Sợ gì mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nín lặng trước 'áo dài bị nhận vơ'?

Đăng lúc: 9:34 am, Ngày 23/11/2019

Trên các diễn đàn mạng những ngày qua, nhiều người Việt bày tỏ phẫn nộ trước thông tin áo dài của Việt Nam bị người Trung Quốc nhái mẫu rồi vơ đại là trang phục truyền thống của họ.

Tuy nhiên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) - cơ quan quản lý về văn hóa của quốc gia, thì lại im thin thít!
 
Có người còn cảnh báo động thái này chẳng khác nào một âm mưu "đường lưỡi bò" thứ hai trong lĩnh vực văn hóa và thời trang của người Trung Quốc.
 
Truy gốc tích thông tin này, chỉ thấy trên báo chí và dân mạng nhiều người kể là chuyện bắt nguồn từ việc trong Tuần lễ thời trang xuân hè 2019 tổ chức cuối tháng 10/2018 tại Trung Quốc, Ne Tiger (một thương hiệu thời trang của Trung Quốc) công bố nhiều bộ sưu tập thời trang của họ, trong đó có những mẫu thiết kế sao chép áo dài truyền thống Việt Nam. 
 
Rồi mới đây, trong Tuần lễ thời trang xuân hè 2020 cũng tại Trung Quốc, ông Zhang Zhifeng - nhà sáng lập Ne Tiger, tuyên bố: "Khi sáng tạo ra bộ sưu tập, tôi đã nhấn mạnh vẻ kiêu sa cũng như phẩm giá của trang phục truyền thống Trung Quốc".
Vài mẫu trong bộ sưu tập của Ne Tiger sao y áo dài Việt Nam
 
Thông tin chỉ có vậy thì đúng - sai thế nào là chưa rõ. Liệu có sự ăn cắp trắng trợn về ý tưởng, khuôn mẫu hay là một âm mưu sâu xa gì đó nữa về văn hóa...? Rất cần tiếng nói từ các cơ quan chức năng quản lý văn hóa, các chuyên gia về thiết kế trang phục... để định hướng dư luận.
 
Nhưng nói gì thì nói, áo dài là trang phục truyền thống của Việt Nam thì cả thế giới đã biết, cũng chưa thấy ai cãi lại điều này. Trang phục truyền thống của một dân tộc nói riêng hay một quốc gia nói chung, là hồn cốt, là cái gốc tinh túy của văn hóa mặc. Mà văn hóa mặc thì ở nhiều góc độ có thể xem là thước đo để đánh giá về quan niệm thẩm mỹ của một người, một tộc người, kể cả ở tầm một quốc gia. Bởi vậy, khi trang phục truyền thống của dân tộc bị nhái, bị xúc phạm thì những sự phản ứng là dễ hiểu, vì đó cũng là cách để thể hiện lòng yêu nước, yêu dân tộc mình.
 
Người Việt Nam luôn tự hào về trang phục áo dài của mình. Mới đây, trong khuôn khổ sự kiện kỷ niệm 100 năm thành lập Hội người Việt Nam tại Pháp, hai bộ sưu tập áo dài Việt mang tên 12 mùa hoaTranh Đông Hồ của nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam, Chủ tịch CLB Áo dài Việt, đã được trình diễn bởi các người mẫu Pháp xinh đẹp tại trụ sở chính của UNESCO khiến báo chí quốc tế trong lĩnh vực thời trang dành nhiều lời khen đặc biệt.
 
Còn nhớ mới đây, tờ NBC News của Mỹ đăng bài viết tiêu đề: "Ca sĩ nhạc đồng quê Kacey Musgraves tình dục hóa, thiếu tôn trọng quốc phục Việt Nam: Các chuyên gia lên tiếng". NBC News dẫn phát ngôn của 2 người Mỹ gốc Việt nổi tiếng là blogger Michelle Phan và Thuy Pham - Giám đốc điều hành Trung tâm Di sản Việt Nam trụ sở New York, chỉ trích Kacey Musgraves - ca sĩ từng 6 lần đoạt Grammy - khoe ảnh mặc áo dài không kèm quần khi trình diễn. Với hành vi này, Kacey Musgraves cũng bị cộng đồng người Việt trong nước lên tiếng phản ứng dữ dội...
 
Những phản ứng trên là cần thiết để bảo vệ sự duyên dáng, độc đáo riêng có của tà áo dài nước Việt. Đó cũng là trách nhiệm công dân, gìn giữ những giá trị Việt được trường tồn.
 
Điều kỳ lạ, đúng - sai thế nào, cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về văn hóa của Việt Nam là Bộ VH-TT-DL phải lên tiếng thể hiện quan điểm, cớ sao lại nín thinh, thả mặc cho dư luận, mạng xã hội(?!)
 
Theo NLĐO

Đọc thêm các bài khác