Với "Nỗi lòng người đi" (1954), một bài hát mang đậm phong cách tiền chiến nhưng đó chỉ cột mốc đầu mở ra một quãng đời âm nhạc đa dạng và đầy phong phú của ông.
1. Trong khoảng 10 năm, từ 1965 đến 1975, với những sáng tác top hit như: Vắng anh, Giấc ngủ cô đơn, Chuyện tình Lan và Điệp… ra đời cùng với nhiều nhạc phẩm khác của hãng đĩa Sóng Nhạc đã đưa Anh Bằng lên ngôi vị rất cao tại làng nhạc Sài Gòn. Ông sống phong lưu, tự lái xe Toyota mới nhất, tiền tác quyền rất cao, không có nhạc sĩ sáng tác nào có thể giàu bằng.
Thập niên 1960, Anh Bằng nổi như cồn với những bài hát top hit do những giọng ca thượng thặng trình bày. Bài đầu tiên là Vắng anh với tiếng hát Lệ Thanh. Ca khúc kế tiếp, Giấc ngủ cô đơn, được đón nhận nồng nhiệt qua tiếng hát Thanh Thúy. Tiếp nữa là Đôi bóng, rồi Lẻ bóng với tiếng hát Phương Dung.
Nhạc sĩ Anh Bằng.
Rồi từ đấy, những nhạc phẩm của Anh Bằng lại tiếp tục lên ngôi, mở lối cho cao trào phát thanh thương mại, như: Căn nhà ngoại ô, Hai mùa mưa… Và cho đến khi Chuyện tình Lan và Điệp 1, 2 và 3 ra đời thì đánh dấu thời kỳ cực thịnh của nhạc Anh Bằng, trong đó có những bài hát bán được đến 4 triệu bản, đưa những “cô Tấm” trở thành ngôi sao nổi tiếng như Thanh Tuyền, Phương Dung, Trang Mỹ Dung… Từ học sinh, thanh niên đến giới thợ thuyền… ai cũng yêu thích nhạc của ông và cũng dành dụm tiền bạc để mua nhạc giấy hay những đĩa nhạc mới nhất có sáng tác của Anh Bằng.
Cũng cần phải nói thêm, năm 1966, bộ ba Anh Bằng - Lê Dinh - Minh Kỳ, dù đã biết tiếng nhau từ trước và đã có những sáng tác riêng rẽ, nhưng bấy giờ mới thật sự gặp mặt, đã tạo nên một sự ảnh hưởng đáng kể cho làng nhạc lúc đó. Tuổi tác của họ xấp xỉ nhau, khuynh hướng sáng tác cũng gần giống nhau cho nên họ kết thân và quyết định thành lập nhóm Lê Minh Bằng.
Nhóm này chủ trương mở lớp dạy nhạc, sáng tác và làm cố vấn cho hãng đĩa Sóng Nhạc của ông bầu Nguyễn Tất Oanh. Họ sáng tác rất nhiều, dưới nhiều bút danh và tạo hẳn thành một thế lực đáng gờm lúc ấy.
Chuyện cũng kể lại rằng, cho dù là người rất giỏi và sống khép kín nhưng Anh Bằng cũng chẳng phải là “tay vừa”. Chẳng hạn như bài hát nổi tiếng Trở về cát bụi mà bao nhiêu thế hệ qua được yêu thích, ai cũng nghĩ bài này nghiêng về giáo lý nhà Phật nhưng thật sự những lời hát trong bài lại nhắm vào ông chủ hãng đĩa Sóng Nhạc lúc ấy, Nguyễn Tất Oanh, bởi những vướng mắc giữa ông và nhóm.
Trong bài có những câu như “Sống trên đời này, có đây rồi lại mất/Cuộc sống mong manh, nhắc ai đừng đổi trắng thay đen/Làm người sang giàu, đừng vì bạc tiền bỏ nghĩa anh em” giống như một lời nhắc nhở. Nhưng cuối cùng thì ông chủ cũng vẫn không nhận ra, còn bài hát trở thành một cú hit tuyệt vời qua tiếng hát của Elvis Phương khi đó.
2. Sau này, thời gian làm cho âm nhạc của Anh Bằng gần gũi, dung dị và đa diện hơn. Ông không có nhiều sáng tác mang tính chiều sâu ca từ như của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy hay Phạm Đình Chương… Những sáng tác của Anh Bằng thường hướng về giới bình dân vì ông muốn những nhạc phẩm của mình “phải đụng tới một khối lớn đa số quần chúng yêu thích” vì thế ông sẵn sàng “xóa bỏ một sáng tác khi nghĩ rằng sự ra đời ca khúc nào đó sẽ không chiếm được đa số quần chúng đón nhận”.
Không như nhiều nhạc sĩ cùng thời khác với ca từ mang nhiều phần trừu tượng, âm nhạc của Anh Bằng mang vóc dáng ngôn từ khá đơn giản, bình dị và thân quen nên dễ được phổ cập.
Âm nhạc của Anh Bằng không tạo thành hiện tượng, không có những đột phá nhưng ông luôn có một chỗ đứng đặc biệt bởi những nhạc phẩm ra đời là thành quả lao động không ngơi nghỉ, ông vẫn luôn miệt mài khai phá, tạo ra những cảm hứng cho mình và cả cho công chúng.
Ngôn ngữ âm nhạc của ông có tính lãng mạn nhưng không đậm nét của thời kỳ tiền chiến. Ngôn ngữ ấy đồng điệu với lớp công chúng bình dân, là những chia sẻ khó khăn trong cuộc sống, thời cuộc… Ông diễn tả được sự rung cảm này một cách tài tình và trung thực qua dòng nhạc của ông với cấu trúc như một câu chuyện nhỏ nên dễ dàng lôi cuốn người nghe mọi giới.
Bản chép tay bài Anh còn nợ em của nhạc sĩ Anh Bằng, phổ thơ của Phạm Thành Tài.
Dù sáng tác khá đa dạng trong nhiều thể điệu, từ rumba đến chachacha, tango, rumba, bolero nhưng ca khúc nào của ông cũng có điểm chung ở chất điệu đầy đặn và dễ hát, dễ nhớ. Hát nhạc của ông là hát một câu chuyện, nghe nhạc ông là một câu chuyện với những ca từ rất dễ nhớ và dễ trở thành những câu slogan khó quên. Đến bây giờ nhiều câu hát của ông vẫn được thuộc nằm lòng, như “Người ơi, khi cố quên là khi lòng nhớ thêm” (bài
Sầu lẻ bóng).
Một dấu son trong gia tài âm nhạc Anh Bằng, chính là những ca khúc phổ thơ. Trong bài viết về cha mình, ông Trần An Thanh có kể lại rằng kể cả khi về già thì Anh Bằng vẫn chọn việc phổ nhạc cho thơ vì ông quan điểm “mình lớn tuổi rồi, viết những lời thơ tình tứ quá, lãng mạn quá, khó coi lắm”. Và đó là lí do vì sao đến những năm cuối đời nhạc sĩ Anh Bằng đã để lại thêm cho đời nhiều tình khúc rất hay như
Anh còn yêu em, Anh còn nợ em của nữ thi sĩ Phạm Thành Tài.
Trước đó, một loạt những nhạc phẩm nổi tiếng của Anh Bằng cũng có một sức sống lâu dài với đời sống cũng là qua những bài nhạc phổ thơ. Chẳng hạn như thơ của Du Tử Lê (bài
Khúc thụy du), Nguyễn Bính (
Bướm trắng), Hữu Loan (
Chuyện hoa sim), Yên Thao (
Chuyện giàn thiên lý), Hồ Dzếnh (
Anh cứ hẹn), Lưu Trọng Lư (
Ai bảo em là giai nhân)…
Tuyển tập những sáng tác của nhạc sĩ Anh Bằng.
N. Minh/Theo Thể thao & Văn hóa