NSƯT Thành Lộc nói nếu không day dứt, không trăn trở với cuộc sống mình đang sống thì chúng ta là những “xác sống” chứ không phải là con người làm chủ vận mệnh của xã hội.
NSƯT Thành Lộc không chỉ nổi tiếng là ngôi sao diễn xuất mà còn là một đạo diễn sân khấu kỳ tài. Đến nay, anh chỉ dựng 6 đến 7 vở nhưng vở nào anh dựng cũng gây được tiếng vang, trong đó 2 vở đều được Giải Mai Vàng. Hiện anh đang dồn tâm huyết cho vở nhạc kịch Kiều Nguyệt Nga. “Do bận quá nhiều sự kiện và chuyến lưu diễn ở Mỹ nên tôi chưa thể triển khai. Hiện nay, phần kịch bản và âm nhạc đã dần hoàn chỉnh. Tôi rất tâm huyết với tác phẩm này. Năm nay, Tết đến sớm, sau chuyến lưu diễn Mỹ, chúng tôi lại lo cho những vở Tết. Có thể phải bước sang năm 2017 mới dàn dựng vở nhạc kịch này” - NSƯT Thành Lộc cho biết.
Anh nhận định thế nào về tình hình hoạt động sân khấu hiện nay?
-Tôi nghĩ sân khấu không đi xuống mà chỉ đứng lại. Bởi vì sân khấu có vở diễn hay khán giả vẫn đi xem. Tuy nhiên, tìm một kịch bản hay có chất lượng tốt rất khó. Những tác giả tiền bối viết lời thoại rất hay, kỹ thuật biên kịch tốt nhưng tôi có cảm giác họ không dám đi vào những đề tài đương đại. Tác giả trẻ có khả năng viết đề tài đương đại thì hình thức thể hiện lại quá kém. Cho nên, nếu hai lực lượng này bổ sung cho nhau thì sẽ tốt hơn. Sân khấu Kịch IDECAF của chúng tôi đã nghĩ đến giải pháp đặt hàng; phải tìm tác giả để đặt hàng nhiều đề tài từ báo chí.
Nhưng vẫn khó tìm được vở diễn hay để người xem có thể trăn trở, đồng cảm. Nhiều người cho rằng nghệ sĩ sân khấu đang bị cuốn vào vòng xoáy truyền hình giải trí nên dẫu có kịch bản hay cũng khó có vở diễn hay. Anh có thấy vậy không?
-Đó là tình cảnh khó khăn của các sàn diễn kịch hôm nay. Đôi khi những vở rất ăn khách mà vẫn không thể diễn được vì diễn viên bận đi đóng phim, làm game show truyền hình. Ngày trước, tất cả diễn viên đều ưu tiên cho sân khấu, họ luôn nói trên báo, đài rằng: “Sân khấu là nơi cho chúng tôi lớn lên, trưởng thành, tạo dựng sự nghiệp, tên tuổi… chúng tôi phải quay về vì đó là cái nôi”… Họ nói hay lắm! Rồi một năm, hai năm, ba năm… điều đó nhạt dần, đến hôm nay sân khấu phải có nhiệm vụ “né” lịch quay phim, truyền hình của họ vì họ quá bận. Không trách được vì thù lao của sân khấu trả thấp hơn. Bây giờ, họ đi xe hơi, mua biệt thự, mua căn hộ, đồng lương ở sân khấu không đủ sức để trả góp những thứ ấy. Chúng tôi bị lép vế là sự thật. Cho nên, muốn dàn dựng vở mới đôi khi rất khó với chúng tôi. Tái diễn vở cũ còn khó hơn. Cũng may là còn khá nhiều nghệ sĩ trụ cột, vẫn bám trụ sàn diễn với ý thức cao. Họ sống có trách nhiệm, đồng cam cộng khổ để sàn diễn kịch sáng đèn.
NSƯT Thành Lộc trong vai vua Lê Thánh Tôn, vở Vua thánh triều Lê. Ảnh: Thanh Hiệp
Theo anh, các “ngôi sao” nổi lên từ một game show có thể bền bỉ với nghề?
-Thực tế cho thấy khoảng cách từ nhà trường đến sàn diễn lớn lắm. Tôi cho rằng game show chỉ là bước khởi đầu giúp các bạn trẻ có cơ hội để bước vào thế giới trình diễn chứ chưa phải là tất cả. Game show chỉ cho họ kinh nghiệm của 5, 10 phút trong một bài thi. Họ tỏa sáng trong thời lượng đó. Có bạn đoạt giải quán quân game show khi về diễn kịch dài ở chỗ chúng tôi thì lại đuối. Sao mà được chứ? Bởi vì vở kịch dài 2 đến 3 giờ, đòi hỏi quá trình thẩm thấu về mặt chuyên môn. Còn một tiểu phẩm chỉ là vài mảng miếng gây cười vui vui, thậm chí tôi nghĩ từ những lời tâng bốc của những vị giám khảo: “Bạn làm cho tôi nổi hết gai ốc!”; “Bạn quá tuyệt vời!”…, làm các bạn đó nghĩ là mình tuyệt vời thật.
Sân khấu kịch là nơi khán giả bỏ tiền mua vé, còn game show là nơi khán giả được mời đến xem, thậm chí được trả thù lao ngồi xem. Người đoạt giải một phần nhờ bạn bè bình chọn qua điện thoại, chưa nói đến sự sắp xếp phía sau hậu trường nên đó là hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Tôi chẳng hãnh diện gì khi nói học trò của tôi là những người đã từng là quán quân hay á quân trong các game show truyền hình. Sân khấu chúng tôi vẫn bổ sung đội ngũ bằng cách nhận các bạn tốt nghiệp từ Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM để đào tạo nâng cao trên sàn diễn.
Nhưng diễn viên từ nguồn đào tạo trường lớp hiện nay cũng có vấn đề. Anh có nhận thấy như vậy không?
-Trên thực tế, bằng cấp chỉ là giấy chứng nhận quá trình học tập theo giáo án mà sinh viên được lĩnh hội. Còn nghệ thuật trình diễn vô cùng lắm. Chính vì thế khi tôi làm việc với những em đã tốt nghiệp đại học, thấy độ chênh rất lớn. Nghề dạy nghề rất quan trọng. Cái thời của tôi học gian khổ lắm, phải ăn bo bo trộn cơm. Đến trường, các bạn gái cũng không được trang điểm như sinh viên bây giờ, mọi thứ đều rất mộc. Mọi người chỉ học với động cơ duy nhất là thành tài để trở thành người có ích cho xã hội chứ không phải có ích cho bản thân. Tại vì thời điểm đó có biết bao nhiêu người là thanh niên xung phong, có biết bao nhiêu người lên đường cầm súng bảo vệ biên cương Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và phía Bắc. Chúng tôi được đi học là để trở thành những nghệ sĩ của thời đại mới, cho nên học là một nhiệm vụ. Hồi xưa, chúng tôi không bao giờ nghĩ đi học để trở thành người nổi tiếng mà học là để được làm việc, được cống hiến tuổi thanh xuân cho công cuộc khôi phục đất nước nên động cơ rất mạnh mẽ.
Thời đại ngày nay đã khác, việc học để làm nghề một cách đúng nghĩa đã bị lệch chuẩn. Để điều chỉnh, theo anh phải bắt đầu từ đâu?
-Việc nỗ lực và xả thân trên sàn tập lớn lắm. Nếu có đổ công sức thì mình sẽ có nhiều kinh nghiệm cho bản thân. Tôi nghĩ ở thời đại nào cũng vậy, có thể thời đại tôi khó khăn, thời đại của các bạn trẻ đã được thuận lợi hơn nhưng mọi người làm nghệ thuật đều có thể ví như viên ngọc. Mà ngọc suy cho cùng chỉ là đá, phải biết mài giũa nó mới phát sáng. Để điều chỉnh có lẽ bắt đầu bằng chính ý thức mài giũa đó.
Anh đã mài giũa nghề diễn viên của mình như thế nào để có thể đương đầu với những vai khó?
-Có một câu trong nghề: “Quy tắc xuất phát từ bản thân”. Đó là phải đặt niềm tin rằng mình chính là nhân vật. Ví dụ, khi diễn vai vua Lê Thánh Tôn trong Vua thánh triều Lê, tôi phải nghĩ ông Lê Thánh Tôn là tôi. Bởi khi đó tôi đặt tư cách công dân của người nghệ sĩ ẩn đằng sau nhân vật. Tôi nhớ nhất cảnh Lê Thánh Tôn nói với một vị quan do NSƯT Hữu Châu đóng: “Theo ông, cái chết của Nguyễn Trãi có oan hay không? Oan không?”. Nhà vua dồn vị quan đó đến tình huống phải khóc òa lên thừa nhận là oan. Tôi muốn không phải Lê Thánh Tôn nhập vào Thành Lộc mà công dân Thành Lộc phải nhập vào vai vua Lê Thánh Tôn. Bởi vì khi đó, tôi đang chất vấn với một tâm thế là công dân Nguyễn Thành Lộc, trăn trở với bối cảnh xã hội mà tôi đang sống.
Trong cuộc đời, không có gì là hoàn hảo cả, cho nên chúng ta luôn bị day dứt với cuộc sống mà nếu như không day dứt, không trăn trở thì cuộc sống không vận hành được, xã hội không tiến bộ được, khi ấy chúng ta là những “xác sống” chứ không phải là con người làm chủ vận mệnh của xã hội mình đang sống.
Thanh Hiệp/Theo Người lao động