Điểm danh phim Việt mùa Tết

Đăng lúc: 8:27 am, Ngày 04/01/2017

Đến thời điểm hiện tại đã có 4 phim Việt chiếu Tết “lộ diện”, trong đó có tới 3 phim của các gương mặt đạo diễn trẻ và mới.

Công bố tham gia cuộc chạy đua phim chiếu Tết Nguyên đán đầu tiên là Chạy đi rồi tính của bộ đôi Nam Cito và Bảo Nhân. Tuy nhiên thay vì ra rạp đúng mùng 1 Tết Nguyên đán, êkip sản xuất bất ngờ “đảo lịch”, đưa phim ra rạp từ ngày 30/12/2016.
 
Dù vậy, lịch chiếu phim dự kiến được cụm rạp của nhà phát hành BHD “kéo” tới Tết và nếu vậy, số lượng phim Việt chiếu Tết (tính đến lúc này) sẽ là 5 phim.
Phim Bạn gái tôi là sếp. Ảnh: ĐPCC
 
Không còn “một màu”
 
Có cách tính toán ngược với Chạy đi rồi tính là trường hợp của Bạn gái tôi là sếpVali tình yêu. Nhà phát hành Galaxy lùi Bạn gái tôi là sếp của đạo diễn Hàm Trần từ 30/12/2016 lên chiếu vào mùng 7 Tết, tức ngày 3/2/2017.
 
Sau Siêu trộm được đánh giá tích cực nhưng không ăn khách vào mùa Tết trước, năm nay bộ phim chiếu Tết tiếp nối này được giới thiệu là “hứa hẹn mang lại một cuộc chiến tình - tiền hài hước đón năm mới phù hợp với số đông công chúng”.
 
Trong khi đó dù đã lên kế hoạch “tấn công” thị trường Tết, nhưng đến nay nhà phát hành Lotte cũng bất ngờ đẩy Vali tình yêu ra khỏi lịch chiếu Tết, hướng đến dịp 8/3.
 
Tác phẩm có bối cảnh chính tại Đà Lạt, với câu chuyện xoay quanh các án mạng và hành trình kỳ lạ xoay quanh một chiếc vali bị bỏ quên là của hai nhân tố mới: đạo diễn Bùi Minh Hoàng và Lê Quang Thanh Tâm.
 
Mùa phim Tết năm nay các gương mặt vốn quen thuộc ở vai trò diễn viên tiếp tục “lấn sân” đạo diễn. Từng có Yêu là phải xài chiêu ở mùa Tết trước, năm nay Khương Ngọc tiếp tục góp mặt với dự án phim Rừng xanh kỳ lạ truyện do anh đảm nhiệm cương vị đạo diễn.
Phim Rừng xanh kỳ lạ truyện. Ảnh: ĐPCC
 
Lấy cảm hứng từ câu chuyện người rừng Hồ Văn Lang, bộ phim chứa nhiều yếu tố kỳ ảo đề cập đến hậu quả của tình trạng biến đổi môi trường. Theo Khương Ngọc, phần kỹ xảo được đầu tư khá mạnh trong phim này, chiếm khoảng 35% thời lượng.
 
Lần đầu đảm nhiệm vai trò đạo diễn, biên kịch kiêm sản xuất, diễn viên Hoàng Phúc mang đến bộ phim có kinh phí đầu tư khá cao (gần 12 tỉ đồng) là Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh kungfu. Tuy mang màu sắc cổ trang nhưng tác phẩm chiếu Tết này có câu chuyện gần gũi với người Việt.
 
Nhân vật chính trong phim là anh chàng Lục Vân Tiên lạc vào xã hội hiện đại và được ông giáo mù (phỏng theo hình ảnh cụ Đồ Chiểu) chỉ dạy đạo làm người, tinh thần nghĩa hiệp, luân thường đạo lý.
 
Ngoài các đạo diễn trẻ, phim Tết thứ tư là Nàng tiên có 5 nhà thuộc về đạo diễn Trần Ngọc Giàu - gương mặt quen của nhiều mùa phim Tết. Tên phim nghe như phiên bản tiếp theo của Nhà có 5 nàng tiên, tuy nhiên nội dung hoàn toàn không liên quan đến bộ phim từng khá thành công trước đó.
 
Đây là câu chuyện về cô gái Giáng Tiên từ quê lên phố, làm phục vụ trong nhà hàng và được nhiều đại gia săn đón.
 
Cạnh tranh “tay ba”
 
Sau nhiều xáo trộn, “đội hình” phim Việt chiếu Tết năm nay vẫn nhiều màu sắc, cho thấy các nhà phát hành vẫn coi đây là mùa phim lớn nhất trong năm. Tuy hài vẫn là gia vị chủ đạo, nhưng yếu tố thể loại đã phong phú hơn với tâm lý, hành động, kỳ ảo...
 
Đề tài được các đạo diễn lựa chọn cũng mở rộng hơn, đi từ chuyện lịch sử, các vấn đề hiện thực đến thế giới giả tưởng, viễn tưởng.
 
Một trong những nhân tố quan trọng nhất thu hút sự quan tâm của khán giả là diễn viên thì phim Tết năm nay đã có sự đổi khác, đó là không còn quá chú trọng đến “ngôi sao” hay những cái tên được cho là đang “hot”.
 
Ngoài Hoài Linh vẫn “đắt sô” phim Tết khi có mặt ở cả Nàng tiên có 5 nhàRừng xanh kỳ lạ truyện; có rất nhiều cái tên mới chưa bao giờ tham gia phim Tết đảm nhiệm các vai chính.
Phim Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh kungfu. Ảnh: ĐPCC
 
Ở phim Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh kungfu, ngoài gương mặt quen Thành Lộc, vai chính thuộc về Andy Long - diễn viên trở về từ Đức từng đảm nhiệm một số vai phụ trong phim hành động của Thành Long nhưng còn xa lạ với khán giả trong nước.
 
Với Bạn gái tôi là sếp, đảm nhiệm vai chính bên cạnh Miu Lê là gương mặt hoàn toàn mới Đỗ An (vốn được biết tới là chồng người mẫu Lê Thúy).
 
Còn nhớ mùa phim Tết 2016, phim Việt đã “thất thủ” ngay trên sân nhà trước sức nóng của những bộ phim ngoại nhập, khi đó quán quân phòng vé thuộc về Mỹ nhân ngư của Trung Quốc. Chính vì thế mùa Tết năm nay được coi như cuộc “tái thử lửa” của phim Việt, khi nhiều nhà làm phim trong nước vẫn coi kỳ nghỉ dài này là cơ hội tiếp cận thị trường.
 
Tuy nhiên, dù phim Tết từ hai năm gần đây không còn đơn điệu, một màu, nhưng xét về chất lượng chung vẫn thua nhiều bộ phim Việt khác không chọn ra mắt vào dịp Tết.
 
Chính vì còn cho ra đời những bộ phim dễ dãi mà phim Việt chiếu Tết vẫn chưa thoát ra khỏi mác “phim bánh mứt”, đến hẹn lại... ra rạp, khiến nhiều khán giả không khỏi e dè trong lựa chọn.
 
Trong khi đó, các đạo diễn lớn của Trung Quốc, Hong Kong như Thành Long, Châu Tinh Trì, Đường Quý Lễ... luôn chọn mùa Tết để “xuất chiêu”, tung ra các bộ phim đình đám và những phim này đều thường có mặt đồng thời tại Việt Nam.
 
Điều này đẩy phim Việt chiếu Tết vào thế cạnh tranh “tay ba”, vừa đối đầu vừa phải dòm trước ngó sau phim đến từ Hollywood và các nước châu Á.
 
Để thuyết phục khán giả Việt ngay trên sân nhà, không chỉ là chuyện quảng bá, xây dựng “chiêu trò”, mời ngôi sao; mà cần khắc phục điểm yếu lớn nhất của phim Việt là chất lượng kịch bản, kể cả trong mùa phim mà khán giả có vẻ “dễ tính” hơn như dịp Tết.
 
Danh Anh/Theo Tuổi Trẻ

Đọc thêm các bài khác