Kịch Tết 2019 ở Sài Gòn phải 'liệu cơm gắp mắm'

Đăng lúc: 8:02 am, Ngày 15/01/2019

Mặc dù sân khấu kịch TP.HCM trải qua một năm đầy khó nhọc, nhưng dự kiến trong dịp Tết nguyên đán sắp tới sẽ có ít nhất 16 vở kịch mới phục vụ khán giả.

Nỗ lực trong khó khăn
 
Trên sàn tập, các nghệ sĩ tranh thủ làm công việc biên tập, tìm kiếm mảng miếng cho chính nhân vật của mình. Vẫn với cách làm của kịch phía Nam, cùng nhau mổ xẻ kịch bản, "đắp da thêm thịt" cho nhân vật với mục tiêu vở diễn phải kéo dài tuổi thọ đến hết tháng giêng âm lịch.
 
Hiện nay, nguồn kịch bản Tết vẫn khan hiếm đến mức một số sàn diễn quyết định tái dựng một số vở cũ ăn khách của năm 2018, nói theo lời ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của Sân khấu IDECAF: Năm nay vẫn "đỏ mắt" tìm kịch bản để diễn Tết!
 
Theo chia sẻ của một số nhà tổ chức, bên cạnh việc tập hợp diễn viên tập dượt cho vở Tết, việc chọn kịch bản là nỗi ám ảnh của các đơn vị sân khấu xã hội hóa. Vì Tết năm nay đến sớm trong sự cập rập của nhiều sô diễn từ truyền hình cho đến các sự kiện, một số sân khấu vẫn chưa gút được lịch diễn Tết.
Tấm Cám có mặt trong kịch mục Tết năm nay ở Sân khấu IDECAF.
 
Sân khấu IDECAF chọn được 2 vở diễn có thể ra mắt khán giả nhân dịp Tết nguyên đán, đó là Mơ giấc tình tình (tác giả, đạo diễn Lê Hoàng Giang) và Cái đẹp đè bẹp cái nết (đạo diễn Vũ Minh). Bên cạnh đó, năm nay theo yêu cầu của số đông khán giả, Sân khấu IDECAF sẽ tái diễn một số vở cũ còn ăn khách của năm 2018 như: Gươm lạc giữa rừng hoa, Tấm Cám, Ngôi nhà không có đàn ông
 
Vẫn đi theo con đường không còn tập trung vào chuyện cười cợt, chọn vở chính kịch để ra quân mùa Tết, Sân khấu Hoàng Thái Thanh sẽ công diễn vở Bên kia... Nửa đời ngơ ngác, do đạo diễn Ái Như dàn dựng, luân phiên biểu diễn cùng các vở cũ: Vườn nho đắng, Con ma nhà họ Hứa, Sài Gòn có một ngã tư, Giấc mộng vàng son… Vào mùng 10 tháng giêng, sân khấu này sẽ tổ chức chương trình kỷ niệm 9 năm thành lập.
 
Dù ông bầu Mạnh Tràng đã không còn nhưng Kịch Sài Gòn vẫn chuẩn bị kịch mục diễn Tết rất khả quan. NSND Hồng Vân cho biết hiện sân khấu đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm kịch bản diễn Tết nhưng cũng may là có đội ngũ tác giả nên triển khai nhiều vở có phần hấp dẫn hơn năm ngoái.
Hai nghệ sĩ Thanh Thủy và Minh Nhí cùng nỗ lực cho kịch Tết.
 
Nghệ sĩ Minh Nhí cho biết: "Tôi và Thanh Thủy nỗ lực hết mình lên kế hoạch diễn Tết nguyên đán của Sân khấu Kịch Minh Nhí với 2 vở Thị Hến còn đó một nỗi buồnThâm cung ... dễ sợ. Xen kẽ sẽ là các chương trình diễn chùm kịch ngắn, tiểu phẩm hài mừng Xuân, cốt yếu là hai chúng tôi sẽ làm điểm tựa cho dàn diễn viên trẻ".
 
"Liệu cơm gắp mắm"
 
Dạo quanh các sàn diễn chuẩn bị Tết để thấy trong tình hình doanh thu sàn diễn chưa vượt qua khó khăn, việc một số sân khấu kịch xã hội hóa dè dặt, không dám đầu tư vốn mạnh cho việc dựng những vở kịch hoành tráng cũng là điều dễ hiểu.

Đạo diễn Ngọc Hùng của Nhà hát Thế Giới Trẻ cho biết: "Tết này sân khấu chúng tôi diễn 4 vở: Ngôi làng ma ám, Ván bài của sói, Người vô hình Shipper tình yêu. Bám chặt thị hiếu khán giả trẻ nên các vở kịch diễn Tết của Nhà hát Thế Giới Trẻ luôn có tuổi thọ vài tháng, diễn đến tận tháng 4, nên việc cần thiết là đầu tư theo cách "liệu cơm gắp mắm" để vẫn bảo đảm thu hồi vốn, vẫn có thể được khán giả đón nhận".
 
Kinh nghiệm mùa kịch Tết năm ngoái, sức đầu tư cao mà lượng khán giả mua vé ít là cầm chắc lỗ vốn, không tái sản xuất được cho sàn diễn sáng đèn liên tục bằng vở mới. Đó chính là nguyên nhân một số sân khấu kịch năm nay vẫn ở tâm thế gồng cho qua mùa Tết nhằm giữ chân khán giả. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cảnh báo: "Tết này được nghỉ đến 9 ngày, do đó nhiều khán giả sẽ đi chơi xa. Việc đầu tư vở Tết nhiều sẽ không hiệu quả, thà tập trung 2-3 vở chất lượng để không bị ảnh hưởng nặng về vốn đầu tư".
 
Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP.HCM đã chuẩn bị 3 vở cũng theo kiểu "liệu cơm gắp mắm", NSƯT Mỹ Uyên - giám đốc - cho biết sẽ có 3 vở Tết gồm: Ảo và thật, Duyên ai, Đẹp bất chấp. "Cả 3 vở đều vui nhộn, hấp dẫn, tin chắc thu hút khán giả đã yêu mến kịch thể nghiệm của 5B" - Mỹ Uyên tự tin nói.
 
Thanh Hiệp/Theo NLĐO

Đọc thêm các bài khác