Phim về cuộc giải cứu đội bóng nhí Thái Lan không đủ xúc động

Đăng lúc: 7:11 am, Ngày 11/01/2020

Trong bộ phim "The Cave", đạo diễn mời một số người từng tham gia cuộc giải cứu đội bóng nhí kẹt trong hang ở Thái Lan đóng vai chính họ.

Tác phẩm của Tom Waller là phim đầu tiên khai thác cuộc giải cứu đội bóng nhí Thái Lan - sự kiện gây chú ý giữa năm 2018. Lúc đó, 12 cậu bé và một trợ lý huấn luyện viên mắc kẹt trong hang động ở Tham Luang (tỉnh Chiang Rai).

Do mưa lớn khiến nước dâng cao, họ không thể thoát ra. Chiến dịch giải cứu nhanh chóng thu hút truyền thông cùng nhiều chuyên gia khắp thế giới. Tổng cộng, có hơn 10.000 người tham gia sự kiện, trong đó có khoảng 100 thợ lặn. Các đơn vị bàn thảo nhiều phương án, trước khi hoàn tất giải cứu tất cả người mắc kẹt vào ngày 10/7/2018.
Cảnh trong phim The Cave
 
Đạo diễn Tom Waller chọn cách tiếp cận chân thực, gần giống phim tài liệu. Ông phát triển câu chuyện theo tuyến tính, tình tiết đúng với các diễn biến ngoài đời. Phim không cường điệu hóa sự việc hay quá tô điểm hình mẫu anh hùng như một số tác phẩm tiểu sử của Hollywood. Trong The Cave, nhóm nhân vật tham gia giải cứu được khắc họa như những người có lòng tốt, giỏi chuyên môn, giống nguyên mẫu của họ.
 
Phim cũng không tập trung vào ai mà luân chuyển qua góc nhìn của nhiều người, từ những công dân Thái Lan đến các chuyên gia quốc tế đến hiện trường vào giai đoạn sau. Tác phẩm mang thông điệp ca ngợi sự đoàn kết, với thành tựu đến từ sự phối hợp của rất nhiều cá nhân. Tom Waller còn mời một số người thật sự có mặt trong cuộc giải cứu đóng cùng các diễn viên. Cách làm này tương tự tác phẩm nổi tiếng The 15:17 to Paris của đạo diễn huyền thoại Clint Eastwood.
 
Nhờ cách sử dụng máy quay rung nhẹ, Waller tạo cảm giác chân thực, đôi khi hối hả cho phim. Những khung hình hơi hỗn loạn cũng phù hợp diễn biến của cuộc giải cứu ngoài đời - khi các chuyên gia phải chạy đua với thời gian để cứu người. Không khí khẩn trương ở khu trại giải cứu tương phản trong hang, với những cảnh thể hiện sự tối tăm, chia cách với thế giới bên ngoài. 
Thợ lặn Jim Warny - người Bỉ sống ở Ireland - đóng vai chính mình trong The Cave. Ảnh: AFP.
 
Tuy nhiên, Waller không thành công khi muốn đẩy cao sự kịch tính trong hồi kết, lúc các thợ lặn chuyển các cầu thủ ra ngoài. Đoạn này hơi có chất phim hành động - ly kỳ của Hollywood, không hợp phong cách ban đầu của tác phẩm. Trước đó, đạo diễn cũng bày ra một số tuyến truyện hứa hẹn nhưng bỏ lửng, như việc nhóm chuyên gia gặp khó khăn với các thủ tục quan liêu ở Thái Lan. Chi tiết đặc nhiệm người Thái Saman Kunan qua đời khi cứu hộ cũng được tái hiện sơ sài, không đủ xúc động. Chuyện thợ lặn người Anh John Volanthen tìm thấy các cậu bé - được truyền thông mô tả như phép màu - cũng lên phim quá ngắn ngủi.
Cảnh trong phim The Cave
 
Một điểm trừ khác của tác phẩm là giản lược hoàn cảnh của những người mắc kẹt. Phim mào đầu khá nhanh chuyện họ vào hang, sau đó chuyển đến công tác giải cứu. Trong 104 phút thời lượng, tác phẩm chỉ vài lần thể hiện hoàn cảnh của đội bóng. Khán giả không thật sự cảm nhận được sự hoang mang hay tình thế của họ suốt nhiều ngày. Vì thể, cảnh cuối - khi một người trải qua cơn sang chấn nhẹ khi ra khỏi hang - khó gây hiệu quả cao khi người xem chưa rõ khó khăn trước đó của nhân vật. Theo Hollywood Reporter, việc The Cave ít cảnh về đội bóng nhí có thể do câu chuyện về họ đã được Netflix mua bản quyền để thực hiện một dự án khác.
 
The Cave ra mắt ở LHP Busan (Hàn Quốc) năm 2019, sau đó công chiếu ở Thái Lan và một số nước khác. Ở Việt Nam, phim chiếu với tên Cuộc giải cứu hang Tham Luang và nhãn P (cho mọi đối tượng khán giả).
 
Theo VnExpress

Đọc thêm các bài khác