Nhạc sĩ Lam Phương thoát nghèo nhờ... 'Kiếp nghèo'

Đăng lúc: 7:59 am, Ngày 30/11/2019

Trong cuốn sách mới nhất về nhạc sĩ Lam Phương, dựa trên tư liệu của gia đình ông, tác giả cho biết Lam Phương từng đi mượn nợ để ra mắt ca khúc nhưng không lâu sau, ông giàu lên nhanh chóng.

Nhạc sĩ Lam Phương (tên thật Lâm Đình Phùng, sinh năm 1937) là anh cả trong gia đình có 6 anh em. Thời điểm các em cùng đến trường, mẹ của Lam Phương - người phụ nữ bất hạnh khi không giữ được chồng, tất cả xuôi ngược để lo cho các con.
 
Chính cái nghèo đã đưa đẩy Lam Phương bỏ quê nhà Rạch Giá lên Sài Gòn năm 10 tuổi. Sau khi được người bác cho đi học nhạc, đến năm 15 tuổi, Lam Phương ra mắt ca khúc đầu tiên, nhưng khởi đầu nào cũng gian nan.
Ca sĩ Phạm Quỳnh Anh chụp cùng nhạc sĩ Lam Phương trong dịp nữ ca sĩ sang Mỹ
 
“Năm 1952, khi mới 15 tuổi, Lam Phương công bố bản nhạc đầu tay của mình đến với người yêu nhạc Sài Gòn. Lúc này, cái tên Lam Phương ký trên tờ nhạc của bản Chiều thu ấy hãy còn mới toanh. Vạn sự khởi đầu nan khi chàng nhạc sĩ tuổi thiếu niên phải đi vay tiền công bố ca khúc”, những dòng viết về nhạc sĩ Lam Phương trong cuốn Lam Phương - Trăm nhớ ngàn thương của tác giả Nguyễn Thanh Nhã.
 
Khoản nợ ban đầu được tiết lộ là 200 đồng. Mặc dù nợ nần nhưng Lam Phương không dừng lại, ông tiếp tục sáng tác, tiếp tục mượn nợ, con số mượn nợ lên đến 600 đồng. Khúc ca ngày mùa, ra mắt năm 1954, đã đưa tên tuổi Lam Phương từ bóng tối ra khung trời rực rỡ. Nhưng cho tới khi ca khúc Kiếp nghèo xuất hiện, nhạc sĩ Lam Phương mới... thoát nghèo.
Ca khúc Kiếp nghèo là kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời sáng tác của nhạc sĩ Lam Phương
 
Nhạc sĩ Lam Phương nói về hoàn cảnh sáng tác ca khúc này: “Tôi viết Kiếp nghèo trong hoàn cảnh hoàn toàn thật của tôi lúc đó. Viết bằng rung động chân thành, và lần đầu tiên tôi viết bằng những dòng nước mắt... Lúc đó tôi còn trẻ lắm, khoảng 1954, sau khi tôi bán được bài Trăng thanh bình lần đầu năm 1953, tôi để dành được một số tiền, mua một chiếc xe đạp để di chuyển đến trường học.
 
Nhà tôi ở Đa Kao. Thường muốn về Đa Kao phải đi qua con đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ). Con đường Phan Thanh Giản cây cối um tùm. Khoảng ngang trường Gia Long không có một căn nhà nào... Đêm đó, tôi chẳng may gặp một trận mưa rất to, không có nơi để trú mưa, đành phải đi dưới mưa để tìm “thú đau thương”.
 
Lúc đó, tôi thấy thật cô đơn, thấy mình bé nhỏ và hình như bị đời ruồng rẫy đến vô tình. Tôi đi mãi cho tới khi về nhà, không kịp thay quần áo, ôm cây đàn và cứ thế viết về kiếp nghèo, về phận bạc của mình”.
 
“Với bài Kiếp nghèo, Lam Phương tâm sự đã mua được căn nhà khang trang cho má mình ở cư xá Lữ Gia. Gia đình nhạc sĩ tiết lộ giá trị ngôi nhà thời điểm đó là 40 cây vàng. Năm 1960, ca sĩ Phương Dung đi hát ở mỗi phòng trà được cát-sê là 35.000 đồng/tháng, trong khi vàng chưa tới 30.000 đồng/cây. Trong khi đó, với Kiếp nghèo, Lam Phương thu tiền bán bản quyền lên tới 1.200.000 đồng để mua nhà cho má và các em”, thu nhập khủng của nhạc sĩ Lam Phương được kể lại.
 
Theo PNO

Đọc thêm các bài khác