Phim Việt - một năm bước ra khu vực

Đăng lúc: 8:37 am, Ngày 15/08/2016

Liên hoan phim (LHP) quốc tế là cơ hội cho bất kỳ quốc gia nào muốn giới thiệu ngôn ngữ điện ảnh của mình. Bởi thế, việc có mặt của nhiều phim Việt tại một số LHP quốc tế năm qua có vẻ là tín hiệu đáng mừng.

Sự vắng bóng của Eternité - Vĩnh cửu (đạo diễn Trần Anh Hùng) tại ba LHP lớn Cannes, Venice và Toronto đã để lại ít nhiều xôn xao.
 
Thêm nữa, sau sự kiện Cha và con và... (đạo diễn Phan Đăng Di) có mặt ở vòng dự thi chính thức LHP Berlin 2015, trở thành phim quốc tịch VN đầu tiên có vinh dự này... thì có vẻ như đã hơn một năm qua đi, điện ảnh Việt khá im ắng.
 
Nhưng đó là sự im ắng ở đấu trường lớn, nơi các “đại gia” điện ảnh thường xuyên có mặt như Mỹ, Pháp, Anh, Nhật, Hàn. Ở các LHP khu vực như Osaka (Nhật), Bucheon (Hàn Quốc), Philippines, Luang Prabang... và không ít các LHP khác, phim Việt được gọi tên khá nhiều lần.
Một số phim Việt Nam gần đây có mặt tại các liên hoan phim quốc tế như Nước mắm, Cuộc đời của Yến - Ảnh: ĐPCC
 
Phim Việt đi liên hoan, giao lưu và có thưởng
 
Mới đây, tin phim Cuộc đời của Yến (đạo diễn Đinh Tuấn Vũ) đoạt giải thưởng lớn ở liên hoan lần thứ 9 “Phim công chiếu quốc tế lần đầu - Philippines 2016” do Hội đồng Điện ảnh Philippines tổ chức (diễn ra từ ngày 29-6 đến 11-7 tại Manila, Philippines) đã là tin vui về giải thưởng quốc tế mới nhất mà một phim Việt giành được trong khu vực.
 
Tại LHP này, điện ảnh VN và điện ảnh Nga được lựa chọn để là Tiêu điểm điện ảnh quốc gia. Nhiều phim tài liệu quảng bá du lịch VN đã được chiếu cùng với tám phim truyện là: Trúng số, Mỹ nhân, Những đứa con của làng, Nhà tiên tri, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy, Trên đỉnh bình yên và Nước 2030...
 
Không khó để nhận ra hoạt động này mang nặng tính ngoại giao và vì thế đa số các phim được chọn là phim... nhà nước. Nhưng có nhiều cách để đến với các LHP khác.
 
Và hiện tại, không khó để các LHP khu vực có thể tìm cách tự tiếp cận đến các nhà làm phim, mời phim của họ dự LHP mà không nhất thiết phải thông qua con đường nhà nước.
Phim Yêu với Chi Pu và Gil Lê.
 
LHP Bucheon (Hàn Quốc, diễn ra từ ngày 21 đến 31-7) mời đến bốn phim Việt gồm Siêu trộm, Em là bà nội của anh, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanhĐể Mai tính 2. Các phim này được chiếu trong khuôn khổ chương trình 
Best of Asia.
 
Trước đó, diễn ra từ ngày 4 đến 14-3 tại thành phố Osaka (Nhật Bản), LHP châu Á Osaka có một hạng mục đặc biệt thiết kế riêng cho sáu phim truyện VN gồm: Mỹ nhân kế, Siêu nhân X, Em là bà nội của anh, Đập cánh giữa không trung, Cha và con và..., Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Chương trình này nằm trong khuôn khổ sự kiện Vietnamese cinema bloom (Điện ảnh Việt khởi sắc).
 
Cũng tại LHP này, đạo diễn Phan Đăng Di còn được mời làm giám khảo của hạng mục dự thi phim quốc tế.
 
Trước đó, cuối năm 2015, LHP Luang Prabang (diễn ra tại Luang Prabang, Lào từ ngày 5 đến 9-12) đã chọn hai phim Việt là Chàng trai năm ấyĐập cánh giữa không trung là đại diện VN tham dự.
 
Năm nay, LHP Luang Prabang chọn Yêu của Việt Max và Em là bà nội của anh của Phan Gia Nhật Linh để chiếu cùng các phim Thái Lan, Lào, Campuchia...
Phim 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy - Ảnh: ĐPCC

LHP, tại sao là cơ hội?
 
Ông Gabriel Kuperman - giám đốc sáng lập LHP Luang Prabang - là một người Canada sống tại Lào. Là LHP nhỏ, nhưng LHP Luang Prabang được tổ chức ở thành phố được mệnh danh là bình yên nhất châu Á cũng là một điểm cộng đáng kể để các nhà làm phim “hăng hái” gửi phim đến.
 
Tuy nhiên, các phim được lựa chọn trình chiếu ở đây không chỉ là lựa chọn của ban tổ chức mà còn qua sàng lọc của Cục Điện ảnh Lào (cách thức khá giống với VN).
 
Ông Teruoka Sozo - giám đốc chương trình LHP quốc tế Osaka - thì dành cho VN một thiện cảm khá đặc biệt. Ông không tiếc lời ngợi khen rằng điện ảnh Việt đang thay đổi nhanh chóng và quyết liệt. Phim Việt chiếu ở Osaka được khán giả rất thích thú.
 
Thậm chí một số phim chiếu rạp Việt gần đây (Siêu nhân XMỹ nhân kế của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) còn được một nhà phát hành phim ở Nhật Bản mua bản quyền phân phối tại Nhật. Sau LHP Osaka, ông Teruoka Sozo còn tiếp tục liên hệ với nhà sản xuất để đem Em là bà nội của anh về chiếu thương mại tại Nhật.
 
Ước mơ về một tà áo dài trên thảm đỏ LHP quốc tế, nơi hàng trăm ngàn máy ảnh hướng vào, đã không còn là chuyện khó. Mong mỏi về việc được nghe tiếng Việt trên màn ảnh lớn của những rạp phim quốc tế đã không còn là điều xa xỉ.
 
Như đạo diễn Phan Đăng Di, người không chỉ đưa được phim của mình đến với các LHP quốc tế trên thế giới mà còn giới thiệu rất nhiều phim Việt khác, chia sẻ: “Giá trị lớn nhất của phim Việt khi đến với LHP ngoài biên giới VN là sự xuất hiện. Để cho bên ngoài biết có một nước VN, và người VN nói tiếng Việt, văn hóa - tiếng nói - chữ viết của người Việt không phải là Trung Quốc. Thế nên LHP quốc tế lớn hay nhỏ cũng nên xuất hiện. Để nhắc cho người ta thấy rằng điện ảnh Việt không chết, điện ảnh Việt tồn tại và điện ảnh Việt đang phát triển!”.
Diễn viên Việt Nam tham dự các liên hoan phim quốc tế.
 
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh 
(phim Chung cư của tôi, Nước mắm): Phim VN ở các LHP xuất hiện lác đác và nhỏ bé. Bạn bè quốc tế khi thấy phim VN thường tỏ ra rất ngạc nhiên. Tôi đã từng đi LHP quốc tế Berlin, Tokyo, London, Bucheon... Đi LHP không chỉ là một dịp để các nhà làm phim trình chiếu tác phẩm của mình với hi vọng được giải hay được các nhà phê bình viết bài đánh giá mà quan trọng hơn đó là dịp để tìm nhà phát hành cho các phim độc lập, phim nghệ thuật và tác giả.
 
Đó cũng là dịp để kết nối với các LHP, tìm đầu ra cho tác phẩm của mình, giới thiệu những dự án mới đến các nhà sản xuất và đầu tư. Và cũng không kém phần quan trọng đó là dịp đi xem phim của các nhà làm phim khác để cập nhật xu hướng của điện ảnh thế giới. Vì vậy LHP quốc tế chắc chắn là cơ hội nên tìm kiếm.
 
Đạo diễn Vũ Ngọc Phượng 
(phim 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy): Đi đến LHP quốc tế, ngoài việc được làm quen với những nhà làm phim quốc tế, học hỏi từ những tác phẩm điện ảnh đương đại, thì khoảnh khắc vui nhất của tôi là được quan sát những khán giả quốc tế khi họ xem phim của mình.
 
Thấy họ có thể cảm được câu chuyện, vượt qua ranh giới ngôn ngữ, tôi tự học được rất nhiều, nhất là nhận ra văn hóa hài VN và quốc tế rất khác nhau.
 
Những chuyến đi đó làm cho tôi mơ ước chúng ta sẽ sớm có thể đưa được điện ảnh VN đến với thế giới nhiều hơn nữa. Điều này chắc khó là nỗ lực nhỏ lẻ của mỗi cá nhân các nhà làm phim mà cần một bàn tay điều phối nhịp nhàng, nhất là phải khách quan và công bằng...

Cát Khuê/Theo Tuổi Trẻ

Đọc thêm các bài khác