêng cho mình nữa.
Anh đưa âm nhạc Việt Nam ra thế giới bằng con đường mời các nghệ sĩ quốc tế về Việt Nam. Hành trình ngược đó đúng là không dễ?
-Không dễ để đưa nghệ sĩ quốc tế về Việt Nam vì Luật Bảo vệ bản quyền ở Việt Nam chưa đủ mạnh. Những nghệ sĩ như Adele, Maroon 5, U2 đã quen được bảo vệ bản quyền. Khán giả ở những nước phát triển cũng có thói quen mua vé, trong khi ở Việt Nam, những việc đó chưa phải là thói quen, cần có thêm thời gian.
Theo tôi, cái khó nhất bây giờ là đầu tư cho thế hệ tiếp theo. Xã hội của ta phải tôn trọng nghệ thuật để mọi người thấy nghệ thuật không chỉ là món ăn giải trí mà còn là tinh thần kết nối văn hóa với thế giới. Chỉ đến lúc người Việt Nam thật sự tôn vinh nghệ thuật Việt Nam, người nước ngoài mới tôn trọng Việt Nam.
Mình mời họ đến là để có cơ hội tiếp cận với những điều quy mô hơn, sâu rộng hơn. Họ đến là mang theo giá trị cộng thêm về giáo dục chứ không phải giải trí. Tôi muốn góp phần xây dựng nền tảng cho nghệ thuật Việt Nam. Tôi nghĩ ngày đó không còn xa, nhưng vẫn phải tiếp tục từng bước.
Anh đã chọn một con đường khó và chưa ai đi, hẳn là cô đơn lắm?
-Khó khăn, thử thách là chuyện bình thường. Nhiều người nghĩ những gì tôi làm là quá khó; nói tôi mơ lớn làm chi, không đạt được thì dễ tổn thương. Nhưng tôi nghĩ mình chỉ sống một lần thôi, đã đặt niềm tin vào những gì mình làm thì phải chạy theo đến cùng, phải tạo được sự thay đổi.
Tôi thường nói với các học trò, để thành công thì chỉ có 1% tài năng, 99% còn lại là mồ hôi và nước mắt.
Đã có người trách, anh được biết đến từ gameshow nhưng lại quay đầu phản đối gameshow…
-Chuyện này tôi từng nói nhiều lần rồi. Bản thân các chương trình truyền hình thực tế không có vấn đề. Nhiều chương trình như American Idol chẳng hạn, rõ ràng là mang lại những giá trị tốt và cho người tham gia nhiều cơ hội. Tôi cũng từ Idol mà ra.
Tuy nhiên, thực tế Việt Nam không có thị trường rộng lớn như Anh, Úc, Mỹ... Thị trường nhỏ nhưng chúng ta lại có quá nhiều chương trình nên dễ chạy theo thị trường, chạy theo bài toán kinh doanh, không còn làm vì nghệ thuật nữa.
Mặt khác, khi có quá nhiều chương trình trên truyền hình thì nếu không thi được Idol cũng thi The Voice, không thi The Voice lại còn những chương trình khác và khác nữa. Thực tế này tạo nên một suy nghĩ trong các em là sẽ rất dễ thành Hero từ Zero, có thể chớp mắt là thành nghệ sĩ - một “sự thật” không hề có thật.
Ở American Idol, người ta tìm thấy Jennifer Lopez, Keith Urban, Randy Jackson… đều là những người tài năng thật sự. Những người thắng giải Grammy cũng có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội và thế giới, được công nhận cả về chuyên môn lẫn tính giải trí. Khi họ chia sẻ các vấn đề, có thể thấy ngay là có chiều sâu và vì nghệ thuật. Họ là những nghệ sĩ có tâm, có tầm và có tài.
Việt Nam đang phát triển, cần thêm thời gian để các thế hệ tiếp theo lớn lên bình thường. Hiện chúng ta đang thiếu những chương trình vừa giải trí vừa có tính giáo dục. Tôi mong nhiều chương trình dạng này sẽ có cơ hội xuất hiện.
Giữ vững lòng tin cũng là một trong những biểu hiện của cái tôi quá lớn. Nhiều nghệ sĩ bao biện, đã là nghệ sĩ thì phải giữ cái tôi của mình, không chạy theo người khác nên cứ thế họ chỉ làm những điều mình thích trên sân khấu, dù công chúng có phản đối. Như vậy, chẳng phải cũng là cực đoan?
-Tôi tin người nghệ sĩ không có cái tôi đó vì họ là những người cởi mở, can đảm, không sợ đối mặt và luôn thể hiện cả tâm hồn của mình. Đó là những người giàu cảm xúc, không có rào cản với khán giả.
Người nghệ sĩ có vai trò quan trọng trong xã hội. Nếu là nghệ sĩ thực thụ, họ có khát vọng tìm kiếm những cảm xúc sâu nhất, thật nhất trong lĩnh vực của mình. Những cảm xúc đó có thể đau nhất, có thể vui nhất, gây nhiều tổn thương nhất. Đó còn là vai trò của người nghệ sĩ: nói lên được những điều người khác không dám nói, không đủ dũng cảm để nói.
Tôi tin mọi nghệ sĩ đều luôn tôn trọng khán giả, tôn trọng thị trường của mình, chứ không phải muốn làm gì thì làm. Dù họ giữ cái riêng nhưng vẫn phải tôn trọng thị trường và văn hóa của thị trường đó.
Người nghệ sĩ có vai trò quan trọng trong xã hội.
Gameshow nhảm nhí, dung tục đang tràn ngập, anh có tin một ngày nào đó gameshow sẽ tìm về đúng với giá trị của nó?
-Tôi tin xã hội nào cũng như một vòng tròn. Những chương trình đang đánh mất giá trị cốt lõi thì đồng thời cũng tạo cơ hội củng cố tính bền vững và sự phát triển cho những chương trình khác giữ được giá trị cốt lõi.
Tôi tin vào thế hệ tiếp theo, đặc biệt là trong thời đại thông tin toàn cầu này. Các em có cơ hội tiếp cận và so sánh với thế giới, hiểu được chất lượng là gì, cốt lõi là gì, giá trị là gì. Tôi tin giai đoạn này sẽ không lâu. Mọi thứ đã bắt đầu thay đổi và sẽ thay đổi một cách tích cực.
Anh có chia sẻ vui là giờ anh đã khác trước, đã hai thứ tóc và là ông bố hai con. Sự khác biệt của điều đó lớn thế nào so với Thanh Bùi ngày trước?
-Không có cảm giác nào mạnh bằng cảm giác đứng trước giọt máu của mình. Đây là niềm hạnh phúc quá lớn, với tôi lại là may mắn nhân đôi vì vợ chồng tôi không chỉ có một mà là sinh đôi.
Khi con ra đời, tự dưng mình có những suy nghĩ kỳ lạ lắm. Mình tự ý thức về trách nhiệm của mình và tương lai của con; thấy mọi thứ trở nên đầy ý nghĩa. Cảm ơn trời đã cho tôi được làm cha.
Thay đổi lớn nhất khi con ra đời là tôi cảm nhận được ý nghĩa của cuộc sống, cảm nhận được sự biết ơn và niềm vui mỗi sớm mai thức dậy, niềm vui cống hiến cho công việc. Tôi cũng thấy thương vợ và thương người phụ nữ rất nhiều. Khoảnh khắc đứng nhìn vợ mổ, thấy từng giọt máu rơi xuống, là khoảnh khắc khó khăn nhất tôi từng chứng kiến.
Ông bố Thanh Bùi là người như thế nào?
-Tôi làm tốt nhất việc chơi đùa, hát và đọc sách cho mấy đứa nhỏ nghe. Tôi cho con bú sữa cũng khá chuyên nghiệp (cười). Theo tôi, là phụ nữ hay đàn ông thì cũng đều có trách nhiệm với con. Khi người bố chăm con, sợi dây kết nối tình phụ tử cũng rõ ràng, sâu đậm hơn.
Quan niệm chỉ có phụ nữ chịu trách nhiệm chăm con đã lỗi thời lắm rồi. Tôi rất thích chơi với con và luôn háo hức được dắt con đi học vào mỗi sáng Chủ nhật. Đặc biệt là khi mình hát với con, thấy con tiếp cận được với âm nhạc, bắt đầu hiểu được nhịp, rồi “la, la, la” tương tác với mình - đó là cảm giác thật sự tuyệt vời.
Cám ơn anh đã dành thời gian chia sẻ.
Mai Khôi/Theo Phụ nữ TP