Vương Gia Vệ nhớ về thời hoàng kim của điện ảnh Hong Kong

Đăng lúc: 9:01 am, Ngày 23/10/2017

Đạo diễn kỳ cựu bàn về những giai đoạn phim võ thuật, xã hội đen bùng nổ tại Hong Kong khi nhận giải thưởng điện ảnh ở Pháp.

Ngày 20/10, ở Liên hoan phim Lumière (Lyon, Pháp), đạo diễn Vương Gia Vệ được trao giải Lumière Award cho thành tựu trọn đời. Nhà làm phim Hong Kong chia sẻ về sự nghiệp, lịch sử điện ảnh Hong Kong cũng như tình hình điện ảnh đương đại. Cuộc trò chuyện được nhiều báo phương Tây như Variety, Hollywood Repoter ghi lại.
 
Vương Gia Vệ cho biết gia đình ông từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến Hong Kong năm 1962. Bởi gia đình không có bạn bè, người thân và không biết tiếng Quảng Đông (ngôn ngữ phổ biến ở Hong Kong), họ dành nhiều thời gian ở rạp chiếu phim. Vương Gia Vệ xem phim Pháp, Hollywood, Italy, Đài Loan và phim địa phương. Đạo diễn nói đó chính là trường học điện ảnh đầu tiên của ông.
Vương Gia Vệ nhận giải Lumière Award ở Pháp.
 
Được mệnh danh là "cây đại thụ" trong giới đạo diễn Hong Kong, Vương Gia Vệ chứng kiến sự phát triển của điện ảnh nơi đây qua nhiều thập niên. Ông kể lại: "Vào thập niên 1960, ngoài việc nhập khẩu phim, Hong Kong còn là trung tâm sản xuất phim cho mọi miền Trung Quốc, bao gồm phim nói tiếng quan thoại để xuất khẩu và phim kinh kịch cho khán giả địa phương, còn các phim võ thuật ra đời sau đó. Hong Kong rất giỏi trong việc sản xuất các phim theo thể loại (kiểu phim bám theo mô-típ có sẵn, ít có sáng tạo của đạo diễn) bởi họ cần khán giả và phần lớn doanh thu đến từ các thị trường bên ngoài. Điểm bắt đầu của các nhà làm phim trẻ, trong đó có tôi, là kiểu phim này".
 
Cuối thập niên 1960, sự xuất hiện của Lý Tiểu Long được Vương Gia Vệ xem là cột mốc thay đổi dòng phim võ thuật Hong Kong. Theo đạo diễn, trước đó, những phim này chủ yếu quy tụ các diễn viên đứng tuổi, hóa thân thành các nhân vật mang phong cách giống như sư phụ và thích giảng đạo. Lý Tiểu Long xác lập quan niệm mới với các phim võ thuật đề cao thực chiến và hình ảnh anh hùng thực dụng, chiến đấu nhiều hơn. "Ông ấy trở về quê hương Hong Kong sau khi được khen ngợi với vai diễn Kato trong series Green Hornet của Mỹ. Lý Tiểu Long trẻ, giàu năng lượng, quyến rũ và không biết sợ hãi", Vương Gia Vệ chia sẻ.
 
Đạo diễn dành nhiều lời khen cho huyền thoại võ thuật: "Lý Tiểu Long thu hút dư luận quốc tế, nhanh chóng trở thành ngôi sao lớn nhất Hong Kong, châu Á và cuối cùng là ở Mỹ. Trước đó, không ai nổi tiếng ở tầm cỡ như Lý. Ông ấy rất đặc biệt, xuất hiện đúng thời điểm và có tài năng phù hợp với giai đoạn đó".
Lý Tiểu Long trẻ, giàu năng lượng, quyến rũ và không biết sợ hãi", Vương Gia Vệ chia sẻ.
 
Tuy nhiên, Vương Gia Vệ cho rằng về kỹ thuật làm phim, điện ảnh Hong Kong thay đổi nhờ làn sóng các nhà làm phim trẻ nổi lên cuối thập niên 1970 - những người được đào tạo bài bản ở châu Âu và Mỹ. Trước đó, phim Hong Kong thường được quay trong studio, nhưng rồi các đạo diễn trẻ học hỏi cách làm phim tài liệu và mang máy quay ra đường, ghi lại các khía cạnh chân thực của thành phố theo cách kể chuyện mới.
 
Vào cuối thập niên 1980, dòng phim xã hội đen bùng nổ ở Hong Kong sau thành công của Bản sắc anh hùng (A Better Tomorrow), đạo diễn Ngô Vũ Sâm - năm 1986). Vương Gia Vệ cũng đi theo trào lưu này với phim đầu tay Vượng Giác Ca môn (As Tears Go By) năm 1988.
 
"Thay vì làm về hai người hùng, tôi kể câu chuyện về những kẻ thua cuộc cố trở thành người hùng. Tôi rất may mắn vì đó là thời điểm bắt đầu kỷ nguyên vàng của điện ảnh Hong Kong. Có nhiều tiền, cơ hội và nhiều người được khuyến khích để làm điều gì đó khác biệt và thú vị".
 
Vương Gia Vệ mô tả không khí làm phim thời kỳ này nhộn nhịp. Có thể bắt gặp ở các sảnh khách sạn khung cảnh như trong xưởng phim với hàng loạt nhà sản xuất và đạo diễn trình bày các dự án. Chris Doyle - nhà quay phim gắn bó lâu dài với Vương Gia Vệ - cũng đến Hong Kong vào thời điểm này.
Cảnh trong phim Tâm trạng khi yêu của Vương Gia Vệ.
 
Thời hoàng kim này được Vương Gia Vệ so sánh với không khí làng phim ở Trung Quốc hiện tại. Ông nói: "Trung Quốc có số phòng chiếu lớn nhất thế giới. Họ cần sản phẩm, vì vậy có rất nhiều cơ hội ở đây. Nhiều liên hoan phim ở Trung Quốc tập trung vào các nhà làm phim với tác phẩm đầu tay. Tôi nghĩ các nhà làm phim bây giờ là những người may mắn nhất thế giới khi các liên hoan tràn ngập các công ty phim. Những nơi này có rất nhiều tiền và đang tìm tài năng mới". Tuy nhiên, Vương Gia Vệ cũng cho rằng các nhà làm phim trẻ đương đại đang thiếu tính cạnh tranh bởi có quá nhiều điều kiện và cơ hội.
 
Vương Gia Vệ nổi tiếng là đạo diễn đặt nhiều sự ngẫu hứng vào tác phẩm của mình. Quá trình quay phim của ông thường trải dài và ông không soạn sẵn kịch bản chi tiết như nhiều nhà làm phim khác. Về điều này, đạo diễn chia sẻ: "Tôi là nhà sản xuất, đạo diễn và biên kịch cho tất cả phim của mình. Tôi ghét việc viết lách nhất bởi đó là khoảnh khắc đơn độc nhất trong quá trình sáng tạo. Vì vậy, tôi thích kéo dài quá trình quay và biến tấu các cảnh ngay tại hiện trường để diễn viên có thời gian thử nghiệm nhiều thứ khác nhau".
Cảnh trong phim Nhất đại tông sư của Vương Gia Vệ.
 
Vương Gia Vệ sinh năm 1958, là đạo diễn kỳ cựu của Hong Kong. Phim của ông luôn có phong cách nghệ thuật đặc trưng với phần hình ảnh giàu chất thơ và nhiều ẩn ý phía sau. Nhiều tác phẩm của ông như Tâm trạng khi yêu (In the Mood for Love), Xuân quang xạ tiết (Happy Together) hay Trùng Khánh sâm lâm (Chungking Express) được đánh giá cao.
 
Năm 1997, ông giành giải Đạo diễn xuất sắc ở Liên hoan phim Cannes với Xuân quang xạ tiết. Phim gần nhất Vương Gia Vệ đạo diễn là Nhất đại tông sư (The Grandmaster) năm 2013 - xoay quanh cuộc đời võ sư Diệp Vấn, sư phụ của Lý Tiểu Long. Sắp tới, ông sẽ thực hiện Đường chiến (Tong Wars) - series nói về thời đẫm máu của người Hoa ở Mỹ.
 
Ân Nguyễn/Theo VnExpress

Đọc thêm các bài khác