Phim Việt 10 năm qua ngày càng bị Mỹ hóa

Đăng lúc: 8:05 am, Ngày 24/04/2016

Đạo diễn Lê Lâm, nhà làm phim Việt kiều Pháp - giám khảo giải thưởng Cánh Diều 2016 - đưa ra nhiều lập luận khẳng định phim trong nước ngày càng mang chất Hollywood.

Sau hai kỳ làm giám khảo ở Cánh Diều 2016 và Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội 2014, ông đánh giá thế nào về phim Việt những năm trở lại đây?
 
-Công nghệ và kỹ thuật làm phim Việt ngày càng tốt. Quay phim, hiệu ứng hình ảnh, xử lý màu hay hòa âm cập nhật không kém mặt bằng Đông Nam Á.
 
10 năm trở lại đây, phần đông phim Việt bị Mỹ hóa cả về nội dung lẫn thẩm mỹ hình ảnh. Các phim hài, hành động ra rạp Việt Nam gần đây là những tác phẩm sao chép giỏi và khôn khéo những phim Hollywood vốn chiếu trên truyền hình phương Tây vài thập kỷ qua. Chúng đẹp trau chuốt theo tiêu chuẩn thẩm mỹ quảng cáo trên các tạp chí thời trang, du lịch và tiêu dùng.
Phim Việt 10 năm qua ngày càng bị Mỹ hóaĐạo diễn Lê Lâm. 
 
Xu thế Hollywood hóa giúp thúc đẩy thị trường điện ảnh trong nước lớn mạnh. Kỹ nghệ làm phim và ngành công nghiệp điện ảnh ngày càng thu hút công chúng, các rạp chiếu được mở rộng và thói quen đến rạp cho khán giả được thiết lập.
 
Tuy nhiên, xu thế Mỹ hóa dễ tạo ra một thị trường điện ảnh toàn các sản phẩm tiêu dùng. Trong khi đó, điện ảnh không chỉ là sản phẩm thương mại mà còn là tác phẩm tinh hoa về thẩm mỹ hình ảnh, mang chiều sâu văn hóa và hồn cốt dân tộc. Khi phim được coi đem ra cạnh tranh thương mại, thẩm mỹ của phim trở thành thẩm mỹ tiêu dùng kiểu Mỹ - cần tiêu thụ nhanh và thu lợi nhuận càng cao càng tốt. Các tác phẩm giống nhau và thiếu hồn văn hóa.
 
Theo ông, điều gì tạo ra xu thế Mỹ hóa trong điện ảnh Việt?
 
-Việt Nam gia nhập WTO từ 2006 mà không có chính sách bảo vệ văn hóa phù hợp là một lý do. Theo hiệp định WTO, các quốc gia tự do trao đổi hàng hóa độc lập. Không chịu nhiều chính sách thuế quan, các sản phẩm văn hóa giải trí Mỹ tràn vào thị trường điện ảnh Việt Nam. Sau vài năm, rạp Việt bị thống trị bởi phim Hollywood. Khi phim Hollywood trở thành khẩu vị được ưa chuộng, giới làm phim trong nước yếu thế bắt buộc Mỹ hóa để hài lòng khán giả và thu lợi nhuận. 
 
Làn sóng các nhà làm phim Việt kiều từ Mỹ trở về nước làm phim cũng mang theo phong cách Hollywood vào nền điện ảnh. Họ thừa hưởng lối sống và các sản phẩm văn hóa Mỹ. Nhờ khéo tay và có nguồn ngân sách lớn, các phim của họ dần chiếm lĩnh sân chơi phim ảnh trong nước. 
 
Làm sao để giảm trừ những ảnh hưởng tiêu cực của xu thế Mỹ hóa như ông nói?
 
-Nhà nước cần quan tâm đúng đến điện ảnh. Ví dụ, ở Pháp (nơi tôi sống 50 năm nay), kể cả khi gia nhập WTO, Pháp đặt điều kiện rằng các tác phẩm văn học, điện ảnh, nghệ thuật không lệ thuộc vào hiệp định WTO. Họ coi sản phẩm văn hóa khác với sản phẩm tiêu dùng thông thường, là tinh hoa của trí tuệ văn hóa quốc gia. Khi không lệ thuộc vào WTO, nhà nước Pháp có quyền bảo vệ văn hóa quốc gia bằng cách áp đặt các định mức nặng về thuế quan hoặc các định mức khác với việc nhập khẩu phim Mỹ. Tiền thuế thu được từ phim Mỹ được đem ra hỗ trợ các dự án có tính nghệ thuật cao.
 
Trong khi các nhà sản xuất tư nhân quan tâm đến lợi nhuận là điều đương nhiên, nhà nước và Bộ Văn hóa cần có bổn phận hỗ trợ cho dòng phim nghệ thuật cao cấp vốn kén người xem. Pháp là mô hình cởi mở đáng học hỏi. Cơ cấu xã hội của họ được tổ chức sao cho trẻ em được hưởng thụ hết văn hóa cao cấp một cách rẻ nhất: từ bảo tàng, rạp phim, rạp kịch. Bên cạnh chiếu phim thương mại, các hệ thống rạp của họ đều chiếu phim kinh điển với giá rẻ. Họ dành rất nhiều tài chính tài trợ nhiều về văn hóa. Họ tài trợ ngay cả cho phim nước ngoài như Việt Nam xứng đáng. 

Trước xu thế hiện tại, nhà nước nên quan tâm ra sao để việc nâng cao văn hóa quốc gia hiệu quả hơn nữa?
 
-Trước nay, chính phủ hay đặt hàng các hãng phim bao cấp để làm phim chiến tranh, phim có yếu tố tuyên truyền nhưng chất lượng các phim này phần nào lạc hậu. Thậm chí có phim ngôn ngữ điện ảnh không hơn các phim làm từ những năm 1960, 1970.
 
Năm 2015, có một mô hình nhà nước và tư nhân hợp tác làm phim như dự án Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Về cơ bản, đây là dự án thương mại hiệu quả. Tuy nhiên, việc của các cơ quan văn hóa nhà nước không phải là thu lại lợi nhuận. Bởi đó là việc của các hãng tư nhân. Bộ Văn hóa và các cơ quan quản lý văn hóa nên nhìn nhận rõ hơn những dự án nghệ thuật cao cấp để chăm lo thêm nữa. 
 
Với ông, những nhà làm phim trong nước nào trước nay có tác phẩm là ví dụ chứa đựng văn hóa Việt và có tính nghệ thuật cao cấp?
 
-Có thể nói điện ảnh Việt Nam tới nay đã có hai thế hệ. Trong thế hệ thứ nhất - gồm các nhà làm phim trưởng thành từ cách mạng, Đặng Nhật Minh là tổng hợp tinh hoa. Các phim như Bao giờ cho đến tháng 10, Thương nhớ đồng quê, hay Mùa ổi cho thấy ông Minh am hiểu tâm lý phụ nữ Việt Nam. Trong phim của ông, các nhân vật nữ mang bản sắc phụ nữ Việt. Phim thừa hưởng được chất văn học của Anton Chekhov. Đồng thời, điện ảnh của ông Minh phản ánh được tính tình, tâm thức, phong tục của người Việt, cũng như tâm lý xã hội và dân tộc. Nhìn chung, phim tế nhị và thấm thía.
 
Sau anh Minh có dấu gạch nối Bùi Thạc Chuyên. Anh ấy thường kể câu chuyện hậu chiến. Trong khi đó, các đạo diễn trẻ hiện tại như Phan Đăng Di và Nguyễn Hoàng Điệp cắt đứt hẳn với quá khứ. Đây là thế hệ đạo diễn thứ hai ở Việt Nam. Họ đưa ra những góc nhìn khác về xã hội Việt Nam hiện nay. 
Phim Việt 10 năm qua ngày càng bị Mỹ hóaLê Lâm là đạo diễn Việt kiều Pháp. Sinh năm 1948 ở Hải Phòng, ông sang Pháp du học từ năm 1966. Trong cùng lúc học cử nhân Toán, ông học chuyên ngành Hội họa trước khi chuyển sang làm điện ảnh. 50 năm sống và làm phim ở Pháp, ông sáng tác nhiều phim về chủ đề Đông Dương gây tiếng vang tại các Liên hoan phim thế giới như Long Vân Khánh hội (1981), Đế chế tan vụn (1984),  20 đêm và một ngày mưa (2006)Công Bình, đêm dài Đông Dương (2013). Ông cũng là giáo sư dạy Biên kịch và Đạo diễn ở trường điện ảnh Idhec (La Fémis) của Pháp từ 1986.

Theo VnExpress

Đọc thêm các bài khác