Phim Việt đầu tư hàng chục tỷ nhưng ra rạp chỉ thu 1-2 tỷ

Đăng lúc: 1:37 pm, Ngày 25/05/2022

60 tỷ đồng và 33 tỷ đồng là kinh phí của hai phim Việt ra rạp gần đây nhất. Cả hai đều chỉ thu từ 1 đến 2 tỉ đồng trong đợt mở màn. Phim Việt đang được đầu tư mạnh tay hơn trước đây nhiều nhưng vì sao chưa ăn khách?

578 - Phát đạn của kẻ điên, phim có hoa hậu H'Hen Niê đóng, công bố kinh phí 60 tỷ đồng. Phim thu 2,5 tỷ đồng sau gần 5 ngày ra rạp. Kẻ thứ 3 - phim của nhà sản xuất kiêm diễn viên Lý Nhã Kỳ - có kinh phí 33 tỷ đồng. Phim thu chưa đầy 1 tỷ đồng sau 12 ngày ra rạp.
 
Mức kinh phí cơ bản của phim điện ảnh Việt hiện nay là 20 tỷ đồng. Hai phim trên đều thuộc dạng đầu tư lớn, riêng 578 có thể là phim Việt có kinh phí cao bậc nhất từ trước đến nay. Đầu tư lớn là rất đáng khích lệ, nhưng thật tiếc khi hàng chục tỷ đồng được đổ vào những kịch bản yếu.
 
Chỉ một lý do: phim không hay
 
Ở điện ảnh Việt, ít có phim "bom tấn" đúng nghĩa: kinh phí rất lớn, nhắm thẳng đến khán giả đại chúng với nội dung có thể chiều lòng nhiều nhóm đối tượng khán giả, thường đi kèm hàng hóa lưu niệm và có cộng đồng hâm mộ đông đảo, là dự án chủ đạo của hãng phim và của toàn ngành điện ảnh.
 
Hai bộ phim kinh phí lớn nói trên đều chưa thể coi là "bom tấn" đúng nghĩa, vì trước khi công chiếu, mức độ phổ biến với công chúng là không cao. Bản thân phim hay diễn viên cũng chưa có cộng đồng hâm mộ đông đảo, sẵn sàng bỏ tiền ra xem bất kể thế nào, để làm bảo chứng phòng vé. Chính vì vậy, số tiền đầu tư lại càng rủi ro.
Poster phim 578 - Phát đạn của kẻ điên
 
578 - Phát đạn của kẻ điên, phim tập trung quảng bá những phân cảnh hành động hoành tráng, máu lửa, chân thực. Đó là điểm sáng đáng ghi nhận. Thế nhưng, khán giả Việt không xa lạ gì với những cảnh hành động hoành tráng hơn, đẹp mắt hơn do đã xem nhiều phim nước ngoài.
 
Tất nhiên, không phải cứ đầu tư kinh phí lớn là cầm chắc doanh thu lớn. Trên thế giới có nhiều trường hợp "bom tấn" trở thành "bom xịt", đầu tư từ 100 triệu đến 200 triệu USD nhưng chỉ thu vài chục triệu USD hoặc vài trăm triệu USD nhưng không đủ hòa vốn.
 
The Lone Ranger (2013) - "bom xịt" của ngôi sao Johnny Depp - có kinh phí gần 250 triệu USD nhưng chỉ thu 260 triệu USD. Gần đây, Wonder Woman 1984 (2020) cũng thất thu khi chỉ đạt 167 triệu USD dù kinh phí là 200 triệu USD.
 
Lý do thất bại thì nhiều, cả chủ quan lẫn khách quan, đủ cả thiên thời địa lợi nhân hòa. Nhưng lý do phổ biến nhất, quan trọng nhất và không thể nào chối bỏ được thì chỉ có một: phim không hay.
 
Nhìn vào danh sách những "bom xịt" của điện ảnh thế giới những năm gần đây như Bác sĩ Dolittle, Mulan, The New Mutants, Suicide Squad, The Matrix Resurrections..., chúng ta đều có thể thấy nhược điểm chung: phim không hay.
 
Trái tim của tác phẩm điện ảnh
 
Với điện ảnh, có nhiều yếu tố quan trọng để làm nên thành công nhưng câu chuyện và nhân vật có thể coi là tối quan trọng, là trái tim, là trung tâm. Ở một số trường hợp "bom xịt", nhà làm phim coi nhẹ các yếu tố này.
 
Câu chuyện của 578 đơn giản, dễ đoán vì hé lộ biến cố từ đầu, lối dựng đôi chỗ hơi rối, cú twist chưa đủ "đô". Về mặt nhân vật, dường như phim không có sự phát triển tâm lý, những phân đoạn cảm xúc chưa đủ cảm động và chưa khiến khán giả đau đớn cùng nhân vật.
 
Còn Kẻ thứ 3, bên cạnh nghi vấn "đạo" tiểu thuyết Pháp thì câu chuyện phim được nhà sản xuất Lý Nhã Kỳ thừa nhận là "đã cũ" vì làm từ nhiều năm trước. Câu chuyện không chỉ cũ mà còn rối rắm, nhiều nút thắt chưa mở, để lại nhiều câu hỏi lửng lơ, tạo nên một tác phẩm dở dang.
Poster phim Kẻ thứ 3
 
Nhược điểm lớn của cả hai phim trên là nhân vật chính không nói được tiếng Việt mà phải lồng tiếng. Sự mất cảm xúc do bất đồng ngôn ngữ là không thể xóa nhòa. Vì diễn viên không nói tiếng Việt nên góc quay cũng hạn chế hơn để che đi sự khác biệt giữa cử động môi và tiếng nói.
 
Ở thị trường điện ảnh quốc tế hay trong nước, luôn có những ca đầu tư sai chỗ khiến hàng đống tiền phải đổ sông đổ biển. Nhưng điện ảnh Việt là nền điện ảnh mới phát triển, phim có kinh phí cao là rất đáng khích lệ, nên việc đầu tư sai hướng càng gây tiếc nuối.
 
Sai vì những kịch bản quá yếu, những nhân vật hời hợt. Sai vì dù thuộc thể loại gì đi chăng nữa, dù có bao nhiêu kỹ xảo hấp dẫn hay cảnh hành động máu lửa, phim vẫn cần phải lay động trái tim khán giả.
 
Bàn về các ca đầu tư đáng tiếc trong điện ảnh Việt, nhà phê bình Lê Hồng Lâm không muốn nhắc đến bộ phim cụ thể nào nhưng anh muốn cảnh tỉnh những nỗ lực đặt sai chỗ.
 
Lê Hồng Lâm nhận định: "Mọi nỗ lực và tâm huyết của bạn đều vô nghĩa nếu làm ra một bộ phim dở. Không khán giả nào muốn nghe bạn giải thích thủ pháp và ý đồ nghệ thuật, sự đam mê và hy sinh nọ kia, nếu thứ trưng lên màn ảnh là những thứ giả, vụng và ngây ngô từ đầu đến cuối".
 
Theo TTO

Đọc thêm các bài khác