Nghệ sĩ Hồng Đào cho rằng đời người trải qua nhiều giai đoạn, chặng đường khác nhau. Phía trước luôn là những đích đến mà mình không biết nhưng có thể chủ động lèo lái để đạt được điều mong muốn.
Trở về sau 20 năm rời xa sàn diễn trong nước, chị có phải làm lại từ đầu?
-Tôi nhận thấy mình có phần chậm so với nhiều đồng nghiệp nhưng nhờ đọc nhiều, xem nhiều và luôn quan tâm đến hoạt động văn hóa nghệ thuật nên rất nhạy trong tư duy nghệ thuật. Nghề của chúng tôi phải luôn đặt mình ở vị trí số 0 để vươn lên, nếu tự thỏa mãn, xem mình là đỉnh thì sẽ không tiến xa. Tôi đã phải giữ nghề trong gian nan!
Chị đã sống như thế nào trên đất Mỹ để giữ nghề diễn? Nghề may vá lúc còn ở Việt Nam có giúp gì cho chị trong những ngày đầu hòa nhập cuộc sống mới?
-Tôi phải làm đủ nghề chứ không thể chỉ sống được bằng nghề diễn viên. May mắn là tôi vẫn được sống với sàn diễn nghệ thuật, vẫn có những sô diễn, từng bước tạo tiền đề để tham gia sân khấu kịch nói. Làm kịch nói ở Mỹ khó trăm đường. Tôi và ông xã Quang Minh làm đủ các khâu, từ viết kịch bản, dàn dựng, diễn xuất cho đến quảng cáo, bán vé, thiết kế phục trang, chọn nhạc… Rất mừng, khi vở 100 ngày yêu ra mắt đã diễn được nhiều suất ở nhiều nơi và phát hành DVD. Để hòa nhập với cuộc sống mới là một quá trình lâu dài.
Có những lúc vì nhu cầu kiếm tiền để mưu sinh nên nghệ sĩ Việt trên đất Mỹ dễ thỏa hiệp với điều mà chính bản thân mình không muốn làm. Chị có thấy mình cũng từng như vậy không?
-Trên đất Mỹ, nghệ sĩ như chúng tôi rất khó sống đúng với đam mê của mình, được diễn kịch dài, nhân vật có số phận. Nhu cầu mưu sinh đôi khi không cho phép nghệ sĩ làm nghệ thuật như mình mong muốn. Để không bị biến chất, đánh mất phong thái nghệ sĩ, tôi phải đối diện với nhiều khó nhọc, từ chối nhận lời và diễn những gì mà mình cho là quá dễ dãi.
Ban đầu, khi diễn những tiểu phẩm hài cười vui nhẹ nhàng, tôi cảm thấy sốc nhưng rồi cũng qua khi nghĩ đến những khán giả phải lái xe 6 giờ đến xem, thậm chí có người đến từ nhiều tiểu bang khác nhau. Họ đến xem và tỏ ra hài lòng với những thông điệp nho nhỏ và trên hết là được cười tươi vui mà chúng tôi mang lại. Muốn làm nghệ thuật đúng nghĩa đòi hỏi nghệ sĩ như chúng tôi phải từng bước vượt qua khó khăn của cuộc sống trên đất khách, ấp ủ dưỡng nuôi những dự tính tốt đẹp cho tương lai. Vở Những mảnh tình và 100 ngày yêu đã ra đời trên đất Mỹ và đó là tâm huyết của chúng tôi.
Nghệ sĩ Hồng Đào. Ảnh: Thanh Hiệp
Chị là một trong những nghệ sĩ kịch nói thuộc thế hệ vàng, có một thời vàng son với những vai diễn ấn tượng trên Sân khấu Kịch 5B, nay là Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM, trong các vở như Đêm họa mi, Sợi dây đay, Ngôi nhà không có đàn ông, Giấc mộng kê vàng... Chị nhớ đến vai diễn nào nhất trong số đó?
-Tôi nhớ đến vai diễn chính trong vở kịch Đêm họa mi, đó là năm 1991 khi tôi mới vào Trường Nghệ thuật Sân khấu II - nay là Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM, học năm thứ nhất trung cấp diễn viên. Tôi đã được mời đóng vai chính và diễn cặp với nghệ sĩ Thành Lộc. Sau này xem lại, tôi đổ mồ hôi hột vì tự hỏi sao lúc đó mình dám diễn vai có sức nặng tâm lý như vậy. Có lẽ vì khát khao mạnh mẽ của một diễn viên trẻ mới vào nghề muốn vươn lên, bứt phá nên tôi liều lĩnh như thế. Những gì tôi có lúc đó chỉ là sự trẻ trung, tươi sáng và trên hết là sự ngây thơ, trong trắng của một cô gái.
Tôi thấy thế hệ chúng tôi may mắn hơn các bạn diễn viên trẻ hôm nay là có được nhiều thử thách từ những vai diễn nặng ký trong các vở chính kịch. Sàn diễn của thế hệ chúng tôi thời đó cũng không có nhiều sô để chạy, để toan tính thiệt hơn về cát-sê, danh vọng mà chỉ là đam mê đốt cháy khát vọng sáng tạo.
Nhìn lại quá khứ vàng son có khiến chị hối tiếc khi phải sớm rời xa nó?
-Mỗi người có một số phận mà mình phải tuân theo, có hối tiếc cũng chẳng ích gì. Ai cũng có một thời để nhớ! Thời gian trôi đi, quan trọng là điều gì đọng lại trong lòng mình.
Từ Sân khấu 5B - chiếc nôi của kịch thể nghiệm, thế hệ diễn viên chúng tôi lao vào khám phá, tìm tòi sáng tạo. Thời đó, chúng tôi chỉ uống trà đá để tập vở, chẳng màng đến cát-sê, vị trí tên mình gắn trên băng-rôn... Tôi biết ơn sàn diễn này khi còn là diễn viên trẻ, được vun đắp sáng tạo từ sự dìu dắt, dạy dỗ, chỉ bảo của nhiều nghệ sĩ bậc thầy. Nơi đây cho tôi hành trang quý để tiếp tục con đường nghệ thuật của mình khi sang Mỹ.
Quyết định quay về tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật trong nước, chị có nghĩ mình sẽ tạo hào quang mới?
-Trước hết, tôi quay về là vì sự thôi thúc của con tim yêu nghệ thuật. Hai con của tôi đã lớn, có thể tự chăm sóc bản thân nên vợ chồng tôi yên tâm xa chúng dài ngày. Muốn làm được điều gì hay không thì phải nhờ nhiều lực đẩy, đó là đồng nghiệp, nhà sản xuất, kịch tác gia, đạo diễn…, tất cả phải đồng cảm với mình mới có thể tạo nên thành công. Còn làm cho mình nổi tiếng mà đứng riêng lẻ thì khó lắm. Bản thân tôi cũng không thích làm điều nổi trội chỉ cho riêng mình. Bây giờ lớn rồi, phải có những suy nghĩ chín chắn trước khi đưa ra quyết định làm điều gì vì không còn thời gian sửa sai.
Vợ chồng nghệ sĩ Quang Minh - Hồng Đào.
Làm việc với thế hệ diễn viên trẻ trong nước hôm nay, chị nhận xét thế nào về họ so với thế hệ của chị thời đó?
-Các bạn diễn viên trẻ hôm nay hơn hẳn chúng tôi nhiều thứ, có ngoại ngữ, được trang bị nhiều kiến thức về văn hóa, nghệ thuật, có đầy đủ những trang thiết bị, công nghệ tiên tiến hỗ trợ. Họ nhanh chóng được khán giả cả nước biết đến chỉ qua một game show, một chương trình truyền hình thực tế hoặc chỉ với một clip tung lên mạng. Thế nhưng, tôi cảm nhận một điều là nền tảng của các em quá yếu, không giữ được độ bền bỉ.
Về Việt Nam lần này, chị mới xuất hiện trong nhiều chương trình game show, truyền hình thực tế. Bao giờ chị sẽ xuất hiện trên sân khấu kịch nói với những vở kịch đúng tâm nguyện của mình?
-Tôi và cô bạn thân Hồng Vân đã có nhiều dự tính cho việc dàn dựng các vở kịch, gom hết các “bà già” thế hệ của chúng tôi như: Thanh Thủy, Minh Trang… để cùng làm kịch. Nhưng không biết các “bà già” này có còn đủ độ “hot” thu hút khán giả đến sân khấu không. Tôi yêu sân khấu, sống chết với niềm đam mê này. Có khó nhọc vẫn bám lấy nghề để giữ lửa tình yêu đó. Chắc chắn tôi và ông xã sẽ diễn kịch với đồng nghiệp tại Việt Nam nhưng chưa đến thời điểm để công bố. Tuy nhiên, có một điều phải nói là tôi sẽ nỗ lực không ngừng để thực hiện các vở diễn, vai diễn hay nhằm tri ân tình cảm khán giả dành cho mình.
Hồng Đào - Quang Minh là cặp vợ chồng nghệ sĩ trải qua nhiều sóng gió nhưng vẫn neo đậu được ở bến bờ hạnh phúc. Để bảo vệ hạnh phúc gia đình nghệ sĩ, theo chị, có khó không khi cả hai cùng phấn đấu vì sự nghiệp của mình?
-Đã có lúc chúng tôi nghĩ sẽ không ở với nhau nữa, chán lắm rồi nhưng lại suy nghĩ trước đây, để đến được với nhau, chúng tôi phải vượt qua bao gian nan, khó nhọc đến khi nắm chắc trong tay sao lại khó vượt qua? Anh ấy sang Mỹ trước tôi. Sau khi anh ấy chia tay với cuộc hôn nhân đầu, chúng tôi mới đến với nhau. Hạnh phúc của một mái ấm gia đình nghệ sĩ, theo tôi, cũng bình thường như bao gia đình khác, có điều chúng tôi là nghệ sĩ nên sự nhạy cảm theo nhiều cấp độ khác nhau. Khi biết tiết chế điều đó, chúng tôi đã sống rất hạnh phúc. Vẫn có sự thú vị khi biết ghen, biết hờn giận nhưng khi đặt sự chăm sóc 2 cô con gái lên hàng đầu, chúng tôi đã nhanh chóng xóa đi những chán nản, giận hờn. Chúng tôi luôn dành đặc quyền cho con nên không ai phải chịu đựng ai cả.
Hai cô con gái Phương Vân (Vicky) và Minh Châu (Sophia) có trở thành hậu duệ của Quang Minh - Hồng Đào?
-Cháu lớn đã vào đại học, rời xa ba mẹ đến ở ký túc xá. Cháu yêu âm nhạc từ nhỏ, hát khá hay, nhảy múa cũng có khiếu nhưng chỉ là vui chơi, việc chính vẫn là học tập. Cháu nhỏ thì thích nghề dàn dựng và đã có thể làm những clip về ba mẹ. Tôi không nghĩ sẽ có hậu duệ vì tùy các con chọn nghề của bản thân. Tôi tin các con luôn quý trọng nghề nghiệp của ba mẹ. Con tôi đã có lần chỉ chiếc khánh vàng Giải Mai Vàng tôi nhận được và hỏi vì sao mẹ có được chiếc khánh này. Tôi đã kể cho con tôi nghe rất nhiều về những vinh dự mà tôi được nhận trong những năm đầu bước vào nghề. Thời gian đó thật vui và nhiều kỷ niệm. Con tôi cũng hiểu vì sao tôi qua Mỹ định cư với ông bà ngoại mà vẫn bám chặt lấy nghề diễn viên bởi đó không chỉ là sự sống mà còn là niềm đam mê bất tận của tôi.
Thanh Hiệp/Theo Người lao động