Nỗi buồn mang tên đìu hiu của sân khấu tuồng giữa thủ đô

Đăng lúc: 9:03 am, Ngày 22/09/2017

Năm người đến xem một buổi diễn, khách chủ yếu là theo tour du lịch chứ không mấy ai chủ động mua vé xem tuồng.

Trong ánh chiều chạng vạng, tiếng trống hội rộn rã phát đi từ rạp Hồng Hà (Hà Nội) làm huyên náo cả một góc phố. Ngoài cửa rạp hát, đoàn nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam mở đầu đêm diễn bằng màn múa lân sôi động, đón mời khán giả vào trong rạp. Xôm tụ là vậy, nhưng khi sân khấu lên đèn, dưới hai hàng ghế chỉ vẻn vẹn năm người xem. Trong đó, có ba du khách đến từ Ireland tình cờ đi ngang ghé vào thưởng thức nghệ thuật cổ truyền Việt Nam.
 
Rạp Hồng Hà - thuộc quyền quản lý của Nhà hát Tuồng Việt Nam - mở cửa đón khách như vậy vào mỗi tối thứ hai và thứ năm hàng tuần. Sân khấu chính của rạp với 339 ghế ngồi chỉ được sử dụng khi có chương trình nghệ thuật lớn. Còn ngày thường, sảnh của rạp hát được chọn làm nơi biểu diễn. Một nghệ sĩ trong đoàn cho biết họ đã quen với những buổi diễn ít người như vậy. Cũng có hôm khán giả lên đến 50 người, nhưng đó là khi đón tour du lịch.
Nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam múa lân đón khách.
 
NSND Hương Thơm - phó giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam - cho biết từ những năm 2000, rạp Hồng Hà bắt đầu chương trình quảng bá nghệ thuật kết hợp tour du lịch, nhằm đưa tuồng đến gần với khán giả hơn.
 
Từ năm 2016, nhà hát phối hợp ban quản lý phố cổ đưa tuồng vào chương trình giao lưu nghệ thuật miễn phí ở phố Mã Mây. Mới đây, Nhà hát Lớn Hà Nội đưa tuồng vào chương trình hàng tuần phục vụ khách trong và ngoài nước. Nghệ sĩ Hương Thơm cho biết ngoài khách du lịch, khán giả đến với tuồng thường là người cao tuổi và chỉ số ít người trẻ quan tâm đến nghệ thuật truyền thống.
 
“Thực tế không chỉ tuồng mà ở nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, rất ít khán giả tìm đến giá trị cổ xưa của cha ông. Điều đó khiến cho nghệ thuật truyền thống đang dần mai một”, nghệ sĩ Hương Thơm nói.
 
Đã không ít lần chị chạnh lòng vì có những bạn trẻ hiện nay không biết tuồng là gì. "Đi đến đâu người ta cũng bảo 'Úi giời ơi, tuồng này ai xem'”, Hương Thơm bộc bạch.
 
NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam - thừa nhận khán giả hiện nay, nhất là người trẻ, đang quay lưng với giá trị nghệ thuật truyền thống, trong đó có tuồng. Sân khấu tuồng không thể sáng đèn hàng đêm so với các loại hình giải trí hiện đại.
Ba khán giả nước ngoài xem tuồng ở rạp Hồng Hà.
 
Nghệ sĩ lý giải trong thời kỳ bùng nổ thị trường, nghệ thuật truyền thống rơi vào trạng thái đóng băng. Cách tiếp cận của loại hình truyền thống này có nhiều yếu tố không cập nhật được đời sống hiện nay. Đề tài của tuồng chủ yếu là quân quốc, ngợi ca đạo lý thời kỳ phong kiến – tư tưởng trung quân - và niêm luật của tuồng chặt chẽ, mang tính bác học nên người xem không còn cảm thấy hứng thú. Hơn thế nữa, ông cho biết đội ngũ sáng tác thiếu hụt vì trả công nhuận bút thấp, dẫn đến thiếu kịch bản mới mẻ phục vụ thị hiếu đương đại.
 
Nhắc về thời hoàng kim của loại hình nghệ thuật dân gian này, NSND Lê Tiến Thọ cho biết từ thế kỷ 19, tuồng đã trở thành quốc kịch, gắn với tên tuổi của các nhà văn hóa như Đào Tấn, Đào Duy Từ, Nguyễn Hiển Dĩnh…
 
Giai đoạn đỉnh cao thứ hai là từ những năm 1960 đến trước năm 1985. Trong thời kỳ đó, những gánh hát, đoàn hát, nhóm hát phát triển nở rộ khắp vùng miền trên cả nước, kéo theo đó là sự tổ chức quy củ, chuyên nghiệp của các đơn vị đào tạo như: Đoàn tuồng Bắc, Liên khu năm, Thanh Hóa. Bên cạnh đó, các nhà hát cũng được nhà nước đầu tư xây dựng ở Huế, Đà Nẵng, Bình Định, TP HCM... Khi ấy, đời sống văn hóa tinh thần của người dân bện chặt vào các loại hình văn hóa dân gian. Khán giả tìm đến sân khấu tuồng, thưởng thức các vở diễn như một thói quen trong nếp sinh hoạt.
Vở An Tư công chúa trên sân khấu Nhà hát Tuồng Việt Nam.
 
Các nghệ sĩ mong muốn di sản nghệ thuật dân tộc được quan tâm hơn. NSND Tiến Thọ cho biết nhà nước đã có chính sách phục hưng nghệ thuật truyền thống nhưng ít để ý tới quảng bá, giáo dục thẩm mỹ cho lớp trẻ. Theo ông, điều quan trọng nhất để giữ được hồn Việt đó là phải tạo ra nền tảng văn hóa dễ hiểu giúp thế hệ trẻ không còn thấy những giá trị cổ xưa là cũ kỹ, không giá trị.
 
“Trong tương lai, nhà nước cần phải đầu tư trọng điểm, cần cú hích lớn để nghệ thuật truyền thống đi vào đời sống. Phải có kênh truyền hình, đề án giới thiệu cho học sinh sinh viên. Phải có luật bảo vệ văn hóa, khi ấy chính quyền các cấp có trách nhiệm giữ gìn đầu tư nền tảng văn hóa, giá trị con người Việt Nam”, nghệ sĩ nói.
 
Hiện tại, các nghệ sĩ trong Nhà hát Tuồng Việt Nam vẫn duy trì công cuộc đưa nghệ thuật tuồng đến với từng trường học, địa phương trên cả nước. NSND Hương Thơm cho biết nhà nước hàng năm chỉ cấp kinh phí cho mười đêm diễn nên nhà hát tiết kiệm chi phí, tự bỏ tiền để diễn cho học sinh từ THCS trở lên. Đoàn còn nhận hợp đồng diễn ở vùng cao, tham gia festival trong và ngoài nước. Chị kỳ vọng thế hệ nghệ sĩ trẻ giúp nghệ thuật truyền thống cha ông khởi sắc trở lại.
 
Trọng Trường/Theo VnExpress

Đọc thêm các bài khác