Ám ảnh nhạc Lê Uyên Phương

Đăng lúc: 8:19 am, Ngày 29/06/2018

Nhạc của Lê Uyên Phương thốt lên tiếng nói tuyệt vọng của một thế hệ thanh xuân trong trẻo, muốn được sống để yêu đương trong thanh bình nhưng lại bế tắc trước thực tại.

Sinh thời, lúc vui vẻ, tôi hỏi Phạm Duy rằng trong thế hệ nhạc sĩ trẻ ở Sài Gòn trước năm 1975, ngoài Trịnh Công Sơn, ông còn chú ý ai không? Phạm Duy trả lời: Lê Uyên Phương.
 
Một đóng góp cho nghệ thuật dân tộc
 
Phạm Duy đã từng viết về Lê Uyên Phương trong hồi ký của mình: "Thời ấy, giữa không khí ngột ngạt của chiến tranh, Trịnh Công Sơn tìm đến những ca khúc phản chiến, còn Lê Uyên Phương thốt lên tiếng nói tuyệt vọng của một thế hệ thanh xuân trong trẻo, muốn được sống để yêu đương trong thanh bình thì lại bế tắc trước thực tại. Họ vùi sâu vào tình yêu mà tìm quên. Họ công khai mong manh, công khai tàn lụi, Lê Uyên Phương chắc đã là một tín đồ của chủ nghĩa hiện sinh nên đã thốt lên tiếng kêu than của thế hệ thanh niên ấy bằng một thứ âm nhạc trẻ trung có nhuốm mùi nhục cảm. Những giai điệu ấy đã được Phương và vợ là ca sĩ Lê Uyên - một giọng nữ cũng đầy nhục cảm hát giữa thanh niên, sinh viên Sài Gòn. Và họ được đón nhận nồng nhiệt".
 
Những ngày đầu miền Nam mới giải phóng, giữa những bản nhạc tôi sưu tầm được, có hai tập ca khúc Lê Uyên Phương là Yêu nhau khi còn thơ, Khi loài thú xa nhau ấn hành ở Nhà Xuất bản Quảng Hóa từ năm 1970. Tôi cũng tìm nghe được băng ghi âm những ca khúc này do Lê Uyên và Phương thể hiện. Thấy hay và lạ với những lời lẽ đúng là đậm chất hiện sinh và nhục cảm. Dù sao, đó cũng là một phần thực tế sáng tạo của một thời đại Sài Gòn, như thơ Thanh Tâm Tuyền, văn xuôi Dương Nghiễn Mậu và Nguyễn Thị Hoàng; tranh Đinh Cường, Bửu Chỉ, Rừng… Nó đã để lại một đóng góp nghệ thuật cho dân tộc trong lịch sử nghệ thuật hiện đại. Nhưng mãi sang tận thế kỷ mới, dần dà chúng ta mới nhận biết được điều này. Đó là một bước chuyển biến trong tư duy nhận thức.
 
Tôi cũng qua anh em văn nghệ ở Sài Gòn mà biết về Lê Uyên Phương, dù chỉ có một lần được gặp và nghe vợ chồng ông hát ở Đà Lạt (hình như là một cuộc rượu tại khách sạn Palace). Trong ánh sáng liêu trai của thời khó khăn với bo bo và khoai sắn, âm nhạc Lê Uyên Phương với cây guitar gỗ dây sắt vẫn nức nở một xót xa nào đó của tuổi trẻ một đất nước đang đối diện với vô vàn thách thức.
 
Phạm Duy nói với tôi rằng Lê Uyên Phương còn có những tập nhạc chưa ấn hành mà ông biết như Uyên Phương trong lồng, Bầu trời vẫn còn xanh và những tập mang những cái tên đầy triết lý như Con người - một sinh vật nhân tạo 1 và 2 … Người nhạc sĩ già đã nhận ra ở đấy một tâm hồn trẻ trung, trong trẻo nhưng sớm bị làm xước bởi những chấn động thời cuộc.
Đôi tình nhân song ca nổi tiếng Lê Uyên và Phương. 
 
Lập ngôn ca từ
 
Nếu so sánh với Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang, tuy đều là nhạc trẻ nhưng Lê Uyên Phương có sự sâu sắc hơn những ý tứ thời trang như Tôi muốn của Lê Hựu Hà hay cực đoan như Mặt trời đơn của Nguyễn Trung Cang. Cấu trúc âm nhạc của Lê Uyên Phương từ thể ba đoạn đơn A - B - A đã dần dà loang sang thể ballade với những đoạn nhắc lại và phát triển đan xen như Một ngày vui mùa đông, Đêm chợ phiên mùa đông… Bên cạnh những biến đổi trưởng thứ trong mạch nhạc, Lê Uyên Phương rất có duyên với chùm đẳng âm gây ấn tượng như nói, như thở than. Âm nhạc Lê Uyên Phương rơm rớm thân phận, chán nản trong rã nát nhục cảm: "Như hoa đem tin ngày buồn. Như chim đau quên mùa xuân. Còn trong hôn mê buồn tênh. Lê mãi những bước ê chề. Xin cho thương em thật lòng. Xin cho thương em thật lòng…".
 
Phạm Duy nói đoạn đầu là một cách lập ngôn khác của Lê Uyên Phương như "hoa đem tin ngày buồn" hay "chim đau quên mùa xuân". Sự chán nản là có thật trong "lê mãi những bước ê chề". Vẫn giai điệu đó, khi nhắc lại bằng ca từ tình yêu thì thấy mang nhục cảm đó: "Cho em môi hôn vội vàng. Cho em quen ân tình sâu. Dù em không mong dài lâu. Xin cất lấy ước mơ đầu. Xin cho yêu em nồng nàn. Xin cho yêu em nồng nàn. Dù tháng năm buồn vui bàng hoàng".
 
"Hay nhất là chữ bàng hoàng" - Phạm Duy thốt lên. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng lối lập ngôn này dù thế nào cũng đã có kế thừa từ ông và các tác giả thời ông.
 
Khi tôi được nghe lại Lê Uyên Phương qua chương trình phát thanh kéo dài nhiều số mang tên 70 năm tân nhạc Việt Nam do Đài Phát thanh Úc thực hiện qua sự giới thiệu bằng tiếng Việt đã in thành CD, đi sâu vào cách lập ngôn ca từ của Lê Uyên Phương càng thấy những sự lạ ở người nhạc sĩ này. Ví dụ ông viết "Em lên ngày mai" thì có khi chỉ là một câu bâng quơ nói về thời gian đến với nhau của hai người tình rất thực, nhưng nó lại ẩn dụ xa xôi một hy vọng ở ngoài thời gian cụ thể mà là thời gian của thì tương lai tượng trưng. Và hy vọng đã lướt qua sự chán nản, nó không dừng lại như trong Yesterday của The Beatles, trong bài Một ngày vui mùa đông của Lê Uyên Phương, sau những trách móc: "Em ơi vì sao hẹn rồi thờ ơ. Xuân sang rồi mà hoa nở không tươi. Xuân qua rồi sao mà tim đã đơn côi. Vì đã cho nhau những mong chờ…" là đến niềm vui gặp gỡ: "Ô hay vì sao em đến nơi đây. Ô hay vì sao em nhớ hôm nay. Vì trót yêu anh áo vai gầy. Không nỡ để anh mùa xuân, mùa xuân nhớ mong". Có lúc, Lê Uyên Phương công khai tuyên bố sự tàn lụi trong bài Hãy ngồi xuống đây: "Hãy ngồi xuống đây. Như loài thú hoang yêu nhau ngoài đồng. Dưới nắng ban mai, phô thân trần truồng, kiếp sống hoang sơ…".
 
Trong dịp kỷ niệm 19 năm ngày mất của ông, nghe lại Lê Uyên Phương qua giọng của một người khách đến nhà hàng Hoa tulip ở Sài Gòn - anh Nguyễn Sơn và nhất là nghe cặp song ca Nguyễn Dũng và Lê Anh với Vũng lầy của chúng ta, tôi thấy mình trở lại nỗi ám ảnh Lê Uyên Phương về một thời Sài Gòn ngột ngạt: "Ta sống trong vũng lầy - một ngày vùi dần, còn vùi sâu, còn vùi sâu trong ngao ngán. Không dứt hết cơn ê chề… không dứt hết một lần". Không có âm nhạc Lê Uyên Phương khắc tạc lại, làm sao ta hiểu hết những tâm tư trắc ẩn của người Sài Gòn một thời xa, tuy "Không còn lạc giữa ngã năm ngã bảy. Nhưng biết mình chưa thấu hết hẻm sâu" như câu thơ tôi từng viết. 
 
Đôi tình nhân song ca nổi tiếng
 
Lê Uyên Phương gốc gác nửa Huế, nửa Quảng Nam. Cha ông họ Phan nhưng do thời cuộc biến động với phong trào Phan Bội Châu nên đổi thành họ Lê. Mẹ ông là bà Công Tôn Nữ Phương Nhi, dòng dõi cung đình. Nhưng Lê Uyên Phương lại sinh ở Đà Lạt vào mùa xuân 1941. Theo anh em kể lại, ông có tên khai sinh là Lê Minh Lập, sau do giấy tờ thất lạc nên khi khai lại thì thành Lê Minh Lộc rồi đổi thành Lê Văn Lộc. Ông bắt đầu viết nhạc từ năm 1960, lấy bút danh là Lê Uyên Phương. Phương là tên đệm của mẹ, Uyên là tên người yêu đầu tiên. Tác phẩm đầu tay của Lê Uyên Phương là ca khúc Buồn đến bao giờ viết ở Pleiku năm 19 tuổi. Ông gặp cô gái Lâm Phúc Anh ở Đà Lạt rồi thành hôn vào năm 1968, trở thành cặp tình nhân song ca nổi tiếng với những sáng tác của ông. Lâm Phúc Anh lấy ngay nghệ danh là Lê Uyên. Cặp song ca thường được gọi là "Lê Uyên và Phương".
 
Vào những năm đầu thập kỷ 1970, từ Đà Lạt, cặp song ca này xuống Sài Gòn biểu diễn, đem lại luồng gió âm nhạc mới với Tình khúc cho em, Vũng lầy của chúng ta, Còn nắng trên đồi, Lời gọi chân mây… Giữa phong trào nhạc trẻ bấy giờ với những Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang… âm nhạc Lê Uyên Phương nồng nàn, khắc khoải những băn khoăn thời cuộc qua giọng hát Lê Uyên. Những đêm hát giữa thanh niên, sinh viên của họ đã nhanh chóng chiếm lĩnh bao tâm hồn trẻ trung. Vào thập kỷ 1980, cặp song ca này xuất hiện ở California khi sang định cư ở Mỹ từ năm 1979. Ông mất ngày 29/6/1999 tại đây.
 
Nguyễn Thụy Kha/Theo Người Lao Động

Đọc thêm các bài khác