Tiếc cho 'Dạ cổ hoài lang' ...

Đăng lúc: 10:12 pm, Ngày 27/03/2017

"Dạ cổ hoài lang" phiên bản điện ảnh có một thành công lớn nhất, ấy là lấy nước mắt của khán giả.

Hồi ức về một tượng đài
 
Kịch Dạ cổ hoài lang là một tượng đài của sân khấu xã hội hóa Sài Gòn. Ra mắt năm 1994, vở kịch của nghệ sĩ Thanh Hoàng đã tạo nên một cơn sốt chưa từng có, cho đến nay vẫn chưa hề lặp lại. Vở diễn 3 suất mỗi ngày tại sân khấu 5B, nhưng khán giả Sài Gòn phải rồng rắn xếp hàng dài từ đầu Võ Văn Tần đến tận hồ Con Rùa để đặt mua trước cả tuần mới mong có một tấm vé đi xem.

Năm 1995, vở kịch ra Bắc. Những khán giả khó tính và mang nhiều định kiến về kịch Sài Gòn đã khóc rưng rức trong khán phòng. Chuyến lưu diễn dự định chỉ 1 - 2 ngày cuối cùng kéo dài thành hơn 10 suất diễn. Vài tháng sau, Dạ cổ hoài lang lại Bắc du một lần nữa. Lần này diễn cho các quan chức tầm Thứ trưởng, Bộ trưởng xem. Nhiều người đã lén lau nước mắt. Giai thoại còn kể, nghệ sĩ sân khấu gạo cội Đào Mộng Long xem xong Dạ cổ hoài lang đã thẫn thờ quên mất cả đường về nhà, cho đến khi lạc lên tận phía đầu công viên Thống Nhất mới giật mình nhận ra mình đi lạc.
 
23 năm qua đi, với rất nhiều thay đổi về diễn viên, đạo diễn và lớp lang sân khấu, Dạ cổ hoài lang vẫn bán chạy vé mỗi khi ra mắt ở Idecaf hay 5B Võ Văn Tần. Hơn 1000 suất diễn là con số mà một vở kịch Việt có thể tự hào không thua kém bất kì vở diễn kinh điển nào trên sân khấu Broadway lừng lẫy Hoa Kỳ. Con số ấy cũng là một động lực cho người làm sân khấu Sài Gòn tin vào hướng đi của họ suốt 20 năm qua, khiến họ vững vàng và không ngừng đổ sức sáng tạo ra những tác phẩm có khả năng cạnh tranh với đủ loại hình nghệ thuật giải trí hiện đại thời thượng thay vì uể oải kêu than trong những nhà hát bao cấp năm thì mười họa mới có phiên đỏ đèn ngoài Bắc.
Phiên bản đầu tiên của Dạ cổ hoài lang với Thành Lộc và Việt Anh.
 
Dạ cổ hoài lang được tạo ra bởi ai? Đầu tiên là Thanh Hoàng, khi ấy là "tác giả quần chúng" gửi tác phẩm dự thi về trại sáng tác toàn quốc. Năm 1993, Thanh Hoàng vô tình nghe được bản nhạc Dạ cổ hoài lang của nghệ sĩ Cao Văn Lầu. Quá xúc động, anh đã viết một vở kịch lấy cảm hứng từ bản nhạc giằng díu nhớ thương thấm đẫm hồn cốt người Nam bộ kia.

Vở đoạt giải Tư. Cũng vì đoạt giải Tư chứ không phải giải Nhất, Nhì nên đạo diễn trẻ Công Ninh, người vừa tu nghiệp ở nước ngoài về, mới nhận lời dựng vở. Cái lý của Công Ninh là: "Giải Nhất giải Nhì thì thường giáo điều khô cứng. Giải Tư thì được." Hai vai chính Tư Lành - Năm Triều được giao cho Thành Lộc và Việt Anh, lúc này tên tuổi đã có nhưng chưa nổi bật. Hai vai phụ được giao cho Hồng Vân - Quốc Thảo, lúc này còn là diễn viên trẻ. Không ai ngờ được, vở kịch của một tác giả quần chúng lần đầu có tác phẩm lên sân khấu chuyên nghiệp đã nhanh chóng đưa tên tuổi của toàn bộ ê-kíp trẻ thành những ngôi sao có chỗ đứng vững chắc trong làng sân khấu suốt hơn 20 năm qua.
 
Thú vị hơn nữa, cũng chính nhờ vở kịch mà bài Dạ cổ hoài lang được sáng tác từ năm 1918 và lưu truyền qua những gánh hát bỗng trở nên nổi tiếng, trở thành một "bản hit" của các phòng trà thập niên 90.
 
Sau này, nhiều chuyên gia phân tích rằng, thành công của Dạ cổ hoài lang khi ấy bên cạnh một kịch bản xuất sắc, cấu tứ chặt chẽ, tài năng diễn xuất điêu luyện… thì còn nhờ sự "hợp thời". Bức tranh xã hội Sài Gòn thập niên 80-90 trĩu nặng những nỗi niềm đi ở, ly hương. Một câu chuyện về nỗi nhớ quê nhà da diết cùng mâu thuẫn thế hệ giữa lớp người Việt già xa quê và lớp người Việt trẻ lớn lên trên đất Mỹ đã chạm tới nơi sâu kín nhất của hàng triệu gia đình. Nó như dung dịch oxy già làm xót giẫy vết thương bị chôn giấu lâu ngày rồi từ từ thấm vào rửa sạch những mảng bong tróc, xoa dịu, vuốt ve, ôm ấp. Khán giả khóc không chỉ vì cái tài đưa đẩy "mồi khóc" của Thành Lộc và Việt Anh. Mà còn vì mỗi người đều tìm thấy một phần tâm tư máu thịt của mình trong đó.
 
23 năm sau, Dạ cổ hoài lang phiên bản điện ảnh cũng do chính tay nghệ sĩ Thanh Hoàng chắp bút đã ra màn ảnh rộng. Cái hoàn cảnh xã hội tương thích năm nào đã không còn. Không còn một không gian lý tưởng làm bệ phóng. Không còn những mạch tâm tư chạm vào đâu cũng dễ mủi lòng. Song, khán giả vẫn khóc. Nước mắt vẫn chảy.
 
Chỉ có điều, nước mắt không phải là thước đo cho một tác phẩm điện ảnh
 
Không thể tránh được việc khán giả so sánh kịch Dạ cổ hoài lang với phim Dạ cổ hoài lang. Bởi người ta xem phim phần lớn là vì nó được chuyển thể từ một vở kịch đã quá nổi tiếng. Chứ không hẳn vì có Hoài Linh - Chí Tài hay vì Will của 365 band.
 
Người ta đã dành cho phim rất nhiều kì vọng. Với một vở kịch sử dụng thủ pháp ước lệ như Dạ cổ hoài lang, điện ảnh sẽ có nhiều đất để gẩy, để nẩy, để tung tẩy với ngôn ngữ của mình. Bối cảnh sẽ được khắc họa sống động hơn, kí ức thời hoa niên của hai ông già xa quê có thể được phô bày lộng lẫy hơn, nỗi cô đơn tận cùng của người già xa quê, nỗi khát khao được trở về nơi chôn rau cắt rốn, những xung đột thế hệ… sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều, thấm thía hơn rất nhiều khi được lột tả bằng ngôn ngữ của điện ảnh.
 
Nhưng ngoại trừ phần bối cảnh kì công được thực hiện ở nước ngoài cùng một chút kí ức tái hiện xém qua, người xem gần như hẫng hụt. Nước mắt vẫn rơi. Nhưng là rơi cho một vở kịch Dạ cổ hoài lang trên màn ảnh rộng.
Diễn xuất của Hoài Linh và Chí Tài mang quá nhiều bản năng sân khấu.
 
Như đạo diễn Nguyễn Quang Dũng giải thích, anh cũng là một fan hâm mộ của vở kịch nên chuyện khán giả thấy phim giống kịch là điều đương nhiên. Dĩ nhiên, bộ phim có thể hoàn toàn trung thành với nguyên tác từ vở kịch. Nhưng phim phải là phim và kịch phải là kịch. Phim không thể giống kịch dù chuyển thể từ kịch cũng như phim không thể giống tiểu thuyết dù chuyển thể từ tiểu thuyết. Bởi ngôn ngữ giữa các thể loại là khác nhau.
 
Việc đạo diễn "Dũng khùng" lựa chọn Hoài Linh và Chí Tài cho hai nhân vật ông già Việt kiều trên đất Mỹ thực ra là một mạo hiểm, và hiện tại có thể coi đó là sai lầm. Trừ phi, mục đích của "Dũng khùng" chỉ là "câu khách" bằng hai cái tên chưa bao giờ hết nóng.
Hoài Linh - Chí Tài được xem là át chủ bài của phim, nhưng có thực là sự lựa chọn đúng đắn của Nguyễn Quang Dũng.
 
Không ai có thể nghi ngờ tài năng của Hoài Linh và Chí Tài. Nhưng đó là trên sân khấu. Hoài Linh cũng đã từng rất thành công với vai Tư Lành ở sân khấu 5B. Tư Lành của Hoài Linh có thể kém Thành Lộc ở sự tiết chế, không cần quá cường điệu mà vẫn gẩy được những rung động của khán giả bứt ra từng sợi. Nhưng Tư Lành của Hoài Linh có những chi tiết hơn hẳn Thành Lộc ở những lớp diễn bi. Những nếp nhăn rúm ró trên mặt Hoài Linh có thể khiến người ta quên đi mọi vai diễn hài đình đám của anh chỉ để cảm thấu nỗi đau quặn thắt không thể gỡ ra, không thể cởi tỏa bức bối ngột ngạt, túng quẫn trong lòng. Hoài Linh có trải nghiệm tha hương, có nỗi đau ly hương, và anh làm người ta xúc động hơn cách Thành Lộc làm cũng là điều không khó lí giải. Nhưng nếu bê nguyên lối diễn ấy vào một bộ phim thì không còn là phim nữa.
 
Trong phim Dạ cổ hoài lang, Hoài Linh và Chí Tài, dù có tiết chế nhất định, vẫn không tránh được cái lối diễn của sân khấu đã ngấm sâu thành bản năng. Từ cách thoại nhấn nhá, chậm rãi, chắc nịch, từ cách đối đáp tung hứng dí dỏm chọc cười người xem, từ lối đi, lối nhìn, lối nói của nhân vật đều mang đặc trưng của hành động kịch, ngôn ngữ kịch, không phải ngôn ngữ của điện ảnh. Mà ngôn ngữ kịch, thì Thành Lộc đã làm quá xuất sắc rồi. Một vai diễn mà anh gắn bó hơn 20 năm trên sân khấu, vai diễn đã làm nên tên tuổi của một nghệ sĩ sân khấu hàng đầu Việt Nam, thì hoàn hảo đến từng chi tiết. Đó có thể là một bài mẫu cho các sinh viên ngành sân khấu trên giảng đường. Người xem không có nhu cầu bước vào rạp chiếu phim để xem một thứ ngôn ngữ hoàn hảo mà họ đã từng xem ở rạp diễn kịch.
 
Âm thanh trong phim cũng là một thất bại khi sử dụng hầu hết tiếng nhạc thay cho tiếng động để diễn tả tâm lý cô đơn của nhân vật. Cảm giác như mục đích chính của âm thanh trong phim là "mồi khóc" khán giả, nhất là ở hai phân cảnh: cảnh Tư Lành - Năm Triều hồi ức quá khứ hoa niên với mối tình với Út Trong và cảnh Tư Lành - Năm Triều trên sân thượng chờ tuyết tan để nhìn thấy con hẻm hình chữ S giống vóc dáng quê nhà. Âm nhạc thường xuyên lên tông, và giật trống để giục tuyến lệ người xem trào lên.

Việc sử dụng lạm phát âm nhạc khiến bối cảnh công phu ở nước ngoài trở nên thừa thãi. Người xem không nghe được tiếng gió rít lẫn trong tiếng động cơ của những chiếc xe vút qua lạnh lẽo khi Tư Lành ngồi chờ xe một mình bên đường; tiếng gió thổi bay tờ giấy ghi vài chữ tiếng Anh như một món bảo bối của Tư Lành nơi đất khách; tiếng hơi thở nặng nhọc của người già trong nỗi mong ngóng, nỗi buồn bực, nỗi nhớ thương; tiếng của không gian xa lạ, tiếng của tuyết rơi trong gió lạnh và có thể là tiếng phả rượu, tiếng rít thuốc, tiếng hát mộc khó nhọc cất lên khi hai ông già cô độc ngồi trên sân thượng giữa cái lạnh âm độ. Những tiếng động ấy lẽ ra nên có để người ta có thể chiêm ngưỡng một bức tranh lộng lẫy của tâm trạng đau đớn và cô đơn nơi đồng bào ly hương.
Hạn chế của âm thanh khiến người xem không cảm nhận được nỗi cô đơn cùng tận của nhân vật.
 
Có ý kiến rằng, bối cảnh của Dạ cổ hoài lang vốn rất khó để làm cho hay vì không gian bị bó hẹp trong nhà của con trai Tư Lành. Song, bối cảnh rộng hay hẹp chưa bao giờ là vấn đề của điện ảnh. Amour, bộ phim giành giải Cành cọ vàng 2012 có 98% bối cảnh là bên trong căn nhà của cặp vợ chồng già. Cũng Amour, đạo diễn sử dụng chủ yếu là tiếng động của hoạt động đời thường để diễn tả cái cuộc sống lẻ loi cô độc đến lặng người của hai cá thể gần đất xa trời. Từ tiếng vòi nước chảy, tiếng va chạm của dao và đĩa, tiếng cạch của chiếc xe lăn, tiếng thở của người già. Chỉ thế thôi mà làm người xem rung động đến từng tế bào cảm xúc. Nước mắt rơi mà không bị khều mồi.
 
Dạ cổ hoài lang cũng có những phân đoạn mở rộng bối cảnh, đó là phân đoạn hồi ức hoa niên của Tư Lành và Năm Triều. Góc quay đẹp, hình ảnh sông nước miền Nam đầy chất thơ, vẻ đẹp "không botox", "không S-line" của diễn viên Oanh Kiều trong vai Út Trong bừng lên như nắng mai. Những lát cắt kí ức giúp giải tỏa không gian bí bách của bốn bức tường lạnh lẽo. Song dụng ý của phân đoạn này lại lộ quá, giản đơn quá, không hỗ trợ một chút nào cho việc đưa đẩy thắt mở những xung đột mâu thuẫn chính của bộ phim.
 
Nếu có điểm sáng của Dạ cổ hoài lang phiên bản điện ảnh, thì đó là vẻ đẹp của Oanh Kiều và diễn xuất của nam diễn viên Việt Kiều Jonny Van Tran.
Vẻ đẹp không botox của Oanh Kiều khiến phân đoạn kí ức của phim trở nên bừng sáng.
 
Dĩ nhiên, đừng quá tin vào cảm xúc của những người bị thất vọng sau quá nhiều kì vọng. Hãy cứ xem Dạ cổ hoài lang nếu muốn thưởng thức một không gian thực chứ không phải không gian ước lệ với mấy cái bục trắng trên sân khấu và nhìn theo ánh mắt náo nức cánh tay rối rít chỉ trỏ của Thành Lộc để tưởng tượng ra cầu tre lắt lẻo vùng sông nước. Hoặc cứ xem nếu chỉ vì Hoài Linh, vì Chí Tài. Thậm chí cứ xem nếu chỉ vì Will của 365. Anh chàng này, gương mặt rất "xi-ne".
 
Pink/Theo Thời đại

Đọc thêm các bài khác