Nguyễn Ngọc Tư 'cứu' sân khấu kịch ở Sài Gòn

Đăng lúc: 8:43 am, Ngày 21/06/2016

Các nhà chuyên môn cho rằng kịch chuyển thể từ văn học hiện đang rộ lên chỉ là xu thế tạm thời, sân khấu kịch nói cần những kịch bản đặc trưng, mang thông điệp thời đại.

Bên cạnh dòng “sản phẩm” nặng yếu tố giải trí như đề tài ma, kinh dị, đồng tính, hài... thì dòng kịch chuyển thể từ văn học vẫn chảy bền bỉ, thu hút lượng khán giả nhất định ở một vài sàn diễn. Đây được xem là giải pháp tối ưu cho sự tồn tại của những sàn diễn thiếu nguồn kịch bản nhưng cũng đặt ra thử thách không nhỏ khi bàn đến vấn đề “tuổi thọ”, doanh thu.
 
Vì sao chỉ truyện của Nguyễn Ngọc Tư?
 
Trời mưa tầm tả nhưng khán giả vẫn đến xem gần như kín rạp buổi công diễn vở Rau răm ở lại của Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh. Không phải đến để được khóc sụt sùi với số phận các nhân vật đậm chất bi thương mà khán giả đến để cảm nhận cuộc sống từ những trang viết của nhà văn miền sông nước Nguyễn Ngọc Tư trên sân khấu kịch nói như thế nào.
 
Trước đó, Sân khấu Hoàng Thái Thanh đã là địa chỉ quen thuộc của những vở diễn chuyển thể từ các tác phẩm văn học của Nguyễn Ngọc Tư như: Nửa đời ngơ ngác (Chiều vắng), Bao giờ sông cạn (Dòng nhớ); Sân khấu Thế Giới Trẻ thành công với tác phẩm Đời như ý; Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP.HCM với Cánh đồng bất tận; Sân khấu Kịch Thuần Việt với Chuyện của Điệp...
Cảnh trong vở diễn Nửa đời ngơ ngác - kịch bản chuyển thể từ truyện Chiều vắng của Nguyễn Ngọc Tư, sau 6 năm diễn vẫn còn ăn khách.
 
Đặt câu hỏi vì sao nhiều sàn diễn thích khai thác những tác phẩm văn học của nhà văn này, NSƯT Hạnh Thúy - người đã từng gặt hái thành công với vở Dòng nhớ - cho biết: “Man mác trong sách của chị là những hồi ức đẹp về miền quê Nam Bộ. Cốt cách nhân vật, tình huống cài đặt rất dễ tạo ra những đột phá trong mọi tuyến kịch nhằm đẩy trái tim người xem đến tận cùng những ngóc ngách cảm xúc. Chọn truyện của chị để chuyển thể kịch chính là thấy được hồn quê không thể tách biệt dù xã hội đang phát triển đến đâu”.
 
Qua thành công của vở Nửa đời ngơ ngác, sau 6 năm diễn vẫn còn thu hút khán giả đến với Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh, đạo diễn Ái Như cho rằng: “Kịch Nguyễn Ngọc Tư đang trở thành “món ngon” của người xem bởi đa số đều đọc truyện của chị rồi muốn thưởng thức kịch chuyển thể từ tác phẩm của chị để chiêm nghiệm, tưởng tượng lần thứ hai sau khi cảm nhận từ sách. Thú vị lắm, nếu người xem vỡ òa trong cảm nhận về sự khác biệt từ lúc đọc cho đến lúc xem. Vì vậy, khi kịch được dựng chạm tới trái tim khán giả - độc giả, vở diễn lập tức “hot” ngay, cuốn hút khán giả sành điệu quay lại. Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh đã chứng kiến nhiều khán giả xem vở diễn đến lần thứ ba vẫn chưa chán” - đạo diễn Ái Như nói.
 
Đạo diễn Minh Nguyệt, người từng tạo sốt với vở Cánh đồng bất tận, nói rằng: “Các tác phẩm văn học của Nguyễn Ngọc Tư vốn có sức nặng về nội dung, các nhân vật bảo đảm tốt cho một vở kịch có độ thẩm thấu trong lòng khán giả”.
 
“Dẫu có nói chuyện ở đâu, người xem vẫn thấy trong đó ngồn ngộn chất liệu liên quan đến đời sống đương đại, làm người xem thấy mình trong đó. Sách bước lên sàn diễn, cần chất liệu cô đọng nhưng không đóng kín mà mở rộng để có những cảm xúc chân thật nhất. Điều này, ở Nguyễn Ngọc Tư là một ưu thế” - đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc nói.
 
Phải mang hơi thở cuộc sống hôm nay
 
Thực tế, việc đưa các tác phẩm văn học lên sân khấu không phải bây giờ mới có, trước đây, nhiều sân khấu ở TP.HCM đã chọn khai thác dòng kịch này.
 
Nhìn lại những sàn diễn dựng kịch văn học, khán giả quen thuộc yêu thích dòng kịch này chiếm 2/3 khán phòng những suất đầu trong đợt công diễn. Sau đó, lượng khán giả tăng lên qua lời giới thiệu của bạn bè và tuổi thọ một số vở kịch thuộc dòng văn học đã lên đến gần 50 suất, “đó là điều đáng mừng” - NSND Hồng Vân khẳng định. Bởi theo kinh nghiệm của chị, Sân khấu Kịch Phú Nhuận khai thác dòng kịch văn học hiện thực phê phán cách đây 10 năm, với những vở: Số đỏ, Giông tố, Chí Phèo, Kỹ nghệ lấy Tây, Làm đĩ, Chị Dậu... Ban đầu dự định chỉ đưa vào học đường hoặc bán vé cho sinh viên, học sinh nhưng rồi sức hút từ khán giả vãng lai đã khiến sân khấu này quyết định xây dựng dòng kịch văn học thành thương hiệu của mình.
 
“Cái chính là sức hấp dẫn từ hình thức. Âm nhạc, cảnh trí và sức nóng của câu chuyện kịch mang thông điệp cuộc sống. Mảng miếng phải chắc gọn, phải biết cắt bỏ những tình huống tả cảnh, tả tình. Vì đọc khác với diễn, trí tưởng tượng không thể lệch chuẩn bởi khán giả đều biết rõ câu chuyện” - “bà bầu” Hồng Vân phân tích.
 
Ngoài truyện của Nguyễn Ngọc Tư, mùa hè này, nhiều sàn diễn dựng kịch bản chuyển thể từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh. Theo kế hoạch, CLB Kịch Tuổi Ngọc sẽ diễn định kỳ vào sáng thứ bảy, chủ nhật hằng tuần tại rạp Công Nhân vở kịch Thằng quỷ nhỏ. Đạo diễn NSƯT Lê Cường cho biết ngoài Thằng quỷ nhỏ, hiện anh đang dàn dựng vở Cô gái đến từ hôm qua Bong bóng lên trời.
 
Kịch chuyển thể văn học có là phao cứu sinh cho sân khấu đang đuối kịch bản? NSND Hồng Vân nói: “Theo tôi, sẽ dễ bị nhàm, nếu cứ xem kịch văn học là cứu cánh duy nhất. Để chắt lọc những tinh túy trong một tác phẩm văn học vốn đã quen thuộc với nhiều người không hẳn là chuyện đơn giản. Chuyển thể nhưng vẫn giữ được phần hồn của nguyên tác và gần gũi với khán giả, với không khí thời đại, đó là thử thách không hề đơn giản. Tôi lại khuyến khích các tác giả trẻ viết những kịch bản nói về cuộc sống nóng bỏng hôm nay bằng ngôn ngữ đậm chất văn học”.
 
Thanh Hiệp/Theo Người lao động

Đọc thêm các bài khác