MV Việt cổ trang: Lối đi cũ được giăng đèn kết hoa

Đăng lúc: 3:06 pm, Ngày 06/08/2020

Sản xuất MV cổ trang đang là một trào lưu thu hút nhiều nghệ sĩ tham gia với lượt xem cao nhưng cũng dễ phản tác dụng nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng.

Hình bìa MV Chân ái của Orange, Khói, Châu Đăng Khoa
 
Xu hướng làm các sản phẩm âm nhạc theo phong cách cổ trang từ lâu không còn là chuyện mới mẻ ở nhạc Việt. Vài năm trở lại đây, nhiều ca sĩ đầu tư tiền bạc, công sức để làm MV theo phong cách này.
 
Đối với khán giả đại chúng, những sản phẩm mang đậm màu sắc Á Đông cùng phần âm nhạc hòa quyện giữa nhạc cụ dân tộc và chất liệu hiện đại của dòng nhạc điện tử luôn tạo nên sự gần gũi, thú vị. Chi Pu mang cải lương vào MV Cung đàn vỡ đôi, Denis Đặng kết hợp hát bội với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác trong MV Chân ái của Orange, Khói, Châu Đăng Khoa. Hai MV cổ trang Tự tâm, Canh ba của Nguyễn Trần Trung Quân cũng mang về nhiều thành tích ấn tượng cho nam ca sĩ.  
Các ca sĩ Đan Trường, Lam Trường, Cẩm Ly, Đàm Vĩnh Hưng từng sản xuất MV cổ trang
 
Phong cách cổ trang đã phổ biến từ những năm 2000 với những MV như Phong ba tình đời (Đan Trường) hay Khí phách anh hùng (Nguyễn Phi Hùng). Đây cũng là khoảng thời gian nhạc Hoa lời Việt thịnh hành. Còn ngày nay, không ít nghệ sĩ trẻ đang nỗ lực trong việc Việt hóa MV cổ trang, đưa các yếu tố văn hóa, nghệ thuật dân tộc vào sản phẩm như một cách để giữ gìn những giá trị truyền thống của giống nòi.
 
Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng chia sẻ: "Có thể thấy rõ được sự nỗ lực của các êkíp sản xuất để mang đến đến sản phẩm âm nhạc cổ trang chất lượng như hiện nay. Từ ca khúc, kịch bản, diễn xuất cho đến trang phục đều được chăm chút tỉ mỉ. Đây cũng là cách để các nghệ sĩ quảng bá văn hoá, kêu gọi mọi người hướng về nguồn cội". 
Hình bìa MV Anh ơi ở lại của Chi Pu
 
Tuy nhiên, phong cách cổ trang cũng tiềm ẩn những rủi ro trong việc tái hiện lại bối cảnh, không khí hay câu chuyện muốn mang đến. Một số sản phẩm dù đạt thành tích tốt về lượt xem nhưng gây tranh cãi liên quan tới vấn đề đạo nhái.
 
Đạo diễn Neko Lê chia sẻ quan điểm về điều này: "MV không giống phim, nó luôn có tính bay bổng, thậm chí có thể là siêu thực. Nhiều đạo diễn khi làm sản phẩm chỉ chọn bối cảnh cổ trang chứ không chọn chính xác một thời điểm hay đất nước cụ thể. Ở Mỹ cũng có nhiều MV lấy bối cảnh Hy Lạp cổ hay Ai Cập cổ nhưng điều đó không có nghĩa là không tôn trọng văn hóa. Cũng không ai đi soi mói từng trang phục, phụ kiện của những sản phẩm đó cả. Còn về chất lượng của MV cổ trang ở Vpop hiện nay, tôi thấy đang có sự phát triển mạnh mẽ. Cách đây 10 năm chúng ta thua xa Thái Lan nhưng bây giờ cứ đem những MV như Chân ái, Tự tâm ra so sánh thì chắc chắn vượt trội hơn". 
Hình bìa MV cổ trang Tự tâm của Nguyễn Trần Trung Quân 
 
Dù phong cách cổ trang đang là một xu hướng mới thì những nghệ sĩ trước khi bắt đầu, cần có sự tìm hiểu và đầu tư đúng mực để đảm bảo sản phẩm không làm xấu hay bóp méo các yếu tố văn hoá, dẫn đến gây tranh cãi.
 
"Nếu mong muốn tạo được sự đồng thuận chung về văn hoá, truyền thống nên cần có sự tham khảo từ chuyên gia về lịch sử hay những người có chuyên môn liên quan để nhận tư vấn tốt nhất. Theo tôi, các bạn đã tạo nên xu hướng của khán giả và điều đó rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, dù lấy cảm hứng từ những câu chuyện có thật hay hư cấu thì khi thể hiện theo một phong cách chọn lọc, là học hỏi chứ không phải copy nguyên mẫu", ca sĩ Nguyễn Phi Hùng nói. 
 
Theo TTO

Đọc thêm các bài khác