Đi liên hoan vì những chiếc huy chương?

Đăng lúc: 9:17 am, Ngày 07/04/2018

Mục tiêu của các đơn vị tham gia liên hoan là những chiếc huy chương nhưng chất lượng vở diễn có tương xứng với từng chiếc huy chương hay không luôn là vấn đề bàn cãi.

Ba năm một lần, Liên hoan kịch nói toàn quốc lại được tổ chức. Lần này, TP.HCM đăng cai, có 22 đơn vị tham gia với 27 vở tranh giải.
 
Diện mạo khác thực tế
 
Theo ban tổ chức, quy chế Liên hoan kịch nói toàn quốc 2018 có nhiều điểm mở, như: Không hạn chế về đề tài vở diễn; không hạn chế số lượng vở tham gia cho các thành phần sáng tạo như tác giả, đạo diễn; chấp nhận các đơn vị có thời gian hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật kịch nói từ 12 tháng trở lên; thời lượng vở chỉ từ 90-120 phút.
 
Từ những điểm mở này cho thấy ban tổ chức đã không nhìn rõ diện mạo thật sự của sân khấu kịch nói hôm nay. Số lượng đơn vị sân khấu xã hội hóa đăng ký tham gia chiếm 2/3 số lượng vở chưa phải là điều đáng mừng. Bởi, dù đã hoạt động hơn 12 tháng nhưng đó là những "sàn diễn chết", chỉ hoạt động được một thời gian ngắn, thậm chí chạm mốc 12 tháng đã đóng cửa. Nay nghe tin liên hoan, lập tức quy tụ diễn viên, "cơm ghe bè bạn" đi thi chỉ để kiếm huy chương. Phần lớn các vở kịch được gấp gút dàn dựng đều chọn kịch bản cũ, thậm chí có vở đã hơn 20 năm như kịch bản Mẹ yêu của tác giả, đạo diễn Đoàn Bá, được đổi tựa để dự thi.
Cảnh trong vở Gương mặt kẻ khác của Sân khấu 5B.
 
Bên cạnh đó, việc rút ngắn thời gian vở diễn của quy chế là một kiểu "bó tay sáng tạo" đối với nghệ sĩ, khiến câu chuyện kịch như một vở diễn truyền hình. Vì điều này, hai đơn vị kịch nói nổi tiếng của TP HCM là Sân khấu Kịch IDECAF và Sân khấu Hoàng Thái Thanh không tham gia.
 
Quy chế chấp nhận các đơn vị có thời gian hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật kịch nói từ 12 tháng trở lên nên những đơn vị mới được thành lập đành đứng ngoài cuộc chơi.
 
Ông Huỳnh Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Thái Dương, đơn vị quản lý Sân khấu Kịch IDECAF - cho rằng việc ban tổ chức đưa ra quy định thời lượng giới hạn từ 90-120 phút là thiếu tôn trọng nghệ sĩ và cả tính chất sân chơi này. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) và Cục Nghệ thuật biểu diễn nên có những buổi hội thảo, gặp gỡ và trao đổi với các sân khấu và nghệ sĩ để lắng nghe bức xúc của người làm nghề. Phải có cách nhìn nhận thẳng thắn đối với những nghi ngại về sự thiếu công bằng ở các cuộc liên hoan trước. Điều những người làm nghề quan tâm là làm sao để chấm dứt tình trạng "mưa giải thưởng", "mưa huy chương", đặc biệt giải tỏa những hoài nghi lâu nay về tiêu cực trong chấm giải.
 
Dư luận trong giới cho rằng diện mạo sân khấu sẽ được nhìn nhận thế nào, khi trưởng ban chỉ đạo và chủ tịch hội đồng giám khảo liên hoan lại có vở dự thi hoặc nhúng tay vào chuốt vở cho học trò của mình dự thi? Trong danh sách của ban tổ chức đưa ra có thể thấy những tên tuổi quen thuộc với các kỳ liên hoan "hội tụ" ở lần này: NSND Lê Hùng (5 vở), NSƯT Trần Minh Ngọc (4 vở), tác giả Chu Thơm (3 vở), tác giả Nguyễn Đăng Chương (2 vở)…
 
Tham gia chỉ để tìm danh hiệu?
 
Người trong giới sân khấu quá ngao ngán khi thấy vấn đề cốt lõi của liên hoan sân khấu thời gian qua. Đó là người làm nghề bị cuốn vào vòng xoáy tìm kiếm huy chương để đủ tiêu chuẩn được xét duyệt danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân. Một số đề tài được khuyến khích và ưu tiên tại liên hoan vẫn bị nặng tính tuyên truyền nên không phải sân khấu nào cũng hào hứng nhập cuộc. Ngày nào cuộc chơi này vẫn còn bị "ám" bởi cách làm không vì niềm đam mê, lòng yêu nghề, tâm huyết, tận tụy với sàn diễn nhằm hướng tới phục vụ công chúng thực sự thì kết quả của những liên hoan chỉ là ảo.
Cảnh trong vở Kiều của Nhà hát Kịch Việt Nam.
 
Các vở diễn tham gia liên hoan có hứa hẹn là tác phẩm bán được vé, vẫn thu hút khán giả sau liên hoan hay không gần như chẳng mấy ai quan tâm. Giới chuyên môn cho rằng nên chăng liên hoan cần có cuộc tọa đàm, hội thảo đánh giá thực chất các vở diễn dưới góc nhìn nghệ thuật được đặt trong bối cảnh đời sống sân khấu kịch nói đang lâm vào khủng hoảng khán giả như hiện nay để tìm ra giải pháp.
 
Sân khấu sẽ vẫn giậm chân tại chỗ khi các lần liên hoan cốt chỉ để minh họa cho những quan điểm, chủ trương và thông điệp xa rời thực tế đời sống sân khấu mà ban tổ chức muốn truyền đạt. 
 
Vẫn có vài điểm sáng
 
Liên hoan lần này vẫn có vài điểm sáng mà người làm nghề chờ mong. Sân khấu Kịch Phú Nhuận của NSND Hồng Vân tham gia 2 vở: Châu về hợp phốĐàn bà dễ có mấy tay. Trong đó, Châu về hợp phố là tác phẩm được Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM đầu tư, hưởng ứng cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Dù là đề tài cách mạng song Châu về hợp phố vẫn ăn khách và có doanh thu cao. Điều này cho thấy dẫu có là vở phục vụ những ngày lễ lớn nhưng biết cách làm hướng tới công chúng cũng sẽ ăn khách. Hoặc vở Người mẹ thứ hai của Nhà hát Kịch TP.HCM (tác giả: Anh Kiệt, đạo diễn: Lê Diễn) vẫn hứa hẹn sẽ là đề tài tranh luận của những người làm nghề chân chính.
Cảnh trong vở Châu về hợp phố của Sân khấu Hồng Vân.
 
Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B TP.HCM tham gia vở Gương mặt kẻ khác, Nhà hát Thế giới trẻ tham gia vở Yêu là thoát tội (tác giả: Lê Chí Trung, đạo diễn: Cao Xuân Hồng). Một số đơn vị được tham gia 2 vở: Nhà hát Kịch Việt Nam với Kiều, Bão tố Trường Sơn; Nhà hát Tuổi Trẻ với Nhà Ô sin, Hoa cúc xanh trên đầm lầy; Nhà hát Kịch Hà Nội với Vùng lạnh, Mảnh đất lắm người nhiều ma… cũng tạo sự tò mò từ khán giả và người làm nghề tại TP.HCM.
 
Thanh Hiệp/Theo Người Lao Động

Đọc thêm các bài khác