Sự chú ý nhằm vào Bùi Tiến Dũng trong hai năm qua đã vượt xa nội lực của anh, trên cả hai phương diện: cầu thủ và ngôi sao công chúng.
Và một lần nữa, bàn thua của anh lại bị mang ra mổ xẻ.
Bùi Tiến Dũng chỉ chơi không thật sự hay trong bàn thua ở trận tranh Siêu cúp với CLB Hà Nội, chứ không hẳn đó là lỗi. Thậm chí Dũng đã phản xạ khá tốt với một cú sút ở cự ly gần. Tuy nhiên, những sai lầm liên tiếp trước đó đã tô đậm ấn tượng của khán giả đối với pha thủng lưới này.
Bùi Tiến Dũng là một ngôi sao giải trí nhưng trước đó anh là một cầu thủ nổi tiếng. Mà với cầu thủ, thước đo lớn nhất luôn phải là năng lực sân cỏ. Ảnh: Minh Chiến.
Nhưng đó cũng là hệ quả của việc các nhà tổ chức sự nghiệp cho Bùi Tiến Dũng đã đẩy hình ảnh người nổi tiếng (celebrity, tạm viết celeb) của anh lên quá sớm. Đây không phải tổ chức sự kiện và danh tính người công chúng của anh ta không nhất thiết phải chạy quá nhanh như thế so với tốc độ sự nghiệp của một nhà thể thao chuyên nghiệp.
Một nhãn hàng mà Dũng từng quảng cáo bị lồng vào trong những lời chỉ trích anh khi sai lầm. TVC anh đóng cùng một ca sĩ nổi tiếng bị lôi ra bêu riếu, và những lời đồn đại ái tình xuất hiện trên mạng với thái độ cợt nhả lăn bánh theo phong độ xuống dốc của thủ môn này. Danh tính của một celeb mới nổi giờ thành những cú đấm giễu cợt vào bao cát sự nghiệp của Bùi Tiến Dũng.
Không có gì là sai trái khi đi đóng quảng cáo, lên sàn catwalk hoặc dính vào đồn đại tình ái với một cô hoa hậu. Tuy nhiên, càng tô đậm danh tính người nổi tiếng bao nhiêu, cầu thủ cần nhận thức được rằng anh ta sẽ phải tìm kiếm ngay điều gì đó từ sự nghiệp, để lấp vào chỗ mất cân bằng trên cái bập bênh phù hoa ấy.
Số vận động viên làm được điều này đếm trên đầu ngón tay, và đều là những nhà thể thao vĩ đại. Cuộc đấu tranh giữa danh tính ngôi sao và danh tính cầu thủ chuyên nghiệp là rất khắc nghiệt và không phải không có những bài học đau đớn.
Nỗ lực để cân bằng giữa hai danh tính ngôi sao và cầu thủ của Ronaldo là không tưởng, với lịch tập luyện khắc nghiệt đã quá nổi tiếng, một chế độ sinh hoạt vô cùng nghiêm ngặt, và động lực cạnh tranh dường như vĩnh cửu. Ảnh: Getty.
Ngôi sao giải trí và nhà thể thao
Trong một bài trả lời phỏng vấn trang CNN, David Beckham tiết lộ rằng anh đã từng ghét cay ghét đắng HLV Alex Ferguson vì ông bắt anh phải cạo đầu khi ngứa mắt với một kiểu tóc mới của Becks. HLV huyền thoại của Man United chỉ muốn Becks là một cầu thủ, thay vì là biểu tượng giải trí. Ông tuyên bố: “Beckham chưa bao giờ là vấn đề với tôi cho đến khi cậu ta lấy vợ (là Victoria, một cựu thành viên ban nhạc Spice Girls)”.
Cái giày bay để lại một vết sẹo trên khuôn mặt á thần của Becks là bước ngoặt. Kể từ khi rời Man United, dù vẫn cư xử lịch thiệp và đặc biệt chuyên nghiệp, Beckham đã hoàn toàn trở thành một biểu tượng toàn cầu trên phương diện ngôi sao giải trí, chứ không hẳn là ngôi sao bóng đá. Các cô gái cả đời chẳng xem một trận bóng cuối tuần nào cũng biết Beckham là ai.
Rốt cục thì Becks đã trở thành cầu thủ có tính đại chúng nhất mọi thời đại, nhưng cũng chỉ là một cầu thủ xuất sắc, không phải một cầu thủ hàng đầu và chắc chắn không phải một cầu thủ vĩ đại.
Cầu thủ duy nhất vươn lên đến đỉnh cao ở cả sự nghiệp lẫn danh tính celeb là Cristiano Ronaldo. Anh đã cùng Lionel Messi tạo ra một cuộc cạnh tranh “độc quyền” vô tiền khoáng hậu trong một thập kỷ qua, đồng thời vẫn ký các hợp đồng quảng cáo béo bở nhất hành tinh, trải qua những mối tình chớp nhoáng với bộ sưu tập hoa hậu người mẫu, và tạo ra một danh tiếng với độ bao phủ khủng khiếp toàn thế giới, tương tự Beckham.
Nhưng những nỗ lực để cân bằng giữa hai danh tính ấy của Ronaldo là không tưởng, với lịch tập luyện khắc nghiệt đã quá nổi tiếng, một chế độ sinh hoạt vô cùng nghiêm ngặt, và động lực cạnh tranh dường như vĩnh cửu. Trong buổi đầu sự nghiệp, Ronaldo cũng đã may mắn được rơi vào đúng môi trường, và bỏ đi được cá tính trẻ con màu mè nhờ sự “dạy dỗ” tận tình của các đàn anh ở Man United. Roy Keane, Nicky Butt và Paul Scholes thường xuyên vào bóng nhừ tử với tiền đạo người Bồ Đào Nha trên sân tập, và anh đã trưởng thành.
Cầu thủ Việt Nam duy nhất có danh tính ngôi sao tương đương với danh tính cầu thủ của mình là Lê Công Vinh, nhưng cánh cửa dẫn vào căn phòng showbiz của anh cũng chỉ mở vào đúng khoảnh khắc đỉnh cao trong sự nghiệp tiền đạo này. Đó là cú đánh đầu khó tin giúp Việt Nam vô địch AFF Cup 2008. Cuối năm đó, anh hẹn hò với ca sỹ Thủy Tiên và kết hôn ba năm sau. Không có thêm một cú đánh đầu nào kỳ diệu đến thế nữa.
Bùi Tiến Dũng cúi đầu sau sai lầm trong trận thua U23 CHDCND Triều Tiên, sai lầm đã góp phần khiến U23 Việt Nam dừng cuộc chơi ở giải châu Á 2020. Ảnh: Minh Chiến.
"Lạm phát" sự chú ý
Nhưng không có ví dụ nào kể trên có tốc độ tăng trưởng danh tiếng khủng khiếp như Bùi Tiến Dũng ở Thường Châu.
Trước trận bán kết U23 Việt Nam gặp U23 Qatar vào ngày 23/1/2018, trang cá nhân của Bùi Tiến Dũng mới có 35.000 người theo dõi (follow). Chỉ sau một đêm, con số này đã thành 700.000 người, tăng gấp 20 lần.
Sau trận chung kết gặp Uzbekistan vào ngày 27/1/2018, số người theo dõi trang cá nhân của Dũng đã tăng từ 800.000 lên 1,1 triệu. Tới 17h30 ngày 28/1/2018, trang cá nhân này đã cán mốc 2,5 triệu người theo dõi. Trong 5 ngày, lượng người chú ý đến Bùi Tiến Dũng và sẵn sàng dõi theo cuộc đời anh đã tăng gấp 70 lần!
Đấy là sự “lạm phát” chú ý khủng khiếp nếu bỏ qua tính dân tộc của thể thao để xét trên góc độ thể thao chuyên nghiệp thuần túy. U23 là một giải đấu trẻ, và Bùi Tiến Dũng, cho dù có đóng vai trò quyết định đến ngôi á quân của đội, mới chỉ là cầu thủ tiềm năng, chứ chưa hẳn là cầu thủ tài năng, và càng không phải một cầu thủ lớn.
Sự chú ý nhắm vào anh ta đã vượt xa nội lực của Dũng, trên cả hai phương diện: cầu thủ và ngôi sao công chúng. Dũng không phải một ngôi sao catwalk hay biết diễn khi đóng quảng cáo (anh đã ngượng ngùng làm sao khi đi catwalk!), cũng chẳng có chiêu trò gì. Đứng trong khung gỗ, Dũng đã được nhìn nhận đúng với giá trị chuyên môn thực sự của anh: một thủ môn có lối bắt bóng bản năng và thiếu nền tảng cơ bản.
Tiến Dũng phải lựa chọn: Dũng muốn trở thành một celeb trước hay một nhà thể thao trước. Thực tế đã cho thấy anh không thể làm tốt cả hai vai
“Lạm phát” sự chú ý dẫn đến “lạm phát” đánh giá. Hệ quả là bất kỳ ai cũng có thể chỉ trích, đôi khi là quá mức cần thiết, với một cầu thủ trẻ đáng ra sẽ có nhiều đất diễn và những khoảng lặng để tu dưỡng tầm vóc của mình, nếu anh ta và ê-kíp của mình lắng xuống một chút, và tập trung vào những việc then chốt.
Bởi vì sự chú ý luôn có tính thời điểm, và từ vạch xuất phát đó đến khái niệm hâm mộ, và xa hơn, trở thành biểu tượng công chúng, là một khoảng cách diệu vợi. Số lượng người khủng khiếp đã chú ý đến Bùi Tiến Dũng nhưng không được chuyển hóa bền vững (bằng màn trình diễn trong thi đấu và phong cách chuyên nghiệp) thành người hâm mộ sẽ rời bỏ anh khi thủ môn này vấp ngã, và hướng sự chú ý đến những ngôi sao mới.
Và một quy luật nổi bật của sự chú ý thuần túy là số lượng sự kiện tăng thì sức chú ý sẽ giảm. Sai lầm đầu tiên của Bùi Tiến Dũng có thể khiến công chúng dậy sóng, nhưng sai lầm thứ hai, thứ ba..., với phong độ không được cải thiện, thì đến một thời điểm sẽ chẳng ai quan tâm đến điều này nữa, như ngay cả bài viết này, và những tranh cãi chia phe về việc nên ủng hộ hay chỉ trích Bùi Tiến Dũng trên mạng xã hội.
Khi vẫn còn được nhắc đến thì vẫn còn cơ hội. Nhưng làm sao để chuyển sự chú ý ít ỏi còn sót lại này thành một lượng công chúng thật sự thì chỉ có Bùi Tiến Dũng trả lời được. Và đầu tiên thì anh phải lựa chọn rằng anh muốn trở thành một celeb trước hay một nhà thể thao trước. Thực tế đã cho thấy anh không thể làm tốt cả hai vai, và chưa đủ tầm vóc để đáng được nhắc đến nhiều như thế ở cả hai vai trò này, như những gì đã diễn ra suốt thời gian qua.
Theo Zing