Khi gái điếm, giang hồ bỗng dưng được... lăng xê trên web drama

Đăng lúc: 10:32 am, Ngày 03/03/2019

Gần đây, loại hình web drama (phim chiếu mạng) chứng kiến sự ồ ạt ra mắt sản phẩm khai thác thân phận, đời sống của những phụ nữ buôn hương bán phấn, đại ca - chị đại hoặc cả hai.

Nghệ sĩ đổ xô làm phim chiếu mạng
 
Web drama là hình thức phim chiếu mạng miễn phí, có thể một hoặc nhiều tập. Ở Việt Nam, các web drama thường chọn phát sóng trên YouTube, công chúng có thể theo dõi linh hoạt hơn phim truyền hình và chiếu rạp nên trở thành xu hướng được ưa chuộng.
 
Tính từ cuối 2018 đến nay, đã có hơn 10 web drama nối tiếp nhau ra đời. Tuy nhiên chỉ vài trong con số này là được khán giả nhớ tới, còn lại hầu như khá nhạt nhòa. Vậy đổ xô và mạo hiểm làm phim chiếu mạng miễn phí, người nghệ sĩ được hay mất?
Ca sĩ Ưng Hoàng Phúc cũng nhanh chóng tham gia cuộc chơi này với Ông trùm - Dẹp loạn giang hồ.
 
Nữ diễn viên hài Nam Thư của Thập Tứ cô nương từng chia sẻ: "Điều đầu tiên thôi thúc tôi làm phim này bởi đó là đam mê ấp ủ từ lâu. Thứ hai, có cầu thì ắt sẽ có cung, khán giả muốn xem gì thì nghệ sĩ chúng tôi sẽ đáp ứng. Thứ ba, bản thân tôi cũng muốn mình được trải nghiệm nhiều kiểu vai diễn khác nhau".
 
Nam Thư cũng cho biết thêm khi làm web drama, nghệ sĩ thường chịu lỗ vì bỏ tiền tỉ ra để sản xuất nhưng khả năng hoàn vốn lại rất khó. Thường thì chỉ những kênh YouTube lâu năm, có lượt theo dõi lớn mới có khả năng thu lại vốn. Vì vậy, ngoài chất lượng thì lượt xem là yếu tố quan trọng quyết định số phận của một bộ phim chiếu mạng.
 
Và phải chăng để đảm bảo đạt được lượt xem an toàn cho đứa con tinh thần của mình, các nghệ sĩ đã chọn làm phim về những đề tài vốn được cho là dễ gây tò mò này?
Thập Tứ cô nương có nội dung về con đường trở thành chị đại của cô gái bán hoa tên Thập Tứ.
 
Tham vọng xây dựng "vũ trụ giang hồ" trong phim chiếu mạng?
 
Sau loạt web drama, phim ca nhạc tiếp nối nhau ra đời như Giải cứu tiểu thư, Giang hồ Chợ Mới, Thập Tam Muội, Vi Cá tiền truyện và mới đây nhất là Thập Tứ cô nương - có thể thấy bức tranh chân dung của loạt nhân vật trong "vũ trụ giang hồ" xã đoàn đang hình thành.
 
Đây cũng chính là tên gọi của băng đảng xã hội đen trong loạt web drama về giang hồ do đạo diễn Mr. Tô (Tô Gia Tuấn) thực hiện. Mỗi nhân vật đàn anh, chị trong xã đoàn lần lượt được trở thành nhân vật trong phim riêng về mình như Vi Cá (Quách Ngọc Tuyên), Chị Mười Ba (Thu Trang), Thập Tứ (Nam Thư).
"Vũ trụ giang hồ" dần hình thành qua loạt web drama.
 
Trong năm 2019, khả năng cao các nhân vật còn lại trong xã đoàn sẽ tiếp tục ra mắt khán giả. Mới đây, đạo diễn Mr. Tô cũng đã thông báo chính thức trên trang cá nhân của mình việc anh sẽ bắt tay vào sản xuất Giang hồ Chợ Mới tiền truyện trong thời gian tới.
 
"Nghệ sĩ cần hiểu mình làm gì"
 
Có ba đề tài thường gặp ở phim chiếu mạng Việt Nam hiện tại: tâm linh, cổ trang và giang hồ. Trong đó, cuộc chiến của những băng đảng vẫn là mảng được nhiều nghệ sĩ chọn lựa vì thường đạt lượt xem khá cao.
 
Ra mắt cùng thời điểm nhưng tập 1 web drama Bao lô (đạo diễn Neko Lê) có đề tài về nạn lừa đảo của những người lao động nghèo chỉ đạt vỏn vẹn 1,5 triệu lượt xem sau 1 tháng. Trong khi đó tập 1 của Thập Tứ cô nương (Nam Thư) kể về cuộc đời giang hồ của cô gái làng chơi đạt 12,5 triệu lượt xem chỉ sau 1 tuần.
 
Hay Ai chết giơ tay - web drama thuộc đề tài tâm linh thắng lớn tại 2 giải thưởng Phim chiếu mạng xuất sắc nhất (Ngôi sao xanh 2018) và Web drama được yêu thích nhất (Wechoice Awards 2018) đạt hơn 55 triệu lượt xem cho 8 tập.
 
Ra mắt ngay sau đó, Thập Tam Muội (Thu Trang - Tiến Luật) đạt hơn 100 triệu lượt xem với 3 tập phát sóng dù nội dung và sự đầu tư của Ai chết giơ tay được đánh giá là nhỉnh hơn.
Tiếp nối thành công của Thập Tam Muội, Thu Trang - Tiến Luật cho biết sẽ sớm cho ra mắt khán giả phiên bản điện ảnh chiếu rạp của phim.
 
Nhìn lại chặng đường đã qua, Hồng Tú, nhà sản xuất đồng đạo diễn của hàng loạt sản phẩm chiếu mạng, chia sẻ: "Hiện tại thị trường web drama đã bắt đầu bão hòa. Mỗi người nghệ sĩ sẽ có sự lựa chọn riêng trong con đường nghệ thuật của mình, nhưng tôi nghĩ chúng ta nên hạn chế lại bởi nếu ai cũng thấy cái hiệu quả trước mắt về lượt xem rồi ồ ạt làm phim giang hồ thì văn hóa người Việt sẽ như thế nào!".
 
Ở góc nhìn một nghệ sĩ, NSƯT Thành Lộc từng trả lời cho câu hỏi "người nghệ sĩ nên dẫn dắt và định hướng thị hiếu của khán giả hay chiều theo ý muốn của họ?" trong một sự kiện cộng đồng tại Trường đại học Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM cuối tháng 12/2018:
 
"Người nghệ sĩ phải nhận thức được rằng họ có vai trò truyền bá và giáo dục thẩm mỹ cho công chúng. Vì thế, họ cần hiểu rõ mình phải làm điều gì cho đúng nhất".
 
Làm phim về đề tài gai góc của xã hội là một sự lựa chọn nhưng việc các nghệ sĩ đổ xô đi theo nó, thậm chí tham vọng xây dựng cả "vũ trụ giang hồ" về lâu về dài sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của khán giả.
Wed drama ồ ạt ra đời.
 
Sản phẩm giải trí cũng góp phần làm nên xã hội
 
Nói chung về các sản phẩm văn hóa có yếu tố bạo lực quá đà, thiếu tá, tiến sĩ xã hội học Lê Hoàng Việt Lâm - giảng viên tại Đại học An ninh nhân dân, Bộ Công an, nhận định: Chúng ta xem phim là để giải trí, điều đó đúng nhưng không đủ. Cách bạn giải trí nói lên bạn là ai. Và những sản phẩm giải trí cũng góp phần làm nên xã hội.
 
Trong mỗi người đều có những hạt giống của hiểu biết và bạo lực, của dục vọng và những gì thanh cao, hạt giống không nảy mầm ngay lập tức, nó được nuôi dưỡng bằng những gì ta tưới tẩm hằng ngày.
 
Phim ảnh cũng như thế, nó đáng sợ ở chỗ ngấm vào ta từ từ, sự thay đổi diễn ra quá chậm để ta nhận ra hay chống cự, cho đến một lúc ta trở thành một con người khác, xã hội ta trở thành một xã hội khác.
 
Đặc biệt khi chính sách về việc giới hạn độ tuổi, người xem ở YouTube còn hạn chế thì trẻ em hoàn toàn có thể tiếp cận loại phim này. Khi đó những cảnh bạo lực, chửi thề, chém giết… có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của các em". 
 
Tiến Vũ/Theo TTO

Đọc thêm các bài khác