Nhiều sân khấu kịch Sài Gòn nguy cơ đóng cửa vì thua lỗ

Đăng lúc: 11:45 am, Ngày 20/09/2015

Lượng khách giảm gần 50%, trong khi chi phí đầu tư cho vở diễn tốn kém, tiền thuê mặt bằng tăng cao... khiến nhiều người làm nghề nản lòng.

Thường xuyên lui tới các sân khấu kịch thành phố giai đoạn 1998-2000, song những năm gần đây, cô Hoa - một người mê kịch ở Sài Gòn cho biết số lần đi xem chỉ đếm trên đầu ngón tay.

"Các vở diễn đã không còn hấp dẫn như trước. Mặt khác, kịch bản đầu tư bài bản dường như vắng bóng, thiếu sự tươi mới và yếu tố độc đáo nên các vở diễn không còn mang dấu ấn trong ký ức của tôi như thời kỳ trước”, cô Hoa nhận xét.

Ngoài yếu tố chất lượng chuyên môn, một trong những nguyên nhân khiến thị trường sân khấu kịch ngày càng khó khăn là do sự cạnh tranh quyết liệt bởi những địa điểm mới liên tiếp ra đời, trong khi bài toán kinh doanh hiệu quả lại không đạt. Bên cạnh những sân khấu đã có tên tuổi như kịch Idecaf, Hồng Vân, Hoàng Thái Thanh, Sài Gòn, 5B, Nụ cười mới, thì thời gian gần đây, thị trường giải trí còn có thêm kịch Tâm Ngọc, Sao Minh Béo, Nam Quang và gần chục điểm cà phê kịch.
Nhiều sân khấu kịch Sài Gòn nguy cơ đóng cửa vì thua lỗLượng khách tới sân khấu kịch đang giảm đi một nửa. Ảnh: LT.

Đạo diễn Ái Như, đồng sáng lập sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh (cùng với nghệ sĩ Thành Hội) cho biết chi phí đầu tư một điểm diễn là khá lớn, song từ khi thành lập đến nay Hoàng Thái Thanh luôn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt từ 2014, sau khi dịch chuyển sân khấu từ quận 3 sang quận 10, lượng khách đến rạp giảm gần 50%. “Đây là con số vô cùng áp lực vì dòng kịch mà chúng tôi theo đuổi khá kén khán giả. Trong khi đó, địa điểm mới không được thuận lợi như trước dù ban lãnh đạo nơi đây nhiệt tình giúp đỡ. Cho nên chúng tôi đang phải gồng gánh lỗ suốt nhiều năm”, đạo diễn Ái Như bộc bạch.

Theo vị này, để không bị lỗ (bỏ qua các chi phí khấu hao) thì một đêm sân khấu kịch phải bán được 150 vé. Thế nhưng, tại sân khấu của bà luôn phải bù lỗ vì mức vé bán được đa phần thấp hơn so với kế hoạch đề ra. Có những đêm chỉ bán được dưới 50 vé, sân khấu không thể diễn nên buộc phải hủy và xin lỗi khán giả.

Ngoài ra, nữ đạo diễn này cũng cho biết thêm, nếu trước đây tuổi thọ của các vở diễn tới vài năm thì nay chỉ mới diễn khoảng 5-6 suất là lượng khách tụt giảm mạnh, gần như tuần nào sân khấu cũng lỗ.

“Chi phí cho mỗi vở kịch trên trăm triệu đồng, nhưng số tiền thu lại rất thấp. Trước đó, chúng tôi đã từng cầu cứu từ cơ quan chức năng và tham gia họp nhiều lần nhưng vẫn không có gì thay đổi. Thời gian tới nếu không gồng gánh nổi nữa có lẽ chúng tôi sẽ đóng cửa sân khấu”, đạo diễn Ái Như bộc bạch.

Cũng chung cảnh khó khăn, mới đây, nghệ sĩ Hồng Vân, chủ sân khấu kịch Phú Nhuận một thời ăn nên làm ra đã phải thốt nên rằng nếu không đủ tiền trang trải, bà sẽ đóng cửa. Trong khi người xem ít hơn trước, tiền thuê rạp tăng quá cao, sân khấu thiếu hụt nghệ sĩ "đinh" vì bận nhiều việc như đóng phim, diễn hài, tham gia chương trình truyền hình thực tế... để có được thu nhập ổn định.

“Hiện tôi quản lý hai điểm diễn là sân khấu Phú Nhuận và kịch Superbowl, Tân Bình. Cả hai đều chịu tác động của tình hình chung. Tôi đang chuẩn bị thương thảo ký tiếp hợp đồng thuê sân khấu Phú Nhuận với đối tác. Nhưng nếu họ nâng giá thuê địa điểm lên cao quá, chắc tôi khó lòng duy trì nổi. Nếu không còn kham nổi thì chắc phải đóng cửa thôi chứ biết làm sao”, nghệ sĩ Hồng Vân bộc bạch.

Là sân khấu "sinh sau đẻ muộn", ông Vũ Kiên - Giám đốc sân khấu kịch Tâm Ngọc cũng cho biết đang gặp nhiều trắc trở, lượng khán giả đến sân khấu tụt giảm dần theo thời gian. Nếu trước đây ở thời kỳ hoàng kim, một vở kịch mới sẽ luôn cháy vé trong nhiều suất đầu tiên thì bây giờ chỉ còn một nửa.

Ông cũng cho biết thêm, hiện tại, trong làng kịch, khá nhiều mặt bằng sân khấu xuống cấp, điều kiện trang thiết bị kỹ thuật hạn chế, nhưng vì chi phí đầu tư cao mà nhiều năm nay các sân khấu luôn trong tình trạng bù lỗ, khiến việc đầu tư cải tạo rất khó khăn. Mặt khác, chi phí thuê lại các sân khấu có sẵn, rồi sau đó tiếp tục đầu tư thêm rất tốn kém có thể lên đến vài tỷ đồng. Còn nếu xây mới lại hoàn toàn thì là một con số khổng lồ. Trong khi đó doanh thu của một vở diễn không đáng là bao nên rất khó để vực dậy mảng kinh doanh này.

Để thay đổi diện mạo làng kịch TP HCM, nhiều sân khấu đã phải phối hợp với nhà hát kịch Thành phố, nhưng sau vài tháng hoạt động phải bù lỗ liên tục. Thậm chí có sân khấu kịch dù dùng nhiều chiêu khuyến mãi giảm giá vé nhưng tình hình vẫn không biến chuyển. Một số sân khấu còn lại thì ế ẩm thường xuyên và có những suất diễn mà khán giả chưa đến 10 người.

Đạo diễn - Nhà biên kịch Huỳnh Anh Tuấn đánh giá, khán giả sân khấu kịch bây giờ dường như bị các loại hình khác "đánh chiếm". Bởi lẽ, từ những năm của thập niên 70 - 90, lúc đó hệ thống truyền hình chưa phát triển và chỉ có duy nhất một loại hình sân khấu nên họ tâm huyết với loại hình nghệ thuật này. Thế nhưng từ những năm 1990 -2000 trở đi, không chỉ truyền hình phát triển mà internet, rạp chiếu phim cũng nở rộ nên khán giả có nhiều lựa chọn hơn, còn những khách "ruột" của sân khấu thì dường như đã là U60 nên họ đến với sân khấu thưa dần.

"Thực tế, sân khấu đang vay mượn khán giả của truyền hình, phim. Điều này khiến cho các kịch bản của sân khấu ngày nay đa phần bị ảnh hưởng hay vay mượn ý tứ của phim Hong Kong, kinh dị nên 70% các vở kịch ăn khách hiện nay là kịch ma, kịch ăn liền", ông Tuấn nhận định.

Lý do thứ 2 khiến sân khấu kịch ngày càng khó khăn, theo ông Tuấn là do cơ quan quản lý thả nổi. Các đoàn kịch của Nhà nước được cấp kinh phí nhưng lại tạo ra những sản phẩm rời xa với nhu cầu của khán giả. Trong khi đó, các sân khấu kịch tư nhân luôn phải tự thân vận động mà không hề có sự kết nối hay hỗ trợ từ khu vực Nhà nước. Nhiều diễn viên sân khấu tiền cát sê chưa đầy 300.000 đồng mỗi đêm, nhưng vì yêu nghề nên họ vẫn diễn. Mặt khác, điều đáng lưu tâm là các sân khấu kịch tư nhân không ổn định về địa điểm diễn, hầu hết đều thuê mướn và có nguy cơ bị lấy lại.

"Trong khi đó, tại các nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc... họ được đầu tư với số tiền lớn, cơ sở vật chất đầy đủ với đa dạng các kiểu sân khấu. Diễn viên chỉ chú tâm cho vở diễn nên họ luôn có những vở kịch chất lượng. Còn Việt Nam đến giờ vẫn không có gì, sân khấu manh mún", ông Tuấn chia sẻ và đề nghị, để sân khấu sống và lưu giữ được nét đẹp của văn hóa Việt, Nhà nước phải phụ với tư nhân. Các vở diễn cần được trau chuốt và chịu đầu tư. Một năm chỉ cần đầu tư 3 vở có tầm thì dù giá vé có cao người xem vẫn luôn ủng hộ. 
 
Thi Hà/Theo VnExpress

Đọc thêm các bài khác