Bolero có thêm người mê không có gì đáng phàn nàn, nhưng mọi thể loại âm nhạc đều được bolero hóa trong 'cơn sốt" như thời gian qua thì quả là đáng ngại.
Bốn HLV của chương trình Thần tượng bolero: Quang Dũng, Quang Linh, Cẩm Ly, Đan Trường mang đến nhiều câu chuyện thú vị lẫn những tranh cãi về bolero trong thời gian qua - Ảnh: Châu Quốc Hùng
Kể từ năm 1975 đến nay, chưa khi nào nhạc bolero lại rộn ràng, được nhà nhà, người người hát như hiện tại. Không chỉ album, chương trình ca nhạc mà nhiều chương trình truyền hình thực tế hiện nay cũng chọn bolero làm tiêu chí tranh tài với không ít kịch tính và tranh cãi.
Nổi bật trong số những chương trình có liên quan đến bolero trên sóng truyền hình hiện nay là Solo cùng bolero (THVL) và Thần tượng bolero (VTV).
Nếu Solo cùng bolero (đã hoàn tất mùa thứ hai) khá thuần bolero thì Thần tượng bolero (đang phát sóng tối thứ năm hằng tuần trên kênh VTV3) lại bị cho là “ăn theo bolero”, đang gặp không ít tranh cãi khi đã bước vào vòng chung kết.
Hồi sinh nhờ được...
cấp phép
Album, MV nhạc bolero chính là những bước đệm đầu tiên để bolero phủ sóng như hiện nay. Trong khoảng ba năm trở lại đây, lượng album bolero có mặt trên các kệ băng đĩa và phát hành trực tuyến (online) ngày càng nhiều.
Dù là ca sĩ trẻ hay gạo cội, chuyên trị dòng nhạc nào, hầu như cũng phải có một vài MV, đĩa đơn hay một album bolero, nhạc xưa để tiện bề chạy sô trong và ngoài nước.
Album, đĩa đơn phát hành ngày càng dày khi danh mục các ca khúc nhạc xưa, nhạc bolero được cấp phép trở lại ngày càng nhiều. Chỉ riêng năm 2015, có khoảng 100 ca khúc trước năm 1975 được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép phổ biến trở lại (danh sách này được công khai trên trang web của Cục Nghệ thuật biểu diễn).
Trong đó, có rất nhiều tình khúc bolero vang bóng một thời như: Vầng trán suy tư (Thanh Sơn), Khuya anh đi rồi (Châu Kỳ), Cầu tre kỷ niệm, Chuyến xe lam chiều (Vinh Sử), Đà Lạt xa nhau, Đừng nói yêu tôi (Anh Bằng), Nhớ (Trần Thiện Thanh), Một chuyến xe hoa (Minh Kỳ - Dạ Ly Vũ)...
Sự việc có vẻ “nóng” hơn khi các ca sĩ luôn khoe chuyện vừa xin được một ca khúc nhạc xưa hay bolero cho vào album mới phát hành của mình như một chiến công hiển hách.
Và người “đầu têu” cho trò này chính là ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng khi lần đầu khoe đã xin được hát trở lại đến bảy ca khúc: Hồi tưởng, Hỡi người còn nhớ đến ta, Sương lạnh chiều đông, Chờ đông, Nếu đời không có anh, Đoạn cuối tình yêu và Bài tango tím của các tác giả Hoàng Thi Thơ, Trần Thiện Thanh, Lam Phương, Quốc Dũng, Văn Phụng... trong hai album nhạc xưa hồi tháng 8/2013.
Bolero được xuất hiện chính thức trên băng đĩa đã dẫn đến việc dễ dàng xuất hiện trên sân khấu lớn. Bởi vậy, dù hơi... bất thình lình nhưng không bất ngờ khi đến cả Mỹ Tâm - ngôi sao nhạc pop của Vbiz, từng cất công sang Hàn Quốc để làm một cuộc cách mạng cho nhạc trẻ VN - còn vui miệng hát bolero trên sân khấu nhà hát Hòa Bình (TP.HCM) trong live show kỷ niệm sinh nhật cô hôm 16/1 qua.
Chia sẻ về việc hát Sầu lẻ bóng và Chỉ hai đứa mình thôi nhé, Mỹ Tâm thổ lộ: “Đại gia đình 20 người toàn yêu cầu Tâm hát “nhạc sến” mỗi khi Tâm về quê ăn tết với cả nhà thôi”.
Bấy nhiêu cũng đủ để thấy sức sống bền bỉ và cả dữ dội của bolero trong lòng công chúng Việt và những thuận tiện (công chúng yêu thích, ca khúc được cấp phép nhiều hơn, ca sĩ ngôi sao hát nhiều hơn...) giúp nó sống lại mạnh mẽ trong thời gian qua.
Nhật Kim Anh là một trong những ca sĩ nhạc trẻ đang thử nghiệm cùng bolero và nhận được nhiều lời động viên khen ngợi trong sân chơi Hãy nghe tôi hát - Ảnh: Jet Studio
Thẳng tiến
trên truyền hình
Và các nhà sản xuất chương trình dĩ nhiên không thể đứng ngoài trào lưu này. Hàng loạt chương trình ca nhạc quen thuộc trên sóng truyền hình hiện nay như: Sol vàng, Tình khúc vượt thời gian, Thay lời muốn nói, Hãy nghe tôi hát, Hát vui - vui hát, Ngôi sao phương Nam... đều có xen lẫn ca khúc bolero.
Tình khúc vượt thời gian mỗi mùa còn có hẳn một kỳ chủ đề bolero rất được lòng khán giả. Trong khi đó, chương trình Sol vàng cũng trao rất nhiều “sóng” cho nhạc sĩ, ca sĩ của dòng bolero như: Vinh Sử, Thanh Sơn, Phương Dung, Giao Linh, Phi Nhung, Ngọc Sơn...
Không chỉ dừng lại ở những chương trình ca nhạc truyền hình, bolero thẳng tiến vào các cuộc thi truyền hình thực tế về ca hát. Những giọng ca như Hà Vân, Quang Đại (chuyên trị bolero)... vụt sáng trong format quốc tế Nhân tố bí ẩn (The X-Factor) khiến các nhà sản xuất mạnh dạn tổ chức riêng những sân chơi chỉ dành cho dòng nhạc này như: Solo cùng bolero hay Thần tượng bolero.
Ông Vũ Thành Vinh - tổng đạo diễn chương trình Solo cùng bolero - cho hay ông hoàn toàn bất ngờ trước sự đón nhận nhiệt thành của công chúng. 20.000 thí sinh đăng ký thi Solo cùng bolero mùa hai và 40.000 thí sinh đăng ký thi Thần tượng bolero mùa đầu tiên là những con số làm nên sự bất ngờ như đạo diễn Vũ Thành Vinh chia sẻ.
Lý giải về sự yêu thích này, đạo diễn Vinh nói: “Theo tôi, bolero gần gũi với đại đa số công chúng nhờ ca từ đơn giản, tự sự nhân tình thế thái với nỗi buồn man mác, thế nên giữa đời sống quá ồn ào, nghe một bài bolero dù buồn nhưng nỗi buồn như được chia sẻ. Nhờ đó mà bolero sống, trở lại rộn ràng và lên ngôi ở các chương trình lớn”.
Khi tham gia một chương trình thi hát nhạc xưa dành cho các giọng ca trẻ như Nhật Kim Anh, Dương Ngọc Thái, Quách Thành Danh, Ngọc Liên, Hà Vân, Chi Dân, “nhạn trắng Gò Công” Phương Dung tin tưởng: “Các giọng ca trẻ hát hay thì có thêm lớp khán giả trẻ nghe các bạn, bolero cũng từ đó thêm nhiều người mê”.
Tất tần tật thành... bolero
Bolero có thêm người mê không có gì đáng phàn nàn, nhưng mọi thể loại âm nhạc đều được bolero hóa thì quả là đáng ngại.
Mạng xã hội thời gian qua đang tranh cãi dữ dội về việc Thần tượng bolero có phải là bolero không khi các tiết mục dự thi có cả nhạc của Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Phạm Duy... cùng không ít ca khúc quen thuộc ở các dòng nhạc khác.
Không phải đợi đến khi đã đi được khoảng 1/3 chặng đường như hiện nay chương trình mới dấy lên những tranh cãi. Trước đó, khi ban tổ chức vừa công bố bốn huấn luyện viên của chương trình gồm: Quang Linh, Cẩm Ly, Quang Dũng, Đan Trường thì câu hỏi được đặt ra nhiều nhất là tại sao lại là bốn giọng ca này.
Cả bốn đều có kinh nghiệm ca hát dày dạn, đều là những ngôi sao hàng đầu của dòng nhạc họ chọn, đều có lượng khán giả hâm mộ lớn nhưng họ không phải là những danh ca bolero. Họ sẽ nói gì, huấn luyện gì cho một chương trình mang tên Thần tượng bolero?
Khi vào cuộc, những tranh cãi ngày càng tăng bởi người xem không những chưa hoàn toàn đồng ý với những nhận định từ dàn huấn luyện viên mà còn bởi danh mục ca khúc dự thi của các thí sinh thuộc rất nhiều thể loại, từ tân nhạc, tiền chiến cho đến trữ tình.
Đó là chưa kể cách hát của các thí sinh cũng bị “soi” là có đúng hay không đúng điệu bolero. Vì vậy, dù Thần tượng bolero rất chuẩn một chương trình giải trí nhờ mức độ tương tác với khán giả cao, thì chữ “bolero” lắm khi vẫn cứ như cái gai trong mắt khán giả khi tai họ không được nghe bolero chính hiệu.
Lý giải vấn đề này, nhạc sĩ Tô Thanh Tùng - nổi danh với các ca khúc bolero Giã từ, Xót xa, Sao nỡ đành quên, là một trong số những nhạc sĩ mời tham gia cố vấn chương trình Thần tượng bolero - bày tỏ: “Việc có những dòng nhạc, thể loại nhạc khác được đưa vô các chương trình bolero, tôi thấy nó hơi “chỏi”, “chỏi” chứ không dở. Mà việc này nếu tránh được thì cũng nên tránh để công chúng đừng hiểu sai về các thể loại âm nhạc, vốn đều đáng được trân trọng và phát triển đúng mực, theo đúng nhu cầu của công chúng. Còn bolero, nếu không quan tâm, chăm chút thì nó vẫn có đời sống riêng vì tính gần gũi của nó với đời sống của đại đa số người nghe miền Nam, dễ nghe, dễ nhớ, dễ thuộc. Còn được đầu tư với nhiều chương trình như hiện nay thì dĩ nhiên nó sẽ ngày một dào dạt hơn theo đúng tâm tư tình cảm của những người đương thời”.
Câu chuyện còn lại cuối cùng vẫn là chất lượng đầu tư của mỗi chương trình cụ thể, để xây dựng hình ảnh đúng về bolero trong mắt khán giả, thay vì bị chỉ trích oan uổng.
Quỳnh Nguyễn/Theo Tuổi Trẻ