Những chuyện có thể bạn chưa biết về Lý Tiểu Long

Đăng lúc: 5:05 pm, Ngày 22/07/2020

Hôm 20/7 vừa qua là tròn 47 năm ngày mất của huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều hoạt động tưởng niệm tại Trung Quốc, Hong Kong bị hủy.

Tại Mỹ, võ sĩ George Foreman phát hành cuốn sách Bruce Lee: The Life of a Legend (Lý Tiểu Long: Cuộc đời một huyền thoại). Ông kể khi xem phim Enter the Dragon ở Hawaii năm 1973, ông nổi da gà vì những gì Lý Tiểu Long thể hiện trên màn ảnh.
Bìa sách Bruce Lee: The Life of a Legend
 
Ngày 15/7, ban tổ chức Liên hoan phim Cannes công bố Be Water - phim tài liệu về Lý Tiểu Long của đạo diễn gốc Việt Bảo Nguyễn - được trình chiếu trong chương trình Cannes Classics. Tác phẩm thuật lại cuộc đời Lý Tiểu Long cùng nỗ lực trở thành diễn viên ở Hollywood thập niên 1960. "Be Water" (Linh hoạt như dòng nước) là cụm từ Lý từng dùng để miêu tả triết lý võ thuật của mình.
 
Trên mạng xã hội Weibo, Twitter, nhiều khán giả chia sẻ lại hình ảnh, video của Lý Tiểu Long và bày tỏ ngưỡng mộ về những gì ông để lại cho võ thuật, điện ảnh và cuộc đời.
 
Trên CNN, cây viết John Blake cho rằng ngoài là một võ sư, diễn viên, Lý Tiểu Long còn là một nhà tư tưởng, có tâm trí "dẻo dai" như chính cơ thể ông. Tác giả John Little - người nghiên cứu tài liệu Lý Tiểu Long để lại - nói bị choáng khi lần đầu bước vào thư viện tại gia của ông. Thư viện chứa 1.700 cuốn sách với dày đặc những chú thích. John Little viết trong cuốn sách The Warrior Inside: The Philosophies of Bruce Lee: "Triết lý của Lý Tiểu Long thậm chí còn mạnh hơn võ thuật của anh ấy. Mọi thứ Lý Tiểu Long làm đều phản ảnh tâm trí và suy nghĩ của anh ấy".
Lý Tiểu Long là thần tượng của nhiều người
 
Sinh thời, Lý Tiểu Long thần tượng Alan Watts - triết gia người Anh thời thế kỷ 20 - người đã truyền bá tư tưởng phương Đông đến độc giả phương Tây. Lý Tiểu Long đã ghi lại các bài giảng của Watts và phát lại cho học sinh trong lớp dạy võ của mình nghe. Cũng như thần tượng, Lý Tiểu Long coi mình là cầu nối giữa phương Đông và phương Tây. Ông muốn cho người Mỹ thấy nét đẹp trong văn hóa, tư tưởng Trung Quốc. Dan Inosanto - một trong những người bạn thân thiết của Lý Tiểu Long - nói trên CNN: "Anh ấy nói với tôi rằng có thể truyền đạt kiến thức về phương Đông bằng phim ảnh nhiều hơn là trong sách". Inosanto đã quay một cảnh đánh nhau cùng Lý Tiểu Long trong Game of Death. Cả hai chiến đấu bằng côn nhị khúc - vũ khí đặc trưng của Lý Tiểu Long.
 
Năm 1970, Lý Tiểu Long, khi đó 30 tuổi, bị chấn thương ở lưng trong quá trình tập luyện. Bác sĩ chẩn đoán ông có khả năng không thể đi lại và không bao giờ luyện võ được nữa. Đó là một trong những thời khắc u ám nhất cuộc đời Lý Tiểu Long. Ông nằm liệt giường, được vợ và hai con chăm sóc. Có lúc, tài khoản ngân hàng chỉ còn 50 USD. Trong lá thư viết cho một người bạn vào giai đoạn đó, ông viết: "Ai làm công việc nguy hiểm hơn tôi? Tôi sống bằng gì? Tin rằng tôi sẽ làm được. Chấn thương lưng đã giày vò tôi suốt một năm nhưng trong nghịch cảnh sẽ có phước lành. Sau cơn mưa trời lại sáng".
 
Lý Tiểu Long đã vượt qua bệnh tật bằng suy nghĩ tích cực cùng phương pháp tập luyện do ông tự nghĩ. Kinh nghiệm chữa lành vết thương được ông đúc kết, sáng tạo ra môn võ Triệt quyền đạo (Jeet Kune Do).
Lý Tiểu Long bên chiếc côn nhị khúc - vũ khí đặc trưng của ông
 
Lý Tiểu Long sớm đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc. Ông sinh ra ở San Francisco nhưng lớn lên trong một gia đình giàu có ở Hong Kong. Cha ông là nghệ sĩ kịch Lý Hải Tuyền. Ngay từ nhỏ, Lý Tiểu Long đã xuất hiện trong khoảng 20 bộ phim Trung Quốc. Ông bắt đầu học võ từ năm 13 tuổi nhưng thầy giáo đã ngừng dạy khi biết mẹ ông là người da trắng.
 
Năm 18 tuổi, Lý Tiểu Long được gia đình đưa sang Mỹ học đại học. Tại đây, ông vẫn dồn tâm huyết nghiên cứu võ thuật. Để quảng bá võ thuật Trung Hoa, năm hai đại học, Lý Tiểu Long thuê một góc trong bãi đỗ xe của trường, mở lớp dạy võ có tên "Chấn Phiên Quốc thuật quán". Doug Palmer - một trong những môn sinh đầu tiên của ông ở Mỹ - cho biết dạy võ cho người phương Tây lúc đó là một điều cấm kỵ nhưng huyền thoại võ thuật không quan tâm.
 
Lý Tiểu Long nung nấu ý tưởng sản xuất một bộ phim truyền hình về võ thuật Trung Quốc. Nhà sản xuất sử dụng ý tưởng nhưng không cho ông diễn xuất vì cho rằng ngoại hình của ông không thu hút được khán giả phương Tây. Vai chính được giao cho một diễn viên, vũ công người Mỹ. Phim sau đó trở thành tác phẩm ăn khách có tên Kung Fu.
 
Sự nghiệp của Lý Tiểu Long đột phá khi ông về Hong Kong thực hiện loạt phim thu hút sự chú ý của Hollywood. Tháng 7/1971, ông ghi dấu ấn với Đường Sơn đại huynh (The Big Boss). Năm 1972, bộ phim Tinh võ môn (The Chinese Connection) đưa Lý Tiểu Long lên hàng siêu sao. Thành công nối dài với loạt tác phẩm Trò chơi tử thần (Game of Death), Mãnh long quá giang (The Return Of The Dragon)... Năm 1973, tài tử tham gia Long tranh hổ đấu (Enter The Dragon) - bộ phim đầu tiên do Mỹ và Hong Kong hợp tác sản xuất. Theo Variety, bấy giờ khán giả Mỹ chưa từng thấy một ngôi sao hành động nào như Lý Tiểu Long. 
Sự nghiệp của Lý Tiểu Long đột phá khi ông về Hong Kong
 
Vài ngày trước khi phát hành Enter the Dragon tại Mỹ năm 1973, Lý Tiểu Long, ở tuổi 33, qua đời ở Hong Kong do phản ứng với thành phần thuốc giảm đau.
 
47 năm sau ngày Lý Tiểu Long ra đi, bạn bè vẫn nhớ tới ông. Họ không nhắc tới võ thuật, sự nghiệp mà nhớ về bóng dáng chàng trai vui vẻ, lạc quan và trung thành với bạn bè. Palmer - hiện là luật sư ở Seattle - nói: "Cậu ấy là một người rất lôi cuốn. Cậu ấy có thể làm chủ hầu hết các tình huống. Bạn bước vào một căn phòng và trong hầu hết trường hợp, anh ấy sẽ làm chủ cuộc trò chuyện".
 
Dan Inosanto - một người bạn khác của ông - cho biết nhận được nhiều thư từ sau khi Lý Tiểu Long qua đời. Trong thư, dù làm nhiều ngành nghề - từ nhạc sĩ cho đến vận động viên trượt ván, họ đều nói rằng Lý Tiểu Long có ảnh hưởng lớn với họ. 
Lý Tiểu Long lúc sinh thời bên vợ và hai con
 
Gia đình huyền thoại võ thuật vẫn đang giới thiệu về ông cho thế hệ mới. Linda Lee Cadwell - vợ của tài tử - và con gái Shannon Lee đã thành lập Quỹ Bruce Lee để chia sẻ về võ thuật và triết lý của Lý Tiểu Long. Họ trao học bổng cho những sinh viên có niềm đam mê học tập và dạy võ cho thanh thiếu niên nghèo.
 
Di sản của Lý Tiểu Long cũng mở rộng theo những cách khác. Các tác giả thời nay không viết nhiều về kỹ năng chiến đấu của Lý Tiểu Long, thay vào đó, họ tập trung vào sức bật tinh thần, hướng đến những ai muốn thể hiện cá tính và vượt qua trở ngại trong cuộc sống. Dưới chân bia mộ của Lý Tiểu Long ở Seattle là một phiến đá với dòng chữ: "Nguồn cảm hứng mà ông đã truyền đi tiếp tục dẫn lối chúng ta trên con đường giải phóng bản ngã". Di sản của Lý Tiểu Long để lại mạnh mẽ hơn bất kỳ cú đấm nào ông từng tung ra.
 
Theo VnExpress

Đọc thêm các bài khác