Phim Việt sống nhờ kịch bản ngoại

Đăng lúc: 9:52 pm, Ngày 03/03/2017

Sau loạt phim Việt ra rạp thất bại về doanh thu, các nhà làm phim đang săn tìm kịch bản nổi tiếng của Hàn Quốc, Thái Lan... để Việt hóa khiến nhiều người trong giới lo ngại.

Doanh thu cao từ những phim được Việt hóa kịch bản phim ăn khách của các nước trong khu vực - như: Yêu, Em là bà nội của anh hay mới đây là Bạn gái tôi là sếp - khiến việc săn tìm kịch bản phim ngoại ăn khách càng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, nhất là sau loạt phim làm từ kịch bản Việt không mang lại mức doanh thu như mong đợi trong năm qua.
 
Có lợi là làm
 
Đi sau phim truyền hình ở lĩnh vực Việt hóa kịch bản phim ngoại nhưng điện ảnh lại đạt được nhiều thành công hơn. Những phim làm lại trên màn ảnh rộng đã đạt doanh thu ấn tượng như Yêu từ The Love of Siam của Thái Lan, Em là bà nội của anh từ Miss Granny của Hàn Quốc, Bạn gái tôi là sếp từ ATM Er Rak Error của Thái Lan. Sắp tới, khán giả sẽ được thưởng thức Sắc đẹp ngàn cân làm lại từ 200 Pounds Beauty từng gây sốt ở Hàn Quốc và một số phim khác đang trong quá trình sản xuất.
 
Kịch bản phim ăn khách của các nước như Thái Lan, Hàn Quốc thường có nội dung chặt chẽ, độ hấp dẫn khán giả đã được minh chứng bằng doanh thu khi ra rạp nên thường mang đến sự an tâm cho nhà làm phim. Trong khi đó, kịch bản Việt thường không đạt doanh thu cao. Số phim thắng không bao nhiêu mà thua lại nhiều nên nhà làm phim phải suy tính thiệt hơn trước khi bỏ tiền đầu tư.
 
Nhiều người trong giới cho rằng việc các nhà làm phim đi tìm kịch bản ngoại, nhất là của Hàn Quốc, là hợp với xu thế hiện nay. “Hàn Quốc có nhiều kịch bản ăn khách ở điện ảnh lẫn truyền hình. Vì thế, các nhà làm phim Việt đã săn tìm kịch bản hay từ nước này cũng như một số nước châu Á có văn hóa tương đồng để Việt hóa. Sau khi mua bản quyền kịch bản, họ thuê biên kịch sửa đổi một số chi tiết cho phù hợp văn hóa ứng xử người Việt” - đạo diễn Nguyễn Phương Điền cho biết.
Một cảnh trong Bạn gái tôi là sếp, phim Việt hóa kịch bản phim ăn khách của Thái Lan, có doanh thu cao.
 
Theo ông Điền, biên kịch Việt cũng khá ổn nhưng chưa đủ tạo tin tưởng để nhà sản xuất đầu tư. Trong khi đó, nhà sản xuất phải cân đối giữa yếu tố an toàn và chi phí. Một kịch bản điện ảnh thuần Việt 90 phút có giá 200-300 triệu đồng, các biên kịch danh tiếng có thể ra giá 300-400 triệu đồng. Giá bán bản quyền của phim ngoại dùng để Việt hóa tùy theo từng nước, tùy mức độ ăn khách khác nhau mà có mức thỏa thuận khác nhau. Chẳng hạn, phim Bạn gái tôi là sếp bản quyền có thể dao động khoảng 100 triệu đồng và chi phí không nhiều cho biên kịch Việt hóa. Nhà sản xuất buộc phải tính toán, cân đo để chọn hướng đầu tư có lợi cho mình cũng dễ hiểu.
 
Biên kịch Châu Thổ cho biết khán giả xem phim ngày nay tập trung hơn vào yếu tố kịch bản. Thế nhưng, người biết viết kịch bản điện ảnh ở Việt Nam rất ít, đếm trên đầu ngón tay. Trước đây, khán giả dễ dãi, họ thích “hài nhảm”, diễn viên ngôi sao nên nhà sản xuất chọn kịch bản Việt vì đáp ứng được thị hiếu khán giả. Giờ đây, khán giả cần những câu chuyện mới lạ, kết cấu chặt chẽ. Một kịch bản Việt đáp ứng được điều này phải sửa nhiều lần, đôi lúc mất 1-2 năm, trong khi nhu cầu làm phim hiện rất lớn. Khi cung không đủ cầu, nhà sản xuất phải tìm hướng khác. “Thêm vào đó, kịch bản phim điện ảnh Việt giá khá đắt, tác phẩm tốt cũng khoảng 500-600 triệu đồng” - biên kịch Châu Thổ cho biết.
 
Biên kịch Việt sẽ “chết” dần?
 
Theo nhà sản xuất Lý Khải Nghiệp, kịch bản ngoại được săn tìm nhiều một phần cũng bởi thị hiếu khán giả. Có thể khán giả đã từng xem các phim ăn khách của Thái Lan, Hàn Quốc và yêu thích chúng nên khi có phiên bản Việt, họ muốn xem để so sánh.
 
Phim có sẵn một nguồn khán giả, kịch bản lại ổn, dù thắng thua còn phụ thuộc vào may mắn và nhiều điều khác nhưng nhà sản xuất vẫn tin tưởng đầu tư. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng trào lưu Việt hóa, chuyển thể bùng phát đã tác động nhiều mặt đến đội ngũ biên kịch Việt vốn chưa có thị trường chuyên nghiệp.
 
“Tôi thấy ảnh hưởng nhiều. Phim từ kịch bản nước ngoài làm “thui chột” khả năng sáng tạo của biên kịch Việt. Nó cũng làm suy giảm nét đẹp văn hóa Việt trên màn ảnh rộng. Biên kịch cố gắng để đưa văn hóa Việt vào khung kịch bản ngoại nhưng nỗ lực mấy cũng là giả tạo. Thêm vào đó, phim làm lại kịch bản nước ngoài thường bị ràng buộc phải giữ nội dung chính, không can thiệp, thay đổi nhiều đường dây kịch bản” - biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương so sánh.
 
Không ít người trong giới lo ngại trào lưu phim Việt hóa phát triển không phải là điều tốt vì phiên bản luôn đi sau phim gốc một vài năm. Điện ảnh còn có nghĩa vụ truyền tải văn hóa. Nếu văn hóa thuần Việt không được lan tỏa mà chỉ toàn văn hóa ngoại lai sẽ ảnh hưởng thế hệ trẻ.
 
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ tích cực, nhiều người cho rằng thị trường điện ảnh Việt đang phát triển, theo quy luật trào lưu nào cũng có lên, có xuống. Khi thấy dòng phim này được đón nhận, nhà đầu tư sẽ lao vào kinh doanh nhưng đến lúc khán giả bội thực thì họ sẽ chuyển hướng.
 
Nghệ sĩ Mai Thế Hiệp cho rằng trào lưu phim Việt hóa sẽ là chất kích thích, thúc đẩy biên kịch Việt thay đổi. Họ buộc phải tạo ra nhiều kịch bản hay, hấp dẫn nhà đầu tư cũng như dần dần tạo ra thị trường chuyên nghiệp thông qua quá trình cạnh tranh.
 
Không đào tạo biên kịch chuyên nghiệp
 
Lâu nay, thị trường kịch bản của biên kịch Việt chỉ có ở phim truyền hình. Ở lĩnh vực điện ảnh, ý tưởng kịch bản đa phần của đạo diễn và nhà sản xuất. Sau đó, họ mời một biên kịch chắc tay để cùng mình phát triển ý tưởng đó thành kịch bản hoàn chỉnh. Biên kịch Việt ít người có kịch bản thuyết phục, tạo được sự tin tưởng của nhà đầu tư. Điều này khiến thị trường phim Việt thiếu chuyên nghiệp ngay từ khâu kịch bản.
 
Điện ảnh Việt Nam đang trên đà phát triển nhưng đội ngũ làm phim thiếu hụt trong nhiều khâu, đặc biệt là biên kịch. Hầu như các trường chuyên nghiệp trong nước không đào tạo biên kịch từ nhiều năm nay. Vì thế, đội ngũ biên kịch điện ảnh chuyên nghiệp ngày càng teo tóp.

Minh Khuê/Theo Người lao động

Đọc thêm các bài khác