'Cha và con và…' sự thất bại của nam tính

Đăng lúc: 8:46 am, Ngày 09/03/2015

Nếu như Cường đi thắt ống dẫn tinh và dắt mối để lấy tiền mua điện thoại di động lấy le bạn gái, thì Vũ chọn việc thắt ống dẫn tinh ở cuối phim như một hành động dứt khoát với bản dạng giới của mình.- Đó là những cảnh phim thật buồn của "Cha và con và ...".

Có những bộ phim bạn xem một lần liền bị hạ gục ngay lập tức. Như trong một cuộc đấm bốc chưa hết mười hai hiệp và mặc dù trọng tài đếm tới số hai mươi, người đấu sĩ cường tráng vẫn không gượng dậy nổi. Cha và con và… của Phan Đăng Di không như thế, nó dần dần len vào lòng bạn, xoa vào những vết thương trong quá khứ của bạn, hay đánh thức những điều bạn tưởng như đã mất hoặc chưa từng trải nghiệm bao giờ. Vô tình hay cố ý, Phan Đăng Di đã tiết lộ không ít về bản thân mình với chất dịu dàng nguyên sơ trong bộ phim mà chính anh gọi là “sự thất bại của nam tính”.
Cha và con và… sự thất bại của nam tínhDiễn viên Lê Công Hoàng, Đỗ Thị Hải Yến, Trương Thế Vinh trong phim Cha và con và...

Ngơ ngác và trong vắt

Nhân vật chính của Cha và con và… là một nam sinh trẻ học nhiếp ảnh tên Vũ (Lê Công Hoàng đóng). Cậu sống ở thời kỳ những năm 1990, khi xã hội Việt Nam đang vào giai đoạn trở mình về mọi mặt, từ kinh tế, chính trị tới giá trị sống. Người xem không nhất thiết nhận ra ngay mốc thời gian này, bởi chỉ có vài chi tiết nhỏ và rải rác liên quan nhắc ta về hai mươi năm trước. Đó là tiền cũ, bốt điện thoại cố định, chính sách thắt ống dẫn tinh có thưởng hay hội chợ mô tô bay. Hình ảnh đời sống trong phim hoàn toàn có thể là Việt Nam thời nay, một đất nước vẫn đang chuyển mình và chưa bứt phá khỏi mức “đang phát triển”. Ngay đầu phim, chuyến thăm của ông bố đi bằng thuyền mang theo quả mít từ miệt vườn và chiếc máy ảnh giá hai tấn lúa tặng con trai cho ta biết Vũ xuất thân từ miền quê sông nước cũng như sự va chạm mạnh mẽ giữa truyền thống và hiện đại. Tuy thế, đạo diễn đã chọn tạo hình nhân vật Vũ mang dáng vẻ một chàng trai công tử bột thành phố, trắng trẻo, nụ cười hiền lành, ngơ ngác và trong vắt. Ở Vũ có một chất thiền thuộc về căn tính. Dù bập bềnh giữa những hoạt náo và bất an của đời sống, Vũ vẫn là chính mình. Giữa những tiếng động đều đều của giọt mưa rơi xuống mái thuyền, làn nước chập chờn trôi của dòng Mê Kông, lời ca não nùng của người hát rong đường phố, hay chuyển động cơ thể tràn trề nhục dục của các nhân vật trong phim.

Bộ phim thứ hai của đạo diễn Phan Đăng Di không chú tâm kể một câu chuyện có đầu đuôi tập trung vào nhân vật chính. Tiếp nối truyền thống những kịch bản anh từng viết trước đó như Chơi vơi và Bi, đừng sợ, ở Cha và con và… cũng có rất nhiều tuyến nhân vật, nhiều câu chuyện đan xen hay song song như những mảnh ghép của một bức tranh khảm trai. “Tôi muốn đặt nhiều nhân vật cạnh nhau, để phóng chiếu các vấn đề của họ lên nhau, qua đó tôi có thể có một cái nhìn rộng hơn về con người, các khía cạnh tâm lý, thể chất, xúc cảm hay suy nghĩ của họ - và quan trọng hơn, bằng cách này, tôi cho thấy có một sự bình đẳng lớn của mỗi cá nhân trước cuộc sống, rằng vấn đề của cá nhân mãi mãi chỉ là vấn đề của cá nhân mà thôi, còn cuộc sống thì vẫn trôi theo cách của nó, chúng ta chỉ là một hạt cát trong dòng chảy đó mà thôi" - Di cho biết. Lựa chọn này của Di là con dao hai lưỡi. Bởi người xem có quyền nhận xét đây là sự tham lam của tác giả, rằng việc dàn trải các tuyến nhân vật làm sức mạnh của bộ phim bị phân tán, và người ta thường chỉ có một lần xem với 100 phút dõi theo số phận của nhiều nhân vật mà thôi.
Cha và con và… sự thất bại của nam tính
Diễn viên Đỗ Thị Hải Yến trong phim Cha và con và...

Mây và mưa

Tuyến chính của phim gồm một nhóm bốn chàng trai trẻ ở trọ cùng nhau: Vũ, Thăng (Trương Thế Vinh đóng) - tay chơi đứng quầy bar vũ trường và bán ma túy lẻ, Cường (Lê Văn Hoàng đóng) - dắt mối dạo thắt ống dẫn tinh, Tùng (Mai Quốc Việt đóng) - đàn hát rong cùng em gái ở các quán nhậu vỉa hè. Họ đều có cách mưu sinh cơm áo với đời sống đặc thù, riêng Vũ và Thăng còn có một đời sống chung: họ là bạn tình của nhau. Thăng giới thiệu Vũ với Vân (Đỗ Thị Hải Yến đóng) - một vũ nữ trôi qua những đêm diễn cuồng say trên sàn nhảy bằng khói ma túy và rượu mạnh. Họ nhanh chóng thành bộ ba thân thiết - một mối quan hệ tay ba gợi nhớ đến Jules et Jim của François Truffaut hay The Dreamers của Bernardo Bertolucci. Vũ biết bản thân đồng tính, và ước muốn được là Vân để có thể cảm nhận Thăng một cách trọn vẹn. Ở một góc nhìn nào đó, Vân như một nửa còn lại, một đời sống thứ hai của Vũ - đối lập hoàn toàn. Hai mảnh đời đó gặp nhau ở một điểm về tâm hồn, đó là Vân cũng trong vắt như một viên ngọc trai dù bị va đập khắp những góc tối nhập nhoạng trên và sau sàn diễn. Vân luôn là một người múa ba lê - cô múa khắp chốn, không chỉ trên sàn tập, mà ngay cả trong bồn tắm bùn. Một cảnh thể hiện rõ tính chất "tuy hai mà một" là khi Vân và Vũ ngồi dựa lưng vào nhau trên căn gác nhỏ, họ bàn vu vơ về Thăng, về ước mơ của Vũ, Vân lấy son bôi môi cho Vũ. Vân và Vũ - mây và mưa, hai phạm trù luôn đi cùng nhau và không thể thiếu nhau.

Những kẻ trôi theo dòng đời này, khi gặp khó khăn phải tránh né, đều tìm về với thiên nhiên. Đó là nơi trú ngụ và cứu rỗi của bất cứ ai, dù bản chất thiên nhiên cũng đầy hiểm nguy và trắc trở. Ở đây, ta nhận thấy thấp thoáng bóng dáng triết lý của Apichatpong Weerasethakul với các nhân vật đi vào rừng trong các bộ phim của ông. Đó là đạo diễn Thái Lan mà Phan Đăng Di rất yêu thích, người từng giành Cành cọ Vàng với Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives.
Cha và con và… sự thất bại của nam tính
Diễn viên Đỗ Thị Hải Yến, đạo diễn Phan Đăng Di, diễn viên Lê Công Hoàng tại buổi họp báo ở Berlin.

Trong Cha và con và..., một số nhân vật phụ được khắc họa dù chỉ bằng vài nét, lại gây ấn tượng mạnh mẽ và có phần lấn át tuyến nhân vật chính. Ông Sáu (Nguyễn Hà Phong đóng) - bố của Vũ, người cha luôn dõi theo con trai một cách thầm lặng, đầy ám ảnh với những dục vọng cố che giấu của chính ông. Hương (Nguyễn Thị Thanh Trúc đóng), cô gái trẻ mồ côi được ông Sáu nuôi và nhắm làm vợ cho con trai, với nét mặt và dáng người cam chịu, nỗi lo lắng sợ hãi, đau thương nửa kìm nén nửa chực bung ra. Bình Boong (Châu Thế Tâm đóng) - tay trùm xã hội đen có những sở thích khác người, ví dụ như đạp máy khâu may găng tay đấm bốc. Họ, cùng với hai mẹ con Kiều Trinh, Thanh Tú trong các vai phụ khác, làm nên một dàn diễn viên có thể nói là đáng mơ ước của bộ phim.

Chảy đi sông ơi!

Nếu như Cường đi thắt ống dẫn tinh và dắt mối để lấy tiền mua điện thoại di động lấy le bạn gái, thì Vũ chọn việc thắt ống dẫn tinh ở cuối phim như một hành động dứt khoát với bản dạng giới của mình. Cảnh Vũ trên bàn mổ, với góc máy chính diện từ trên cao, như một hình thức nghi lễ: Vũ lúc này được trang điểm kỹ với son môi và mắt kẻ đậm, cậu từ chối quyền tạo hóa ban cho về sinh sôi nòi giống, một cách chủ động và bình thản. Còn Thăng, dù đi cùng Vũ tới bệnh viện, đã viện cớ ra ngoài hút thuốc và một đi không trở lại. Nhóm bốn chàng trai giờ chỉ còn ba. Họ vẫn cười đùa cho dù cuộc sống ra sao và bản nhạc có não nề đến mấy. Ở một đoạn ghép dán khác của phim, ba đứa trẻ trai, có thể hiểu như một thế hệ tương lai của đàn ông, đã biết đổ lỗi cho nhau trong cuộc chơi chung vứt chiếc điện thoại xuống sông. Chúng sẽ lớn lên, và hẳn sẽ là một thế hệ thất bại khác của đàn ông, không còn trong vắt, không còn ngơ ngác. Trong một cảnh khác với một thế hệ kế tiếp nữa, đứa trẻ vừa được thành hình từ bùn đen, rồi đời nó sẽ ra sao?

Nam tính thất bại, hiển nhiên nữ tính lên ngôi. Ở Bi, đừng sợ, những cảnh nhậu nhẹt xoay quanh đàn ông, thì trong Cha và con và… nổi bật hình ảnh phụ nữ thoải mái uống đồ có cồn. Họ thậm chí uống bia ngay trong lúc tắm bùn, chứ không chỉ trên đường phố hay trên sàn nhảy. Trong phim đầu tay của Di, nhân vật người cha của Bi phải đi đến nơi thư giãn gội đầu của những cô gái. Ở phim thứ hai, nhân vật Bình Boong chất chứa nhiều nữ tính ngồi chờ "đồ chơi" Thăng - kẻ vẫn tự thể hiện mình là tay đàn ông thứ thiệt - tự dẫn xác đến. Điểm chung trong hai phim của Phan Đăng Di chính là việc tôn vinh sức mạnh của tính nữ, bởi xét cho cùng, họ là người khơi dòng chảy của cuộc sống, một cách tự nhiên và tự tin. Giống như Vân tự tìm cách thoát được khỏi bồn tắm bùn một mình, cô an nhiên đi ra tìm vòi tắm, cái này không có nước thì bật cái kia, không một cử chỉ than phiền. Đơn giản sức mạnh nằm ở sự trôi đi ấy.

Nhờ vào tài dựng phim của Julie Béziau - người đã hợp tác cùng Di từ phim đầu tay và không xa lạ với các bộ phim nghệ thuật độc lập Việt Nam, Cha và con và… có được một nhịp riêng. Có những cảnh trung kéo dài vài phút gợi cảm giác buồn chán như phần chuyện phiếm của nhóm bốn chàng trai, khi lại nhanh mạnh với những cảnh cắt toàn trung cận xen kẽ liên tiếp khơi gợi sự hằn sâu tâm trí của ký ức sau một trường đoạn mang tính hành động nhất phim. Góc máy của Nguyễn K’Linh gây ấn tượng đặc biệt ở nhiều cảnh từ trên lưng chừng cao xuống, mang đến một góc nhìn của người ngoài cuộc, đậm tính thị dâm (voyeurism). Những cảnh quay ban đêm cũng được xử lý khéo léo về ánh sáng. Phần chỉnh màu kỹ càng của Yov Moor rất đồng điệu với tinh thần muốn truyền tải của đạo diễn và mang đến cho bộ phim đa dạng sắc thái lúc nhục dục, khi trong trẻo hay đầy siêu thực, bí ẩn.

Với bộ phim thứ hai này, Phan Đăng Di cho thấy anh đang trên đường tìm kiếm một thứ ngôn ngữ điện ảnh của riêng mình, một kiểu tự do không bị ràng buộc bởi công thức. Nếu bạn chấp nhận thả lỏng và trôi theo dòng chảy thế giới quan rắc rối nhiều nhánh của điện ảnh kiểu của Di, bạn sẽ thấy mình như được tắm trong một dòng sông tươi mát của thiên nhiên. Dòng sông ấy hẳn chứa đựng những cạm bẫy và khúc quanh làm bạn có thể bỏ cuộc. Dù thất bại hay thành công, việc tắm trên dòng sông ấy cũng đã là một phần máu thịt của bạn rồi.
 
Theo Marcus Mạnh Cường Vũ/Đẹp online

Đọc thêm các bài khác