Hụt hẫng doanh thu, phim Việt đang thua trên sân nhà

Đăng lúc: 8:18 am, Ngày 10/09/2022

Trong khi phim ngoại liên tiếp tạo ra những kỷ lục phòng vé suốt mấy tháng hè qua thì phim nội lại phải “đỏ mắt” kiếm doanh thu. Việc thua cuộc của điện ảnh Việt ngay trên sân nhà âu cũng là câu chuyện có thể đoán trước.

Những tưởng sau mùa phim tết và dịp lễ 30/4 - 1/5, phim nội đã gượng dậy được sau thành công phòng vé của các phim Bẫy ngọt ngào, Chuyện ma gần nhà, Chìa khóa trăm tỷ, Nghề siêu dễ, Đêm tối rực rỡ. Thế nhưng thực tế đã ngược lại. 10 phim ra rạp nhưng chỉ có Em và Trịnh cán mốc 100 tỷ đồng và Dân chơi không sợ con rơi có hai tuần vượt mặt nhiều phim “bom tấn” ngoại, đạt doanh thu 46 tỷ đồng. Những phim nội còn lại đều lẹt đẹt phòng vé. Trong đó thất bại nặng nề nhất là ba phim được làm với kinh phí “khủng”: Kẻ thứ ba, 578: Phát đạn của kẻ điên Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác.
Poster phim Duyên ma
 
Tỷ lệ 80% phim Việt có doanh số lẹt đẹt phòng vé trong mùa hè qua thực ra là điều dễ đoán trước. Phim Kẻ thứ ba là một sản phẩm “chắp vá” dù tiêu tốn kinh phí đến 33 tỷ đồng. Phim 578: Phát đạn của kẻ điên được đầu tư hoành tráng về bối cảnh, diễn viên, các pha hành động nhưng nội dung thiếu cảm xúc. Phim Là mây trên bầu trời ai đó Kẻ đào mồ gặp lỗ hổng về kịch bản và diễn xuất. Vô diện sát nhân sở hữu dàn diễn viên chất lượng nhưng câu chuyện rối rắm, thiếu logic. Chỉ có hai phim Em và Trịnh, Dân chơi không sợ con rơi có chất lượng tương đối ổn so với mặt bằng chung phim Việt nên thắng phòng vé. Em và Trịnh là phim nội duy nhất cán mốc doanh thu phòng vé 100 tỷ đồng từ đầu năm đến nay.
 
Trong khi phim nội bị quay lưng thì các phim ngoại liên tiếp thắng lớn. Bộ phim Phù thủy tối thượng trong đa vũ trụ hỗn loạn chỉ cần 5 ngày để chạm mốc 100 tỷ đồng. Thor: Tình yêu và sấm sét nhẹ nhàng thu gần 120 tỷ đồng dù nội dung bị chê nhiều hơn khen. Gây dấu ấn mạnh mẽ nhất là dòng phim hoạt hình khi Minions: Sự trỗi dậy của Gru thu gần 200 tỷ đồng. Doraemon: Nobita và cuộc chiến vũ trụ tí hon 2021 Conan: Nàng dâu Halloween lần lượt thu hơn 49 và 50 tỷ đồng. Trong đó tập phim thứ 25 về thám tử nhí Conan còn trở thành phim anime (phim hoạt hình Nhật Bản được sản xuất từ các tác phẩm truyện tranh) ăn khách nhất mọi thời phòng vé Việt. 
Em và Trịnh là phim nội duy nhất cán mốc doanh thu phòng vé 100 tỷ đồng từ đầu năm đến nay.
 
Nhìn vào sự thất thế của phim Việt tại sân nhà, nếu khẳng định chất lượng quyết định thành bại phòng vé cũng không hẳn đúng. Trường hợp phim Maika - Cô bé đến từ hành tinh khácDuyên ma là ví dụ. Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác là tác phẩm hiếm hoi nhận được sự đồng lòng ngợi khen của công chúng, giới chuyên môn nhưng chỉ thu gần hơn 6 tỷ đồng trong khi kinh phí sản xuất lên tới 30 tỷ đồng. Nguyên nhân thất thu có lý do phim ra rạp cùng thời điểm với bom tấn hoạt hình Doraemon: Nobita và cuộc chiến vũ trụ tí hon 2021.
 
Cùng có chung đối tượng khán giả nhưng rõ ràng thương hiệu Doraemon mạnh hơn cái tên Maika dù nhân vật Maika nằm trong ký ức của nhiều người. Phim Duyên ma càng củng cố thêm nhận định thời điểm ra rạp ảnh hưởng lớn đến doanh thu. Là một trong hai phim Việt cùng ra mắt (phim kia là Hạ cánh khẩn cấp) trong tuần lễ trùng vào dịp tháng Bảy âm lịch (rất phù hợp với tên phim Duyên ma) nên mặc dù chất lượng thua xa cả các web drama, Duyên ma vẫn dễ dàng thu 6,7 tỷ đồng. 
Poster phim Cù lao xác sống
 
Điện ảnh Việt đã đi qua ba phần tư chặng đường của năm với nỗi buồn nhiều hơn niềm vui. Chưa bao giờ phim nội có chất lượng kém, cả về nội dung và chất lượng kỹ thuật dồn dập ra rạp như mùa hè qua. Nếu cho rằng lý do phim dở vì đây là các sản phẩm tồn kho từ thời gian dịch bệnh hoành hành cũng không đúng. Vì dịch bệnh chỉ làm thay đổi thời điểm phát hành phim chứ không làm thay đổi chất lượng phim. Tư duy, thẩm mỹ, tay nghề mới là thứ quyết định sự hay dở của phim.
 
Rõ ràng vẫn đang có một bộ phận khán giả luôn ủng hộ phim Việt. Bằng chứng là những phim dưới chuẩn điện ảnh như Duyên ma hay Cù lao xác sống vẫn được khán giả chọn xem. Nhưng các nhà làm phim không thể cứ lợi dụng sự ưu ái của khán giả để liên tục đưa ra những sản phẩm kém chất lượng. Sự thắng-thua của một bộ phim không chỉ nằm ở vấn đề lời-lỗ mà còn là uy tín của người làm phim. Chất lượng phim luôn là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến doanh thu bên cạnh các yếu tố khác như thời điểm phát hành, truyền thông…
 
Tỷ lệ 8/10 phim Việt thất bại trên sân nhà thời gian qua là tín hiệu cảnh báo về trách nhiệm của êkíp sản xuất. Kiểu làm phim chụp giật, dễ dãi không chỉ gây hại cho bộ phim, cho uy tín của nhà làm phim mà còn để lại hệ lụy cho những đồng nghiệp làm phim nghiêm túc, tử tế. Điện ảnh Việt vẫn còn cơ hội để lấy lại niềm tin của khán giả. Nhưng nếu không quyết liệt thay đổi, nguy cơ phim nội mất thị phần rạp chiếu cho phim ngoại là rõ ràng. 
 
Theo PNO

Đọc thêm các bài khác