Lời nói dối phía sau bức ảnh đoạt giải 120 ngàn USD

Đăng lúc: 8:25 am, Ngày 20/03/2019

Giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế Hamdan (HIPA) vừa vinh danh nhiếp ảnh gia Edwin Ong Wee Kee (Malaysia) ở vị trí cao quý nhất: Giải thưởng lớn (Grand Prize), với số tiền thưởng 120 ngàn USD.

Bức ảnh mang tên Mother’s Hope (Hy vọng của mẹ), ghi lại hình ảnh của mẹ con người Mông tại Việt Nam, trong cuộc thi chủ đề Hy vọng đã được đánh giá rất cao. Theo mô tả của Edwin Ong Wee Kee, anh rất thích du lịch và trong chuyến đến Việt Nam, anh đã dừng lại bên đường, chụp được khoảnh khắc người mẹ với gương mặt khắc khổ và chứng rối loạn khả năng ngôn ngữ vẫn tay ôm, lưng địu con, truyền cho con tình yêu và hy vọng.
Nhiếp ảnh gia Edwin Ong Wee Kee nhận giải.
Với bức ảnh đoạt giải mang tên Mother’s Hope.
 
Nếu mọi chuyện quả thực như Edwin mô tả, anh xứng đáng nhận được giải thưởng lớn và sẽ không gây ra vụ ồn ào trong giới nhiếp ảnh, sau khi kết quả HIPA 2019 công bố. Theo hình ảnh hậu trường ghi nhận lại thì vào khoảnh khắc Edwin dừng lại bên đường để chụp ảnh, có ít nhất 11 tay máy khác dàn hàng ngang ở đó để cùng chụp ảnh mẹ con người Mông. Tấm ảnh đoạt giải của Edwin chính xác là hình ảnh được dàn dựng và đã qua khâu xử lý hậu kỳ kỹ lưỡng.
 
Lâu nay, giới nhiếp ảnh vẫn luôn tranh cãi về tinh thần cốt lõi của nhiếp ảnh - sự phản ánh trung thực cuộc sống và tính “nghệ thuật” thông qua việc dàn dựng, sắp đặt chủ thể, sự kiện nhằm thể hiện ý đồ nghệ thuật nào đó. Những người theo trường phái “Thing as it is” (phản ánh mọi thứ như chúng vốn thế) gọi những người dàn dựng là những kẻ lười biếng, lừa dối khi bày ra những thứ không có thực. Ở chiều ngược lại, những người theo trường phái “vị nghệ thuật” cho rằng, miễn sao ảnh đẹp, thể hiện đúng ý mình muốn diễn đạt là được.
Phụ nữ người Mông "tạo dáng" cho nhiều tay máy.
 
Dù sao, ở các cuộc thi ảnh, nhà tổ chức và giám khảo vẫn giữ quyền quyết định. Nhưng nếu so việc một nhiếp ảnh gia phải lặn lội vào rừng sâu núi thẳm, phải đợi chờ hàng tháng, thậm chí hàng năm, phải chụp cả trăm hay cả ngàn bức ảnh để bắt được một khoảnh khắc với việc người ta dựng lên những hình ảnh đó rồi xử lý hậu kỳ để người xem nhầm tưởng là ảnh tự nhiên thì sự trân trọng nên được dành cho những người đã dấn thân cho đam mê nhiếp ảnh.
 
Không phải tự nhiên mà nhiếp ảnh gia Brazil - Marcio Cabral bị tước giải thưởng khi cố tình đặt con thú ăn kiến nhồi bông vào hình ảnh của mình trong cuộc thi Wildlife Photographer of the Year năm 2018. Không phải tự nhiên phóng viên ảnh A.M. Ahad của AP phải quay lại clip tố cáo chuyện dàn dựng hình ảnh để săn giải thưởng ở Bangladesh. Thậm chí ngay tại Việt Nam cũng lắm trường hợp dàn dựng ảnh để dự thi. Trước đám cưới của Hoàng tử Anh Harry và diễn viên Meghan Markle, cha của Meghan cũng bị tố cáo đã nhận 100.000 bảng Anh để hợp tác với một tay săn ảnh, dàn dựng cảnh ông đang ngồi đọc thông tin và ngắm ảnh con gái trong một quán cà phê internet.
 
Trong lúc tiêu chuẩn về ảnh “nghệ thuật” vẫn còn đang tranh cãi, giới nhiếp ảnh đòi một sự trung thực tối thiểu ở những tay máy - thừa nhận sự dàn dựng của mình thay vì bảo là ảnh tự nhiên, tình cờ, nắm bắt khoảnh khắc. 
 
Hoàng Hưng/Theo PNO

Đọc thêm các bài khác