Làm điện ảnh không dễ, nhưng chưa bao giờ ở Việt Nam, những người trở thành đạo diễn lại nhiều như thế này.
Năm 2015 và 2016 lượng phim sản xuất trong nước tăng mạnh so với những năm trước đó, xấp xỉ 40 phim/năm, nên nhu cầu nhân lực đoàn làm phim tăng rất mạnh. Không chỉ vị trí đạo diễn, mà những vị trí sáng tạo quan trọng khác như giám đốc hình ảnh, nhà soạn nhạc phim... cũng vậy.
Khan hiếm nhân lực
Các hãng phim lớn thay nhau "thâm canh" những đạo diễn Việt kiều có khả năng làm phim thu về triệu đô như Victor Vũ, Charlie Nguyễn. Các dự án thuộc diện "bom tấn" tại Việt Nam phần lớn đều được trao cho hai đạo diễn nói trên. Đi kèm luôn là giám đốc hình ảnh K'Linh, nhà soạn nhạc Christopher Wong. Tên tuổi của những con người này gần như đóng dấu trên các bộ phim thuộc diện "bom tấn" ở Việt Nam, cho đến giờ vẫn khó có người thay thế họ.
Vì khan hiếm nhân lực nên năm 2016, nhiều nhà sản xuất đã phải tìm thêm đạo diễn từ nước ngoài về. Dự án Cô hầu gái do đạo diễn người Mỹ gốc Việt Derek Nguyễn thực hiện. Vệ sĩ Sài Gòn ngoài việc mời đạo diễn người Nhật Ken Ochiai còn "thửa" cảmột ê-kíp đa quốc tịch: Mỹ, Thụy Sĩ, Canada.
Diễn viên Ngô Thanh Vân giờ đã thành đạo diễn Ngô Thanh Vân.
Năm 2016, phim truyền hình phía Bắc sản xuất nhiều đến mức dư để phát sóng tới năm 2018, nên đạo diễn, diễn viên thành ra "dôi dư". Một số đã chuyển hướng sang sản xuất hoặc đạo diễn phim điện ảnh, như diễn viên Việt Anh năm nay lần đầu thử sức đạo diễn Vệ sĩ, Tiểu thư, Thằng khờ.
Còn lại có vô vàn lý do để người ta khởi nghiệp đạo diễn tại Việt Nam. Một số người vì đã có tiền, yêu thích làm phim, muốn có danh nên chuyển sang làm đạo diễn.
Do rất hiếm người có khả năng cáng đáng nguyên một bộ phim nên hiện nay nhiều người chọn cách làm phim kết hợp. Sau thành công của Gái già lắm chiêu hai đạo diễn Nam Cito và Bảo Nhân tiếp tục đồng đạo diễn Chạy đi rồi tính. Khi được hỏi vì sao vẫn chưa chịu tách nhau ra, Bảo Nhân đã chia sẻ rất thật lòng: "Là vì cả hai thấy chưa đủ lực. Nam mạnh về sản xuất, dựng phim, còn tôi thì làm đạo diễn hiện trường. Cả hai kết hợp sẽ vững tin hơn".
Có những bộ phim như Sài Gòn: Anh yêu em riêng chức danh đạo diễn, phó đạo diễn cỡ phải 6-7 người. Điều mà có lẽ chỉ xảy ra ở Việt Nam.
Nên cũng không khó hiểu khi phim chiếu rạp của Việt Nam năm 2016, ngoài những phim ổn, thì có rất nhiều phim không khác gì một sản phẩm chắp vá, khó có thể xác định thể loại, gọi là phim nhưng kết cấu rời rạc, chắp vá, tận dụng dăm ba món tấu hài hòng lấy tiền khán giả.
Ai biết làm phim?
Trong hai năm qua có một số đạo diễn trẻ làm phim đầu tay đem đến cho khán giả không khí tươi mới, nhiều hi vọng như: Phan Nhật Gia Linh (Em là bà nội của anh), Vũ Ngọc Phượng (12 chòm sao: Vẽ đường cho Yêu chạy), Văn Công Viễn (Cho em gần anh thêm chút nữa).
Hay những nghệ sĩ chuyển sang làm đạo diễn có phim đầu tay làm yên lòng người làm nghề như Nguyễn Quang Huy (Thần tượng, Chàng trai năm ấy), Dustin Nguyễn (Trúng số), Đức Thịnh (Ma dai, Taxi: Em tên gì?), Việt Max (Yêu, Sút).
Những diễn viên như Trương Ngọc Ánh, Mai Thu Huyền đều phải trở thành nhà sản xuất, đóng vai chính trong các phim mình bỏ tiền đầu tư. Vợ chồng diễn viên Thanh Thúy, Đức Thịnh giờ chuyển hẳn sang làm sản xuất và đạo diễn. Ngô Thanh Vân tái xuất trong vai trò đạo diễn, diễn viên phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể và rất thành công.
Diễn viên Khương Ngọc cũng đang tìm cách chuyển sang nghề đạo diễn. Ngay cả đến "ông vua phòng vé" Thái Hòa cũng đang tính chuyện chuyển dần sang làm đạo diễn.
Trong khi chờ một lứa đạo diễn trẻ, có nghề xuất hiện, có lẽ trong nhiều năm tới, thị trường điện ảnh Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục đón nhận thêm nhiều đạo diễn tay ngang.
Ngọc Diệp/Theo Thể thao & Văn hóa