Nhiều vở kịch kinh điển trong nước và thế giới đã được dựng lại, diễn lại trong vài năm gần đây như: "Hamlet", "Vòng phấn Kavkaz", "Hồn Trương Ba da hàng thịt", "Bệnh sĩ"...
Cơ hội nghề
Khi Vòng phấn Kavkaz được Nhà hát Tuổi Trẻ dựng lại bởi đạo diễn người Đức Dominik Guenthe, vở diễn đã rất đẹp với không gian ước lệ. Ở đó, chỉ cần nữ diễn viên làm động tác khỏa chân thì bục bệ đang là dinh thự đồ sộ bỗng chốc biến thành bến nước mênh mang. Một không gian sân khấu mang ảnh hưởng của sân khấu truyền thống Việt. Sân khấu đó, cách dàn dựng ấy cũng cho phép diễn viên có nhiều trải nghiệm hơn về cách thể hiện nhân vật, đặc biệt, khi những nhân vật đó rất khó bộc lộ tâm lý. “Chúng tôi học được nhiều khi làm việc với đạo diễn và kịch bản kinh điển này”, nghệ sĩ Như Lai chia sẻ.
Nhiều vở diễn kinh điển khác đã liên tiếp được dựng lại thời gian gần đây. Trong số đó, tác giả được dựng lại nhiều nhất là Lưu Quang Vũ với Bệnh sĩ, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Ai là thủ phạm..., bên cạnh những kịch bản nội khác như Nghêu sò ốc hến, Quẫn. Với kịch bản ngoại, ngoài Vòng phấn Kavkaz, có thể kể đến Hamlet, Romeo và Juliet, Lão hà tiện, Hồng lâu mộng.
Cảnh trong vở Vòng phấn Kavkaz của Nhà hát Tuổi Trẻ.
Với Hamlet hay Hồn Trương Ba da hàng thịt còn có các bản dựng khác nhau, bản của Nhà hát Tuổi Trẻ, bản của Nhà hát kịch VN. “Dựng kịch kinh điển không những để khẳng định thương hiệu của Nhà hát kịch VN mà chúng tôi còn muốn lực lượng diễn viên trẻ có cơ hội để trau dồi nghề nghiệp”, NSND Anh Tú, Phó giám đốc Nhà hát kịch VN nói.
Về việc chuốt nghề cho diễn viên qua các vở kinh điển, TS Cao Ngọc - người nhiều năm giảng dạy về sân khấu ở ĐH Sân khấu điện ảnh, cho biết: “Phải chuốt kỹ, vì các kịch kinh điển rất khó diễn, khó đi hết góc khuất của kịch bản. Các đạo diễn cũng muốn có đóng góp nên chọn những kịch bản kinh điển để bộc lộ khả năng cho mình và cả diễn viên”.
Dựng lại vở kinh điển cũng có thách thức khả năng đa dạng của nghệ sĩ. Chẳng hạn với Quẫn, diễn viên chính đã phải tự học nhảy suốt 2 tháng để có thể diễn thuần thục. Vai Lâm Đại Ngọc và Giả Bảo Ngọc trong Hồng lâu mộng lại chưa thể múa đôi đẹp nuột nà. “Diễn viên phải tự học chứ không thể đòi nhà trường dạy hết được. Họ phải học múa đương đại, luyện thanh để hát nữa”, đạo diễn sân khấu Trần Lực nói.
Cần gần gũi với người xem
Không chỉ khó dựng, khó diễn, kịch kinh điển cũng không phải dễ xem nên khá kén khán giả. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên (Viện Văn học) cho biết: “Tôi nhớ mãi lần nghệ sĩ Lê Khanh chia sẻ về việc vở diễn Vua Lia hay như thế, thâm thúy như thế mà bán vé không nổi. Nói chung khán giả đang ngại đi xem kịch. Vì thế, việc đưa kịch mục kinh điển, cả trong nước và nước ngoài vào là sự dũng cảm. Tôi khâm phục điều đó”, ông Nguyên nói.
Cảnh trong vở Hồng lâu mộng của Nhà hát Kịch Việt Nam.
Phần lớn các vở kinh điển của các nhà hát tham gia biểu diễn ở chương trình Những vở kịch còn mãi với thời gian ở Nhà hát Lớn Hà Nội được nhà nước hỗ trợ kinh phí, chẳng hạn miễn giảm tiền thuê sân khấu, hỗ trợ quảng bá... Mặc dù vậy, lượng vé bán được không cao. Có những khán giả cho biết chưa thực sự thẩm thấu các vấn đề mà vở kinh điển đưa ra.
Đạo diễn Trần Lực cho rằng khi dựng vở kinh điển, điều cần nhất là các đạo diễn phải xử lý sao cho kịch bản trở nên gần gũi với người xem. “Vở phải được dựng lại bằng cái nhìn của nghệ sĩ hiện đại, phải dựa trên tinh thần hiện đại. Trong đó, thủ pháp rất quan trọng. Với một vở cũ thì không thể dựng như cũ mà khán giả hiện đại thấy hay được. Dựng kịch William Shakespeare thì phải dựng sao cho đúng tinh thần kịch bản nhưng vẫn mang tính thời đại bây giờ”, ông Lực nói.
Giải mã kịch bản cũng là điểm yếu của nhiều vở diễn được dựng lại. Chẳng hạn, phiên bản Hồn Trương Ba da hàng thịt của Nhà hát Tuổi Trẻ đã không đúng tinh thần triết học “hồn nào xác nấy” của Lưu Quang Vũ. Thay vào đó, đạo diễn NSND Lan Hương để lão hàng thịt tự dưng biến thành người tốt một cách phi lý khi hồn cũ nhập xác cũ.
TS Cao Ngọc nêu ý kiến nên đẩy mạnh hơn nữa việc đưa vở diễn đến các trường học phục vụ đối tượng học sinh, sinh viên. Trong khi đó, theo ông Phạm Xuân Nguyên, cần có các quỹ hỗ trợ để xã hội hóa việc mang vở diễn kinh điển tới khán giả cho đỡ lãng phí công sức diễn viên, cũng như lan tỏa tinh hoa của vở diễn, để vở diễn đến được với khán giả tri âm.
Trinh Nguyễn/Theo Thanh Niên