Âm nhạc Việt Nam lộn tùng phèo

Đăng lúc: 12:33 am, Ngày 21/02/2015

“Trong tương lai gần, thị trường âm nhạc sẽ nằm trong tay những nhà sản xuất âm nhạc, chứ không phải nằm trong tay nghệ sĩ biểu diễn. Thậm chí nghệ sĩ biểu diễn hay, dở cũng do nhà sản xuất âm nhạc quyết định,” nhạc sĩ Anh Quân nhận định.

Việt Nam cứ lộn tùng phèo!?

Thưa nhạc sĩ Anh Quân, cá nhân tôi thấy rằng những năm gần đây có một tín hiệu “bật đèn xanh” cho những người làm nhạc khi vai trò của những nhà sản xuất, phối khí dần được tôn trọng và trở nên không thể thiếu sau thành công của một ca sĩ. Điều đó có ý nghĩa như thế nào với anh?

- Nhớ lại thời điểm chúng tôi về nước khoảng một năm (nhạc sĩ Anh Quân về nước năm 1997 - PV) thì Việt Nam nở rộ mốt hát trên nền nhạc thu sẵn. Ca sĩ ra chỉ có hát, và nhạc công chỉ là "rối". Nhưng bây giờ, đã khác. Tôi cho rằng đó là tín hiệu tích cực. Bạn biết là người làm nhạc phải học và khổ luyện rất kinh khủng, vì vậy khi lên sân khấu họ phải được chơi nhạc và truyền cảm hứng cho người biểu diễn.
Âm nhạc Việt Nam lộn tùng phèo
Nhạc sĩ Anh Quân.

Nhưng bên cạnh đó, tôi cũng lại thấy có một “xu hướng” phối khí nở rộ như một thứ “mốt” sang chảnh. Cảm tưởng ai cũng có thể phối khí được vậy?

-Chúng ta đang lạm dụng công nghệ. Trên mạng bây giờ có rất nhiều đoạn phối khí, người ta có thể lấy chúng về mix với nhau và gọi là phối khí. Điều đó là hiểu sai hoàn toàn.

Phối khí là lần sáng tác thứ hai, tất cả câu nhạc, hòa thanh, điệu trống, tất cả phần nhạc phải do con người nghĩ ra để bài hát nó mang một hơi thở mới. Phối khí còn quan trọng hơn cả bài hát, bởi bản phối đó quyết định người ca sĩ sẽ hát và thể hiện như thế nào.

Và để trở thành một nhà sản xuất âm nhạc đúng nghĩa cũng khó phải không thưa nhạc sĩ Anh Quân? Tôi nói thế, bởi đã nhiều năm vẫn chưa thấy nhiều cái tên “soán ngôi” được thế hệ của anh, nhạc sĩ Quốc Trung… hay tại các anh không chịu “nhường”?

-Sẽ rất khó và gian nan để xây thành một cái “nhà” dù ở lĩnh vực gì. Sản xuất âm nhạc đòi hỏi trách nhiệm rất lớn và trình độ âm nhạc, kỹ thuật phòng thu một cách tổng quát. Nhà sản xuất âm nhạc chính là người chịu trách nhiệm từ A đến Z về một sản phẩm âm nhạc.

Chính vì vậy với sản xuất âm nhạc thì học đơn giản hơn làm. Học không phải điều kiện đủ để anh trở thành nhà sản xuất giỏi. Nói nôm na, nhà sản xuất âm nhạc chính là người gom những người khác lại để nó đạt hiệu quả cao nhất. Làm nghệ sĩ biểu diễn thì đơn giản và bay bổng hơn.

Một khó khăn nữa là chúng ta chưa có nền công nghiệp âm nhạc đúng nghĩa. Ở nước ngoài, bất cứ ai đã vào showbiz thì phải đi theo con đường chuẩn là vào đầu quân cho một hãng thu âm. Ở Việt Nam thì cứ lộn tùng phèo, mạnh ai người ấy chạy. Thực tế đó trở thành thách thức với những nhà sản xuất âm nhạc làm thế nào để mọi người hiểu mới là điều nan giải nhất. Vì những ca sĩ trẻ ở Việt Nam hiện nay rất sốt ruột. Họ luôn nghĩ “tại sao tôi lại phải mất công thế này?” Đó là điều rất khó khăn lớn nhất.

Nghe anh phân tích, tôi thấy đường dài cho tương lai của những nhà sản xuất âm nhạc Việt Nam như chiếc thuyền nan đang trôi giữa biển mù sương vậy?

-Cũng không nên bi quan như vậy (cười). Bởi xu hướng phát triển tất yếu của âm nhạc bắt buộc phải như vậy! Trong tương lai gần thị trường âm nhạc sẽ nằm trong tay những nhà sản xuất âm nhạc, chứ không phải nằm trong tay nghệ sĩ biểu diễn. Thậm chí nghệ sĩ biểu diễn hay, dở cũng do nhà sản xuất âm nhạc quyết định.

Thành công là làm việc gì đó hết đời!

Tôi lại nghĩ những nhà sản xuất âm nhạc uy tín ở thế hệ các anh đã hoàn tất sứ mệnh của mình khi tạo nên cú hích lớn cho nhạc nhẹ. Anh nghĩ nếu có ý kiến nói rằng, trong thời điểm hiện tại, các anh “thiếu” tuổi trẻ để có thể đủ “mới” bắt kịp những ca sĩ trẻ như bây giờ?

-Rõ ràng là đúng một phần. Mỗi thế hệ có một gu âm nhạc và không thể đưa lên bàn âm nhạc của thế hệ nào sẽ hay hơn. Chỉ có điều, sản xuất âm nhạc cần kinh nghiệm hơn là mới.

Sản xuất âm nhạc không đơn giản là câu chuyện thế hệ, tuổi tác già thì sản xuất cho già, trẻ sản xuất cho trẻ. Hiện tại, tôi vẫn đang làm nhiều dự án với những người trẻ để gây dựng một môi trường âm nhạc tốt. Tuy nhiên, trước một nhận định về sức trẻ như vậy tôi cũng rất ủng hộ và mong họ sẽ làm được nhiều điều mới mẻ cho âm nhạc hiện thời. Tôi nghĩ, già hay trẻ thì đều phải có những ý nghĩ lớn lao về thế hệ mình, chúng ta chẳng thể cứ ì ạch mãi.
Âm nhạc Việt Nam lộn tùng phèoVợ chồng nhạc sĩ Anh Quân - Mỹ Linh trên sân khấu.

Trong những cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Quốc Trung, điều ám ảnh tôi nhất về “nỗi buồn” thế hệ các anh chính là tâm huyết tỉ lệ nghịch với khả năng “kinh doanh” âm nhạc. Anh có phải là một ngoại lệ?

-Tôi cũng giống vậy (cười). Không thể chối cãi đó là điều đang thiếu và yếu ở thế hệ bọn tôi. Vì phần lớn những nhà sản xuất âm nhạc là những nghệ sĩ, thiên về làm nghệ thuật. Đó là công đoạn quan trọng nhưng đã bị bỏ qua rất lâu. Chuyện tác phẩm hay là một chuyện nhưng để tác phẩm đó tới được công chúng thì đó mới là sản phẩm thành công.

Ở nước ngoài, kinh phí để quảng bá cho một tác phẩm đôi khi còn lớn hơn sản xuất. Và một vấn đề khác, mà chúng ta đang bỏ qua đó là bản quyền âm nhạc. Khi mọi thứ đang dễ dãi, tác phẩm đang bị ăn cắp, xài chùa trên các trang mạng, đĩa lậu thì cũng đừng bao giờ chúng ta mơ về tương lai công chúng sẽ bỏ tiền mua sản phẩm âm nhạc. Đó chính là cái gốc của vấn đề, nếu không chấn chỉnh và siết chặt thì mọi nỗ lực cũng chỉ là ước muốn mà thôi.

Đó có phải là lí do những nhà sản xuất âm nhạc uy tín đứng sau thành công của những diva như Thanh Lam, Mỹ Linh lại không “mát tay” với những ca sĩ trẻ, đầy triển vọng?

-Họ không gặp nhau ở vấn đề kinh tế thì chính xác hơn. Ca sĩ trẻ, đôi khi chỉ vì những cái lợi trước mắt, những hào quang của lợi danh, nổi tiếng, sẽ cảm thấy sốt ruột khi nhìn thấy người khác nhanh chóng được lăng xê, cátxê cao, chương trình biểu diễn nhiều, xuất hiện dày đặc ở các sự kiện, rồi mua xe, tậu nhà…

Nếu đã bị sốt ruột, với con đường riêng của mình, họ sẽ thấy 'mình đang làm gì thế này, có đáng không,' và họ cảm thấy đang đi sai đường. Mặt khác, khi sản phẩm âm nhạc họ ra không bán được, bị ăn cắp trắng trợn, thì họ cũng sẽ chật vật để tái đầu tư cho âm nhạc.

Và trước sự “lăn tăn” đó, chính các anh cũng đang giẫm chân tại chỗ, khi “chung thủy” với thế hệ ca sĩ diva như Mỹ Linh, Thanh Lam…?

-Ở ta luôn có định kiến “nhất thân nhì quen,” những gì tốt nhất thì dành cho người nhà. Thực tế mọi người rất ngại làm việc với tôi. Mọi người luôn lo sợ khi tôi làm cho họ thì không hay bằng, hoặc vượt qua được Mỹ Linh. Họ không tin tôi nhưng chính họ cũng không tin vào mình.

Thực tế có nhiều “nàng thơ” tìm đến, và tôi rất hào hứng nhưng rồi chính họ không vượt qua được định kiến đó. Rồi họ cũng rất sợ bị so sánh, nếu ra đĩa rồi lại sợ khi người ta so sánh với Mỹ Linh.

Trường hợp Anna, con gái tôi khi hoạt động biểu diễn trong nước cũng như vậy. Thế nên, nếu chúng ta cứ nghĩ đến điều đó quá, bị chi phối bởi nó chúng ta sẽ chẳng bao giờ làm được điều gì cả.

Là nghệ sĩ, cứ còn say mê thì cứ làm. Cái khó thì bao giờ cũng có, thời nào cũng vậy, có điều chúng ta có vượt qua được không.

Thế hệ chúng tôi khi về nước cũng phải đương đầu với điều đó. Ngày đó, người ta bảo chúng tôi đang “hủy hoại” Mỹ Linh, tại sao lại bắt cô ấy hát kiểu lạ lẫm như vậy. Và chúng tôi vẫn cứ làm và trả lời bằng âm nhạc, chinh phục khán giả dần dần, đến khi những cái mới ấy từ nghịch tai, quen tai đến khi “đã tai.”

Khác nhau ở tư duy và thói quen nghe, xem hiện nay khiến các nhà sản xuất âm nhạc như anh hiện nay bị “khớp” với dòng chảy âm nhạc hiện nay. Xem chưng kết thúc này không có “hậu” lắm nhỉ?

-Không được truyền lửa thì có thể nhưng không thể kìm hãm được ý muốn lao động của thế hệ chúng tôi. Thực tế, tôi vẫn đang làm việc rất bền bỉ.

Tôi đặt giả thiết, nếu Anna không phải con  gái anh thì khi cô bé đến tìm anh như nhà sản xuất âm nhạc, anh có tự tin làm cho sắc vóc ấy thành hình mẫu ca sĩ ăn khách của thị trường không?

-Tôi muốn nhấn mạnh ở đây là như thế nào là thành công? Chúng ta vẫn quen nhìn và đánh giá sự thành công về bề nổi. Với những người làm nghề chuyên nghiệp như tôi, thành công của người biểu diễn là họ làm việc của mình đến hết đời.

Một ca sĩ hoạt động vài năm, ra một sản phẩm được đón nhận hoặc có tiếng vang thì đã vội xem đó là thành công. Thành công đó không chỉ là giai đoạn mà là cả sự nghiệp, đường dài.

Tôi luôn hướng những người làm với tôi là sức bền, chứ không phải sự nổi tiếng chóng vánh. Bởi nếu như vậy chúng ta sẽ chuyển sang làm bằng mọi giá để chiều thị hiếu, chạy theo công chúng.
 
Theo Cẩm Thơ/Vietnam+

Đọc thêm các bài khác