Không ít ca từ trong sáng tác của một số nhạc sĩ trẻ, do ca sĩ trẻ thể hiện vướng tình trạng "cưỡng âm" gây lùng bùng, khó hiểu, thậm chí buồn cười cho người nghe.
Đa số những chữ bị cưỡng âm (viết đúng là dấu sắc hoặc ngã nhưng khi hát lên nghe thành dấu huyền hoặc nặng hay không dấu) lại rơi vào những từ dễ hiểu sai nghĩa, đôi khi ngược nghĩa.
Như bài hit Em gái mưa của Hương Tràm. Ngay những câu đầu tiên đã thấy “cưỡng”: “đành” mất hy vọng (lời hát là đánh mất hy vọng), lần “đâu” gặp nhau dưới mưa (lần đầu) , “tinh cám” dầm mưa (tình cảm dầm mưa...). Hoặc trong đoạn giữa, “trơi” đất như rung chuyển một người vỡ “mông” (lời hát là trời đất... vỡ mộng).
Bài hát Em gái mưa có nhiều "cưỡng âm".
Trong bài hit khác của Quán quân Vietnam Idol 2015 Trọng Hiếu - Một lần, nếu nghe nhạc mà không nhìn vào dòng chữ chạy tiếng Việt trong MV có lẽ sẽ khó đoán được ca sĩ đang hát gì. Lý do không phải chỉ vì Hiếu phát âm tiếng Việt chưa chuẩn lắm, mà còn bởi nhiều chữ bị cưỡng âm: cảm thấy âu lo nghe ra “cam thây âu lo”, ảo ảnh thành “ào ành”, dối gian thành “dôi gian”.
Trong những bài hit khác, dễ tìm thấy những chữ bị cưỡng âm như: anh chưa thể “ngù đươc” (anh chưa thể ngủ được trong Yêu em rất nhiều), thay “đôi bàn” thân (thay đổi bản thân trong Không thể yêu ai được nữa), “tàn biên” trong cõi mơ (tan biến trong cõi mơ ở Lạc trôi)...
Theo một số nhạc sĩ, sở dĩ hiện tượng cưỡng âm xuất hiện nhiều như hiện nay có thể vì vốn từ của người viết trẻ chưa phong phú, hoặc chỉ chạy theo giai điệu, chỉ tập trung viết phần nhạc cho thật hay, nhịp thật “đã”, ca từ chỉ là phụ, và đôi khi ca sĩ xử lý chưa tinh tế.
“Người nghe nếu khó tính, tôn trọng quan điểm gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt hẳn sẽ không hưởng ứng”, một nhạc sĩ (xin giấu tên) nhìn nhận.