Nỗi buồn mang tên bằng cấp và nghịch lý tuyển dụng nghệ sĩ

Đăng lúc: 8:54 am, Ngày 04/09/2019

Từ khi Nghị định 161/2018/NĐ-CP có hiệu lực (15/1/2019), không ít nghệ sĩ (NS), diễn viên (DV), đặc biệt ở lĩnh vực nghệ thuật truyền thống, đã bị đặt ngoài vòng xét tuyển vì không đủ bằng cấp theo yêu cầu.

Theo báo cáo mới đây của Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, thành phố hiện có 40 trường hợp chưa đủ điều kiện xét tuyển viên chức, do không có bằng cấp chuyên môn, chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành biểu diễn nghệ thuật do cơ quan có thẩm quyền cấp. Điều khiến nhiều người ngạc nhiên là 7 NSƯT, gồm: Trọng Phúc, Tú Sương, Giang Quốc Cơ, Giang Quốc Nghiệp, Lưu Thị Kim Liêu, Lê Văn Hà và Trần Ngọc Bảo đều không đủ tiêu chuẩn xét tuyển viên chức.
Dù là nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ Tú Sương vẫn không đủ điều kiện xét tuyển viên chức, vì thiếu bằng cấp
 
Trong số 40 NS, DV, ngoài các NSƯT trên, còn nhiều tên tuổi quen thuộc khác như: Điền Trung, Thanh Thảo, Diễm Thanh, Phùng Ngọc Bảy, Dương Thanh, Nguyễn Thị Kim Luận, Nguyễn Thị Thu Vân… (Nhà hát Trần Hữu Trang, NS Dương Thanh và Thu Vân cũng vừa trở thành NSƯT trong đợt trao tặng ngày 29/8 vừa qua), Hồ Tấn Dũng, Lê Kim Phong, Nguyễn Ngọc Giàu… (Nhà hát Hát bội).
 
Các NS, nhạc công, DV ấy đã có nhiều năm gắn bó với sân khấu, thậm chí một số người đã có trên dưới 20 năm hoạt động liên tục trong nghề và cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho nghệ thuật. Không chỉ là những tên tuổi được công chúng công nhận, hầu hết các NS, DV nói trên đều đoạt nhiều giải thưởng, huy chương ở những cuộc thi chuyên nghiệp như giải Trần Hữu Trang, liên hoan, hội diễn sân khấu chuyện nghiệp… Đặc biệt, ở Nhà hát Hát bội, những nhạc công, NS, DV không đủ tiêu chuẩn xét tuyển viên chức đều là đội ngũ biểu diễn chính.
 
Câu hỏi là: vì sao những NS, DV được công chúng công nhận tài năng, được chính Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn phong tặng danh hiệu, trao tặng giải thưởng, bằng khen; thậm chí như Giang Quốc Cơ - Giang Quốc Nghiệp đã được ghi tên vào kỷ lục Guinness thế giới, vẫn không đủ tiêu chuẩn xét tuyển viên chức, chỉ vì rào cản bằng cấp?
 
Thực tế đã tồn tại từ rất lâu trong đời sống văn hóa - nghệ thuật khu vực phía Nam, với đặc thù của một số lĩnh vực nghệ thuật như hát bội, cải lương và xiếc, số DV được đào tạo truyền nghề hoặc trưởng thành từ chiếc nôi nghệ thuật của gia tộc là khá lớn. Hơn nữa, nhiều năm nay, Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM đã không còn đào tạo chuyên ngành hát bội. Yêu cầu DV hát bội phải có bằng cấp, dù chỉ là trung cấp chuyên ngành, là điều không tưởng.
 
Ở lĩnh vực cải lương, nhiều năm nay, Khoa Kịch hát dân tộc, Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM cũng rất khó tuyển sinh. Để có đủ sinh viên, trường phải vận động cả các thí sinh không trúng tuyển ngành DV kịch - điện ảnh nhưng có chút giọng ca, để đào tạo thành DV cải lương. Thực tế cũng đã và đang chứng minh, ngày càng hiếm DV có bằng cấp đủ sức khẳng định tên tuổi và tài năng ở lĩnh vực sân khấu truyền thống. Thậm chí, có cả những viên-chức-nghệ-sĩ đang được chính những NS không bằng cấp, không đủ điều kiện xét tuyển viên chức uốn nắn, chỉ dạy cho từng bài ca, động tác vũ đạo, cách thức biểu diễn, thể hiện tâm trạng nhân vật trên sân khấu.
Quốc Cơ - Quốc Nghiệp ghi tên vào Kỷ lục thế giới nhưng vẫn không đủ tiêu chuẩn xét tuyển viên chức
 
Rõ ràng, việc xét tuyển viên chức dựa trên bằng cấp là rất bất hợp lý và thiếu cái nhìn tổng quan về thực tế đời sống văn hóa nghệ thuật ở địa phương, với các loại hình nghệ thuật đặc thù.
 
Khi Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý có hiệu lực, nghịch lý về mức thu nhập giữa những NS, DV là lực lượng biểu diễn chính, nhưng không phải là viên chức, với những viên chức đủ bằng cấp, nhưng ít tài năng, chỉ chuyên đảm nhận những vai phụ, đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý của những người vướng quy định xét tuyển.
 
Đã có những NS, DV bày tỏ ý định rời đơn vị nghệ thuật công lập, vì cảm thấy không được đối xử công bằng. Số khác đang bị mài mòn nhiệt huyết, đam mê. Có lẽ đã đến lúc có những thay đổi hoặc quy định đặc cách trong xét tuyển viên chức ở lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống. Khi những người làm nghề vẫn nỗ lực gắn bó, cống hiến trong điều kiện nghệ thuật truyền thống đang đầy khó khăn, họ cần được khích lệ, động viên kịp thời hơn là những quy định cứng nhắc, khiến họ chông chênh hơn trên hành trình giữ gìn nghiệp Tổ.
 
Năm 2016, TP.HCM đã nỗ lực để có quy chế xét tuyển đặc cách viên chức. 31/71 trường hợp đã được công nhận. 40 trường hợp đang chờ tiếp tục tháo gỡ thì vướng Nghị định 161. Liệu những NS đã cống hiến hết tuổi xuân cho sân khấu phải chờ đến bao giờ để được trở thành viên chức? 
 
Nghệ sĩ Điền Trung chia sẻ: "Quy định xét tuyển công chức, viên chức dựa trên bằng cấp là sự bất hợp lý, bất công cho những người làm nghệ thuật cha truyền con nối. Những NS có tố chất, năng khiếu bẩm sinh, được cha ông là những NS tài năng truyền nghề và gắn với sân khấu từ tuổi ấu thơ vẫn không thể so với những bạn trẻ chỉ trải qua 3 năm học để có bằng cấp. Thực tế chứng minh, nhiều bạn được đào tạo chính quy lại hạn chế trong ca diễn, trong khi nhiều NS không có bằng cấp nhưng tài năng, tên tuổi lại được khán giả, đồng nghiệp công nhận.
 
Bằng cấp không thể là thước đo tài năng NS. Xét tuyển viên chức dựa trên bằng cấp, NS chúng tôi không phục. Cần xem xét quá trình cống hiến của NS, sự công nhận của đồng nghiệp, nhà chuyên môn, nhà quản lý. Hơn nữa, nếu những giải thưởng, danh hiệu là sự công nhận tài năng thì lẽ nào chúng vẫn không so được với bằng cấp hay chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành? Không được xét tuyển viên chức thì NS chúng tôi vẫn cứ làm nghề bằng nhiệt huyết và đam mê dành cho nghiệp Tổ, nhưng sự thất vọng là khó tránh khỏi và niềm tin vào những người quản lý ít nhiều cũng lung lay".
 
Theo Phụ nữ TP

Đọc thêm các bài khác