Nhiều năm chống chọi bệnh tật, "Bà chúa sân khấu tuồng" vẫn trăn trở về sự mai một của nghệ thuật cổ truyền.
Gặp Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Đàm Liên tại tư gia của bà vào buổi sáng chớm thu. Bà ăn vận giản dị, với chiếc áo màu vàng điểm xuyết hoa. Ở tuổi 72 lại mắc bệnh suy thận hơn bốn năm qua, gương mặt bà có phần mệt mỏi, cử chỉ không còn nhanh nhẹn. Thế nhưng, thần thái của một nghệ sĩ tuồng vẫn toát ra từ đôi mắt tinh anh, từ giọng nói sang sảng.
Kể từ ngày chồng mất, suốt 25 năm qua, bà sống cùng con gái duy nhất và hai cháu trai trong ngôi nhà nằm sâu giữa ngõ nhỏ thuộc phố Chùa Hà, Cầu Giấy, Hà Nội. Ở vậy nuôi con, NSND Đàm Liên không đi bước nữa vì cái tình với người chồng quá cố. Nhắc đến kỷ niệm với “người đàn ông của cuộc đời”, đôi mắt bà rưng rưng. Khoảng thời gian sau khi ông mất, bà kể nhiều đêm không ngủ được vì nhớ.
“Hồi ấy, con gái đi lấy chồng không sống cùng, chỉ còn lại một mình tôi trong căn nhà. Tôi cảm thấy trống vắng vì mỗi khi đi diễn về sẽ không còn được ông ra cổng đón nữa”, nghệ sĩ thổ lộ. Sau này, con gái và các cháu bà chuyển về sống cùng, nhà mới bớt hiu quạnh.
NSND Đàm Liên.
Suốt bốn năm qua, có đôi lần sức khỏe của bà rơi vào tình trạng nguy hiểm vì căn bệnh suy thận. Đều đặn mỗi tuần ba lần, con gái đưa bà đến bệnh viện để truyền thuốc. Do ven khó lấy, các bác sĩ phải đặt một đoạn ống dẫn bên trong cánh tay trái của bà. Bà kể có nhiều đêm thức trắng vì phải đánh vật với cơn đau tay tê buốt. Thực đơn trong mỗi bữa ăn hàng ngày của bà bây giờ chiếm phần lớn là “món thuốc”. Cơm bà ăn rất ít và cơ thể luôn trong trạng thái khát nước.
Vắng bóng sân khấu đã hơn chục năm nay, sức khỏe yếu nên NSND Đàm Liên cũng chẳng mấy khi ra ngoài để hàn huyên, chuyện trò với những đồng niên. Bà bảo không vì thế mà chẳng có ai đến chơi với mình, trái lại, có nhiều hôm gian phòng khách của bà chật kín bạn bè, học trò, người hâm mộ tới thăm. Nghệ sĩ kể có lần sau khi bà trở về từ bệnh viện, nhiều đoàn khách nước ngoài tập trung trước nhà ngỏ ý muốn vào xem bà múa tuồng. Chiều lòng khách phương xa, bà diễn lại trích đoạn ngắn trong vở Hồ Nguyệt Cô hóa cáo. Và gian phòng khách đã trở thành sân khấu thứ hai của NSND Đàm Liên.
Phòng rộng chừng 20 mét vuông, treo những bức hình Đàm Liên trong gần 50 năm gắn với nghiệp sân khấu. Mỗi bức hình là một vai diễn. Đó là Đàm Liên biến hóa trong vở Ông già cõng vợ đi xem hội, một vị tướng bà quyền uy ngạo nghễ trong Trưng nữ vương cho đến cô Xúy Vân dại khờ điên loạn trong Xúy Vân giả dại.
Điều ngạc nhiên là không một tấm huy chương nào được bà trưng ra tại gian phòng ấy. Bà kiệm lời trong những câu hỏi về giải thưởng, bằng khen thi đua: “Ở độ tuổi này khi nhìn lại, cuộc đời tôi là cuộc đời của công chúng. Tôi đã được sống trọn vẹn với tình yêu lớn nhất của mình. Tôi có rất nhiều tấm huy chương nhưng tình cảm của khán giả còn vô giá hơn”.
NSND Đàm Liên vào vai Hồ Nguyệt Cô hoá cáo.
Cuộc trò chuyện nhiều lần phải dừng lại để NSND Đàm Liên lấy lại hơi. Biến chứng của căn bệnh khiến huyết áp của bà thường xuyên ở mức cao. Mỗi lần chuyển mình, bà chau mày xuýt xoa vì vài vết tiêm còn sưng tấy cồm cộm trên cánh tay.
Nhấp chén nước rồi hắng giọng, bà rôm rả nhớ về dấu ấn của những vai diễn đã thành danh trên sân khấu. Trong phút cao hứng, đôi tay thon nhỏ của NSND Đàm Liên lại nhịp nhàng vỗ nhẹ vào đùi giống như tạo nhịp phách khi hát tuồng. Đôi lông mày nhướn cao khi kể đến những vai diễn trong nghề.
Nói về vở Ông già cõng vợ đi xem hội, NSND bộc bạch: “Từ một kịch bản thô sơ, tôi là người đã phải thêm rất nhiều lời vào vai diễn. Hồi đó làm gì có vai mẫu mà diễn và không có một ai dạy tôi một động tác nào cả”. Khi tập diễn vở tuồng dân gian này, bà gặp rất nhiều khó khăn vì vai diễn đòi hỏi sự biến hóa linh hoạt: khi thì ở trong trạng thái của một ông lão 70 tuổi, khi lại hóa thân thành một cô gái tuổi 17 trẻ trung, lảnh lót.
NSND Đàm Liên trong vở Ông già cõng vợ đi xem hội.
Về những năm tháng sôi nổi trên sân khấu, bà Đàm Liên nhớ nhất chuyến lưu diễn tại Paris (Pháp) năm 1984. Mỗi lần xuất hiện trên sân khấu, bà đều đảm nhiệm liên tiếp hai vở diễn Ông già cõng vợ đi xem hội và Hồ Nguyệt Cô hóa cáo. Bà nhớ có đêm, chương trình chật kín khán giả quốc tế, họ đứng vỗ tay tán thưởng không ngừng. “Rất nhiều lần khán giả bật khóc trước cảnh ngộ của Hồ Nguyệt Cô. Mỗi lần Đàm Liên xuất hiện trên sân khấu, người xem tuồng không xem qua con mắt mà xem bằng cả trái tim”, bà chia sẻ.
Giữa phút trải lòng về nghề, giọng nghệ sĩ trầm xuống khi nhắc lại câu nghe từ miệng nhiều người: “Tuồng thì ai xem”. Bà buồn vì nhiều nghệ sĩ trẻ ngày nay diễn tuồng mà không hiểu hết về các tích truyện cổ. Bà phê bình lối diễn rập khuôn, không sáng tạo khiến cho vở diễn ngày càng nhàm chán. Bà kể từng lấy tên của Đào Tấn - ông tổ sân khấu tuồng - để làm phép thử với người trẻ. "Tôi nhận được câu trả lời: 'Đường Đào Tấn thì biết chứ chúng cháu chẳng biết Đào Tấn là ai cả' ", giọng bà bùi ngùi.
Trăn trở thế nên hiện tại, NSND Đàm Liên vẫn thi thoảng ghé Nhà hát Tuồng Việt Nam để lên lớp chỉ bảo, thị phạm những động tác, cách múa, truyền tinh thần tuồng cho lớp nghệ sĩ trẻ. Bà nói: “Tôi mong muốn thế hệ kế cận có tri thức sâu sắc về nghề mình đang theo đuổi, truyền đạt kinh nghiệm cho các em. Cốt lõi là để các em nắm chắc, hiểu biết đầy đủ tinh thần tuồng cổ, diễn phải ra chất của tuồng. Một đất nước văn minh phải có một nền văn hóa mang bản sắc dân tộc. Câu nói đó vẫn luôn gợi trong trí óc tôi phải giữ gìn và bảo vệ nghệ thuật nước nhà”.
NSND Đàm Liên cũng tự hào khi nhìn vào thế hệ bà đào tạo nay đã thành đạt như NSND Hương Thơm, NSND Minh Gái, NSND Xuân Quý hay NSƯT Kiều Oanh. Khi khoe thành tích học trò đã đạt được, giọng bà đầy phấn khởi và mắt lấp lánh niềm tự hào.
Trọng Trường/Theo VnExpress