Chính vì thiếu sự đoàn kết mà nhiều năm qua, sàn diễn cải lương theo mô hình xã hội hóa không sống được.
Cải lương không sống được trên chiếc nôi của mình là điều nghịch lý. Cải lương quốc doanh diễn theo chế độ bao cấp. Tư nhân gầy dựng sân khấu cải lương theo mô hình xã hội hóa nhưng không ít người “đánh trống bỏ dùi”, chất lượng chương trình ngày một kém khiến người mộ điệu quay lưng.
Bằng chứng là các chương trình tổng hợp theo dạng “Vầng trăng cổ nhạc” cứ vơi dần khán giả vì những tiết mục, trích đoạn quá cũ kỹ, nhàm chán. Chưa nhà đầu tư lớn nào nhảy vào khai thác chính là nguyên nhân khiến mô hình xã hội hóa dành cho sân khấu cải lương chưa thật sự khởi sắc.
Thiếu chiến lược
Trước năm 1975, Sài Gòn là đất sống của nghệ thuật cải lương với hàng chục đoàn hát và vài trăm nghệ sĩ biểu diễn. Dân Sài Gòn ghiền cải lương và đó là yếu tố quyết định sự thăng tiến của nhiều đại bang.
Sau năm 1975, cải lương quốc doanh hóa. Từ “cú hích” xã hội hóa của sân khấu kịch nói, phong trào sân khấu xã hội hóa nở rộ, sàn diễn cải lương cũng học tập theo. Thế nhưng, đến nay, sàn diễn cải lương vẫn chưa tìm được hướng đi. Hơn 10 CLB cải lương đã ra đời, đi vào hoạt động như CLB Cải lương Tinh Hoa của nghệ sĩ Tiểu Linh, Kim Thoa; CLB Hương Xưa, CLB Sân khấu thể nghiệm, CLB Ba thế hệ… nhưng đều chìm dần vào quên lãng.
NSND - đạo diễn Trần Ngọc Giàu cho rằng sàn diễn cải lương đi vào xã hội hóa đã không chuẩn bị chiến lược; việc lắp ghép nghệ sĩ vào CLB chỉ cho đủ mặt đào kép rồi tìm vở diễn, tìm rạp thuê biểu diễn vài suất, sau đó ngừng hoạt động. “Một dạo rộ lên các live show theo mô hình xã hội hóa cũng thiếu sự hoạch định mang tính khả thi để vực dậy sàn diễn cải lương. Cách làm manh mún, đơn lẻ không thể tiến xa và đó là nguyên nhân khiến các nhóm xã hội hóa rơi vào bế tắc” - ông nhận xét.
Chính vì thiếu chiến lược tổ chức biểu diễn nên nhóm xã hội hóa của nghệ sĩ Vũ Luân cũng rơi vào cảnh đìu hiu. Từ rạp Thủ Đô chuyển sang sân khấu Hoàn Vũ trong Công viên Lê Thị Riêng, nguồn kinh phí đầu tư hơn 1 tỉ đồng “bỏ sông bỏ biển”.
“Các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn không tìm thấy ở sân khấu cải lương khả năng hút khách nên chúng tôi rất khó xin tài trợ. Muốn có chiến lược thì phải có sự ràng buộc lâu dài với nghệ sĩ, đạo diễn, tác giả, trong khi lâu nay, nghệ sĩ cải lương vẫn thích được làm việc thời vụ, ngại hợp đồng, ngại dính líu lâu dài. Muốn có chiến lược tìm tài trợ thì phải có sự quy tụ nguồn lực, có kế hoạch ít nhất từ 3 đến 5 năm trụ hẳn ở một rạp. Đằng này, cứ làm theo kiểu “bắt cóc bỏ dĩa”, không đi tới đâu, tự bỏ tiền đầu tư rồi trắng tay” - NSƯT Vũ Luân cay đắng.
Theo đạo diễn Lê Nguyên Đạt, Giám đốc Sân khấu Sen Việt, để cải lương sống được với mô hình xã hội hóa, nghệ sĩ phải đoàn kết. “Hiện nay, ai cũng nói yêu nghề, sẵn sàng tham gia nhưng rồi một CLB ra đời, chỉ diễn vài suất, nghệ sĩ ngôi sao báo kẹt lịch đi diễn sô, phải ngưng việc bán vé cho suất diễn kế tiếp. Tôi rất nản lòng trong việc gầy dựng cải lương theo mô hình này” - đạo diễn Lê Nguyên Đạt thừa nhận.
Như vậy, bên cạnh việc thiếu chiến lược, sàn diễn cải lương khó sống được còn do thiếu sự đoàn kết. Trong khi đó, nếu không gắn liền với đời sống sàn diễn, cải lương cứ làm theo kiểu “có gì hát nấy” thì khán giả mộ điệu cảm thấy bị xem thường.
Vở hay + nghệ sĩ tài năng = khán giả đông
“Đồng tiền liền khúc ruột”, người bỏ vốn phải đau đáu tìm phương cách để tổ chức làm sao cho suất diễn thu hút đông khán giả. Khi quy tụ được lực lượng nghệ sĩ hùng hậu, ông bầu trẻ Gia Bảo, cháu cố của bà Bầu Thơ, đã làm liên tục nhiều suất diễn, tái dựng thành công Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa, Nửa đời hương phấn… kéo khán giả đến rạp.
“Sân khấu kịch nói xã hội hóa thành công một thời cho thấy các sàn diễn kịch trước đây quy tụ nhiều nghệ sĩ cùng bỏ vốn đầu tư, như kịch Phú Nhuận, đã liên tục ăn nên làm ra. Khi xây dựng một tiết mục để công diễn, nhà tổ chức phải biết gắn liền quyền lợi kinh tế của từng thành viên, từ tác giả, đạo diễn đến diễn viên. Một sân khấu từ giám đốc đến anh soát vé không ai bao cấp cho ai. Danh dự nghệ thuật, lòng tự trọng của nghệ sĩ và quyền lợi sát sườn, thiết thân là động lực sáng tạo, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của từng người. Mỗi người tự chịu trách nhiệm về mình, cùng chịu trách nhiệm về vở diễn - chất lượng sản phẩm mang tính đặc trưng, có ảnh hưởng trực tiếp, rộng lớn đến công chúng. Theo tôi, nghệ sĩ hiện nay rất muốn đầu tư theo mô hình này nhưng vì thiếu người cầm trịch nên chưa ai mạnh dạn hùn vốn, đầu tư” - danh hài Bảo Quốc nhìn nhận.
NSƯT Kim Tử Long và Trinh Trinh diễn trích đoạn Ngai vàng và nữ tướng trong chương trình Về lại cội nguồn.
NSƯT Kim Tử Long đã tổ chức thành công suất diễn đầu tiên của CLB Cải lương Về lại cội nguồn, thu hút đông người xem bởi công chúng lâu lắm mới được chiêm ngưỡng những trích đoạn hay: Bao Công vô lò gạch, Đào Tam Xuân, Ngai vàng và tội ác, Máu nhuộm sân chùa…. Theo NSƯT Kim Tử Long, xã hội hóa là “tia sáng cuối đường hầm”, là phương pháp “tự cứu” hữu hiệu cho sân khấu cải lương trở lại chính mình.
“Vậy giải pháp nào cho công cuộc đổi mới này? Theo tôi, chính là phương thức nghệ sĩ tự bỏ vốn đầu tư, cùng hùn nhau để gầy dựng. Tôi đang đi theo mô hình này và nhận được sự chia sẻ của nhiều nghệ sĩ còn tâm huyết với nghệ thuật. Trước mắt, mỗi tháng diễn một suất, chúng tôi cố gắng sáng đèn, tìm tiết mục, vở diễn thật hay, quy tụ nhiều ngôi sao của 3 thế hệ để phục vụ khán giả. Ban đầu là kêu gọi các nhà tài trợ ủng hộ. Khi có được nguồn thu, nghệ sĩ tự hùn cát-sê của chính mình. Đồng thời, chúng tôi chọn phương cách mỗi người phụ trách từng mảng, người đầu tư cảnh, người đầu tư phục trang, người đầu tư dàn cổ nhạc. Năm 2016 là năm cải lương xã hội hóa phải cất cánh” - NSƯT Kim Tử Long kỳ vọng.
Sân khấu Vàng sẽ hồi sinh
Theo NSƯT Minh Vương, ông và NSND Lệ Thủy sẽ khôi phục thương hiệu Sân khấu Vàng biểu diễn tại rạp Công Nhân nhằm mục đích từ thiện. “Tuy nhiên, lần tái ngộ này cần phải có sự đồng cam cộng khổ của anh em nghệ sĩ. Cải lương xã hội hóa muốn sống khỏe phải có sự đoàn kết” - NSƯT Minh Vương nhận xét. NSND Lệ Thủy cho biết Vũ Linh, Thoại Mỹ và các nghệ sĩ hải ngoại sẽ tham gia Sân khấu Vàng để đưa sàn diễn cải lương này đi vào hoạt động trong năm 2016.
Thanh Hiệp/Theo Người lao động