Chỉ sau ba ngày trình chiếu, bộ phim của nữ đạo diễn Nguyễn Phương Anh đã rút khỏi các rạp, kết thúc hành trình ngắn ngủi tại quê nhà, sau khi đã chu du qua nhiều nước, đoạt một số giải thưởng.
Sau khi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có công văn giao Cục Điện ảnh kiểm tra lại quy trình cấp phép bộ phim Vợ ba, do có những ý kiến tranh luận trái chiều của dư luận; nhà sản xuất phim đã chủ động quyết định ngừng chiếu phim, với lý do: không muốn câu chuyện được đẩy đi quá xa, ảnh hưởng đến gia đình cũng như cuộc sống của diễn viên Nguyễn Phương Trà My. Vậy là, chỉ sau ba ngày trình chiếu, bộ phim của nữ đạo diễn Nguyễn Phương Anh đã rút khỏi các rạp, kết thúc hành trình ngắn ngủi tại quê nhà, sau khi đã chu du qua nhiều nước.
Chuyện một bộ phim ra rạp vài ngày rồi nhà sản xuất đột ngột ngừng chiếu đã từng xảy ra ở nước ta, như trường hợp Găng tay đỏ năm 2016. Có điều, lý do ngừng chiếu của Găng tay đỏ là do nhà sản xuất giữa chừng “bán” lại phim cho một đơn vị khác. Trường hợp dừng chiếu vì sức ép dư luận như phim Vợ ba là chưa có tiền lệ. Cái “chết yểu” của Vợ ba thật ra không có gì lạ, bởi những tác phẩm điện ảnh nghệ thuật vốn rất khó trụ rạp ở Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề của Vợ ba lại nằm ở nguyên nhân “chết”: bị dư luận lên án vì sử dụng diễn viên 13 tuổi đóng “cảnh nóng”.
Phim Vợ ba ngừng chiếu chỉ sau ba ngày ra mắt tại Việt Nam, dưới áp lực dư luận.
Nói đến “cảnh nóng” trên phim ảnh, nhất là phim Việt, hầu như khán giả nào cũng đều có chung cảm giác “ghê người”, “phản cảm”, “rẻ tiền”. Định kiến ấy (phần lớn cũng do người làm phim) đã khiến dư luận ác cảm với chuyện đoàn phim Vợ ba để nữ diễn viên Nguyễn Phương Trà My tự mình thực hiện các “cảnh nóng”. Nhưng “cảnh nóng” trên phim đâu phải lúc nào cũng mang nghĩa “trần trụi”, mà “nóng” như thế nào còn tùy vào cách xử lý của đạo diễn, quay phim và cách xử lý đó sẽ thể hiện trình độ văn hóa, tư duy thẩm mỹ của người làm phim. Xét từ góc này, những ai đã xem phim Vợ ba có thể thấy, “cảnh nóng” trong phim không nóng theo kiểu trần trụi, thô tục mà thanh lịch, tinh tế; quan trọng nhất là không phô bày những bộ phận cơ thể nhạy cảm của diễn viên.
Phim ảnh phản ánh đời thực, nhưng phim không phải là đời. Những gì khán giả thấy trên màn ảnh không có nghĩa là diễn viên đã thực sự làm như thế trên trường quay. Thế nên, thật khập khiễng khi máng chuyện diễn viên 13 tuổi đóng cảnh nóng vào dòng thời sự xã hội về nạn xâm hại tình dục trẻ em. Vấn nạn này nên được Nhà nước, cộng đồng chung tay giải quyết ngoài đời thực, bằng những hành động cụ thể, dựa trên hành lang pháp lý đã có, chứ không phải bằng việc chỉ trích một bộ phim.
Đoàn phim Vợ ba chọn một diễn viên nhỏ tuổi đóng “cảnh nóng” là việc làm mạo hiểm, nhưng không nên vì vậy mà nhìn nghệ thuật bằng con mắt định kiến từ các sự kiện đời thường, để rồi đánh đồng đời thực vào phim ảnh. Đừng khiến những bộ phim nghệ thuật chết yểu không phải vì nội dung quá cao siêu, khó hiểu của nó, mà chỉ vì những ồn ào, tranh cãi của dư luận.
Hương Nhu/Theo PNO