Lần đầu tiên trong lịch sử Liên hoan phim Việt Nam, phim nhà nước không có mặt tranh giải ở thể loại phim truyện.
Liên hoan Phim (LHP) Việt Nam lần thứ 20 sẽ diễn ra tại TP Đà Nẵng từ ngày 24 đến 28/11/2017. Các phim truyện điện ảnh, tài liệu, khoa học, hoạt hình được cấp giấy phép phổ biến từ ngày 11/10/2015 đến 10/9/2017 sẽ được tham dự LHP lần này.
Thiếu sự đa sắc
Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho hay LHP lần này sẽ không có phim nhà nước dự thi ở thể loại phim truyện. Bởi lẽ, trong thời gian nêu trên, không có phim truyện nào được sản xuất bằng vốn nhà nước. Nói cách khác, LHP 20 là cuộc độc diễn của các hãng phim tư nhân.
Theo một đạo diễn, sự vắng bóng hoàn toàn dòng phim nhà nước là hệ quả tất yếu của việc làm phim yếu kém. Không ít phim đặt hàng phải nằm trong kho ngay sau khi ra mắt khiến việc đặt hàng trở nên rất khó khăn.
Cảnh phim Cô gái đến từ hôm qua.
NSND Lý Thái Dũng cho biết mấy năm nay, các hãng Phim truyện Việt Nam, Phim truyện I, Giải Phóng đều cổ phần hóa nên không sản xuất phim truyện nào. Nhà nước cũng không còn kinh phí đặt hàng sản xuất phim nên LHP quốc gia chỉ là "sân chơi" của các hãng tư nhân là điều không tránh khỏi.
Nhà báo Cát Vũ nhìn nhận: "Việc không có phim nhà nước tham dự mở ra cơ hội đồng đều cho phim tư nhân trong cuộc đua giành giải. Tuy nhiên, sự vắng mặt của phim nhà nước ở thể loại quan trọng nhất lại làm cho LHP thiếu đi sự đa sắc. Phim nhà nước thường có tiêu chí riêng, không chạy theo xu hướng thời thượng, không đặt nặng tính thương mại mà chủ yếu mang đến những giá trị nhân văn cốt lõi. Phim nhà nước khai thác những đề tài mà phim thị trường ít khi khai thác".
Nhà sản xuất Nguyễn Thị Bích Thủy cũng cho rằng thiếu vắng phim nhà nước tranh giải là điều đáng buồn. Lâu nay, đây là dòng phim định hướng, có tính nghệ thuật cao, mang thông điệp giáo dục, nhân văn.
Cảnh phim Đảo của dân ngụ cư.
Trước sự lo lắng LHP sẽ phải đối mặt những tác phẩm chất lượng "thường thường bậc trung", nhà quay phim - NSND Lý Thái Dũng thừa nhận các hãng tư nhân khi làm phim đều hướng tới thị trường của mình nên đừng đòi hỏi họ phải gánh vác sự nghiệp điện ảnh quốc gia. "Tuy nhiên, kỳ này có Đảo của dân ngụ cư và Cha cõng con rất đáng chú ý. Đó là những phim tử tế và nhân văn, từng tham dự nhiều LHP quốc tế cả lớn và nhỏ. Hai bộ phim này đã chiếm đến 30% gương mặt điện ảnh Việt Nam rồi" - NSND Lý Thái Dũng kỳ vọng.
Nói thêm về sự vắng bóng của phim nhà nước tại LHP năm nay, đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng chẳng có gì là bất thường. "Trên quan điểm cá nhân, tôi thấy phim tư nhân và nhà nước không khác gì nhau. Quan trọng là tác phẩm tham dự có hay hay không, chứ tất cả đều là nghệ sĩ, cũng làm phim dựa trên những quy định của Luật Điện ảnh. Để phát triển công bằng, theo tôi, cứ phim nào hay thì được coi trọng, trao giải" - đạo diễn của Cha cõng con bày tỏ.
Cảnh phim Cha cõng con.
Theo bà Ngô Phương Lan, đây là thực trạng phải chấp nhận. "Chúng ta phải chấp nhận những khiếm khuyết như vậy nhưng khán giả có thể tạm yên tâm về chất lượng phim hiện nay. Nhiều bộ phim tư nhân đã hướng đến chất lượng nghệ thuật cao và thể hiện vai trò định hướng thẩm mỹ cũng rất lớn" - bà Lan cho biết.
Mở cửa cho phim remake
Khác với các lần trước, LHP Việt Nam năm nay sẽ mở thêm cánh cửa cho thể loại phim remake (làm lại từ kịch bản hoặc từ phim nước ngoài ăn khách). Tuy nhiên, theo bà Lan, những phim thuộc dòng phim làm lại được chọn dự thi sẽ chỉ được xét các giải thưởng dành cho cá nhân (trừ giải thưởng cho tác giả kịch bản), không được xét giải thưởng dành cho bộ phim (giải Bông sen).
Giải thích về quyết định đưa dòng phim remake vào hệ thống tranh giải cá nhân, bà Ngô Phương Lan cho biết để đi đến quyết định này, ban tổ chức đã tiếp thu nhiều ý kiến cũng như được sự chấp thuận của Ban Chỉ đạo LHP.
Một đạo diễn khi được hỏi cho rằng giải Cánh diều đã loại phim remake thì không có lẽ gì giải Bông sen của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch lại đưa những phim này vào tranh giải chính thức. Theo đạo diễn này, phim remake phải là phim có sự sáng tạo, còn giống đến 1/3 số cảnh thì đã thành một bộ phim sao chép.
Cảnh phim Sắc đẹp ngàn cân.
Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ đã chấp nhận sự có mặt của các phim remake tranh giải Bông sen vàng cá nhân tại LHP lần này. Theo biên kịch Đặng Thiếu Ngân, người Việt hóa kịch bản Sống chung với mẹ chồng, đây là tin vui. "Việc cho phép phim Việt hóa được tham dự LHP là rất hợp lý, chứng tỏ ban tổ chức đã rất cập nhật, từ xu thế đến thị hiếu khán giả, công nhận sáng tạo nghệ thuật của êkíp làm phim. Con thuần chủng hay con lai cũng đều có dòng máu Việt, nếu mẹ hoặc cha là người Việt" - biên kịch Đặng Thiếu Ngân ví von.
NSND Lý Thái Dũng cho rằng Ban Tổ chức LHP Việt Nam lần này mở rộng đối tượng dự thi đến cả những phim remake là điều dễ hiểu. Khi nền điện ảnh đang khó khăn trong việc tìm đề tài thì lựa chọn một đề tài thành công ở các nền điện ảnh khác là cách làm của các hãng phim tư nhân. "Việc để những phim này tranh giải ở các hạng mục cá nhân là hợp lý" - ông nêu quan điểm.
Đạo diễn Lương Đình Dũng cũng cho rằng trao giải cá nhân cho các phim remake là điều chấp nhận được. "Những người làm phim đều là nghệ sĩ, đều hao tổn tâm sức để ghi dấu ấn cho bộ phim của mình nên nếu xuất sắc, họ xứng đáng được tôn vinh" - tác giả phim Cha cõng con bày tỏ.
Tuy nhiên, không ít ý kiến còn băn khoăn. Nhà sản xuất Bích Thủy cho rằng cho phim Việt hóa tham gia tranh giải là điều hợp lý nhưng "với một nền điện ảnh đang phát triển mà có quá nhiều phim Việt hóa như hiện nay là không hay chút nào". Đạo diễn Lê Cung Bắc cũng cho rằng phim Việt hóa tăng quá nhanh về số lượng là điều không vui cho điện ảnh Việt Nam.
Cảnh phim Em là bà nội của anh.
Giải thưởng dành cho phim dự thi LHP Việt Nam lần thứ 20 gồm 1 Bông sen vàng, 2 Bông sen bạc và 2 giải thưởng của ban giám khảo cho hạng mục phim truyện điện ảnh, tài liệu, khoa học, hoạt hình. Ngoài ra, LHP còn có giải thưởng dành cho cá nhân. Giải Phim được yêu thích nhất do khán giả bình chọn dành cho phim truyện tham dự chương trình Phim Việt Nam đương đại.
Năm nay, LHP cũng sẽ trao giải cho phim ASEAN xuất sắc. Giải thưởng phim ASEAN có chủ đề Điện ảnh kết nối cộng đồng ASEAN hướng tới việc phát hiện tài năng mới của điện ảnh trong khu vực. Mỗi quốc gia thành viên được gửi một phim truyện thời lượng từ 80 phút trở lên, sản xuất trong năm 2016 - 2017. Dự kiến, khoảng 800 đại biểu, nghệ sĩ và khách mời quốc tế sẽ tham dự LHP.
Hoàng Lan Anh - Minh Khuê/Theo Người Lao Động