Rap có thực sự trở thành dòng nhạc đại chúng ở Việt Nam chưa?

Đăng lúc: 3:00 pm, Ngày 10/09/2020

Các rapper đã bắt đầu có chỗ đứng qua hai gameshow ăn khách "RapViệt" và "King of rap". Nhưng, những thành công ấy có thực sự giúp đưa cả nền rap Việt đi lên đại chúng?

Người ta nói thời của Rap đã đến...
 
Vào những ngày đầu du nhập vào Việt Nam, rap - cũng giống như trên thế giới - không được coi là một thể loại chính thống. Nó không có giai điệu, ca từ đậm chất “đường phố” thay vì nên thơ đầy nghệ thuật, cộng với việc văn hóa rap luôn gắn liền với những trận diss (sử dụng nhạc rap để công kích đối thủ), nhạc rap không được đông đảo đại chúng coi trọng. Ngay cả khi có một số bản nhạc bắt đầu được giới trẻ chú ý, thì rap vẫn chưa được nhìn nhận một cách nghiêm túc. 
 
Chỉ tới khi rap được đưa vào những bản nhạc pop đại chúng bởi những nghệ sĩ “chính thống”, nó mới bắt đầu thực sự được chú ý. Một số rapper tiên phong cho trào lưu này có lẽ là Suboi, Karik và BigDaddy với những bản hit: Xin hãy thứ tha (Suboi kết hợp với Hồ Ngọc Hà), Anh không đòi quà (Karik kết hợp với OnlyC), Tình yêu màu nắng (BigDaddy kết hợp với Đoàn Thúy Trang)… 
 
Các phân đoạn rap như thổi một làn gió mới vào những bản nhạc pop quen thuộc, mang đến những cảm nhận mới lạ, không kém phần hiện đại. Quan trọng nhất là, khi hợp tác với các nghệ sĩ mainstream, âm nhạc của các rapper cũng giảm bớt tính đường phố trong ca từ, khiến đông đảo người nghe có thể chấp nhận.  
Rap Việt - một trong hai gameshow đình đám nhất hiện nay
 
Tuy nhiên, giai đoạn này, công chúng vẫn chỉ coi rap là một thứ “gia vị” để bản nhạc pop thêm hấp dẫn, thay vì là nguyên liệu chính. Phải đến hai năm gần đây, với sự xuất hiện của vài cái tên như Đen Vâu, Binz, ta mới nhìn thấy những bài thuần rap có thể công phá các bảng xếp hạng. Gần đây nhất, có Trời hôm nay nhiều mây cực của Đen Vâu, trước đó một chút là Bigcityboi của Binz (dù MV này cũng có nhiều vấn đề đáng bàn, trong phạm vi bài viết này chỉ xét về tính đại chúng), cả hai bài hát hoàn toàn là rap và không có bất kỳ một đoạn hát nào.
 
Với những thành công như thế, Đen Vâu cũng là một trong những rapper đầu tiên tổ chức thành công liveshow cá nhân với 5.000 vé được bán hết chỉ sau tám phút - một thành tích mà không phải ngôi sao nhạc pop nào ở Việt Nam cũng làm được. Rap lúc này không chỉ là “gia vị”, một cuộc dạo chơi, mà đã thực sự là một công việc có thể kiếm tiền một cách nghiêm túc. 
 
Thừa thắng xông lên, rap vươn mình khỏi địa hạt internet, mạng xã hội để đặt chân lên sóng truyền hình. Hai chương trình Rap Việt và King of rap lên sóng cùng một thời điểm, vào khung giờ vàng, nhưng thay vì cạnh tranh khốc liệt, lại nâng đỡ nhau để đưa cơn sốt rap/hip hop trở nên nóng hơn bao giờ hết. Cả hai thay nhau chiếm sóng truyền thông, liên tục phá kỷ lục về lượt người xem trực tiếp, trở thành hai chương trình được chú ý nhất nhì thời điểm hiện tại. Người ta nói thời của rap đã đến…  
 
Nhưng chất lượng đang ở đâu?
 
Nhìn nhận thẳng thắn, thành công của vài rapper nổi bật và của hai gameshow kể trên đối với đại chúng đều có dấu ấn của sự thỏa hiệp, của những tính toán đường đi nước bước rất cặn kẽ.
 
Sau nhiều năm vật lộn trong giới underground với những bản nhạc cá tính, góc cạnh, chỉ đến khi họ bắt đầu “mài mòn” đi sự sắc nét, đưa những thứ dễ tiếp cận hơn vào âm nhạc (với Đen Vâu là những câu hát có tính lan tỏa “về quê nuôi cá và trồng thêm rau”, với Binz là hình tượng bad boy rất được lòng fan nữ), cái tên của họ mới được để ý.
 
Trong khi đó, hai gameshow về rap, lại là những “chiêu trò” rất quen thuộc của chương trình truyền hình: mời “MC quốc dân” Trấn Thành, Á hậu Kiều Loan tham dự, tạo ra những cuộc tranh cãi về tính công bằng, thí sinh “diss” giám khảo… khiến cho Rap ViệtKing of rap tạo được rất nhiều sức nóng ngoài chuyên môn.  
Đen Vâu là một trong vài rapper đến được với đại chúng
 
Ngoài những dấu ấn đại chúng này ra, nhìn chung, rap Việt vẫn hoạt động underground là chủ yếu. Để kể tên toàn bộ những rapper hoạt động năng nổ và quen thuộc với số đông không hề khó, bởi con số này khá ít ỏi. Ngay cả các giám khảo, huấn luyện viên xuất hiện trong Rap Việt King of rap cũng có những người hoàn toàn không phải là những nghệ sĩ đại chúng. Có thể nói, những thành công của rap Việt hiện tại mang tính đơn lẻ, cá nhân hơn là một thành công có tính hệ thống. 
 
Nhìn sang các nền âm nhạc lớn trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, rap/hip hop phổ biến đến mức chúng đang được coi là “the new pop”. Rap đang thống trị trên mặt trận streaming với những cái tên liên tục đạt hàng tỷ lượt stream như: Drake, Post Malone, Cardi B… tiến tới thống trị cả bảng xếp hạng Billboard danh giá. Riêng trong năm 2020 này, có 16 ca khúc đạt đến vị trí số một trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100 nhưng trong đó có tới chín ca khúc thuộc thể loại rap/hip hop, chứng minh sự thống trị tuyệt đối của dòng nhạc này.
 
Tất nhiên, không thể đem nền rap/hip hop còn non trẻ ở Việt Nam so sánh với thế giới. Hip hop Mỹ cũng phải mất tới 30 năm mới có được sự thống trị ngày hôm nay. Tuy nhiên, nói vậy để thấy số lượng các rapper sẵn sàng làm nhạc cho đại chúng ở Việt Nam vẫn không nhiều. Họ chủ yếu hoạt động ngầm, chơi theo đội nhóm, đến với những sân chơi riêng mà rất ít người sẵn sàng phát hành một bài nhạc để dành cho tất cả mọi người như Đen Vâu, như Binz.
 
Chương trình Rap Việt đang cực hot hiện nay, tuy nhiên khán giả bàn luận về huấn luyện viên, về MC nhiều hơn là thí sinh. Thể lệ ở vòng đầu tiên là làm mới một bản hit đã quen thuộc, điều đó cũng dễ dàng tiếp cận đại chúng hơn. Song, khi đi vào những vòng tiếp theo với những bản nhạc riêng, các thí sinh có giữ được sức nóng như hiện tại không, thì chưa ai dám đảm bảo. 
 
Rap Việt dù thế, vẫn đang có những tín hiệu khả quan. Nếu nhiều năm trước, rap Việt vẫn phụ thuộc vào những beat mua ở trên mạng, chất lượng kém, thì hiện tại, những nhóm rap hàng đầu hiện nay như SpaceSpeaker, Crow on Hyenas, Hazard Clique, Da LAB… đều đã tự sản xuất được nhạc với chất lượng khá cao.
 
Các thể loại trong rap Việt cũng rất đa dạng, không thua kém thế giới. Mặc dù vẫn chịu nhiều ảnh hưởng bởi các chất liệu đang thịnh hành trên thế giới, tuy nhiên một số rapper ở Việt Nam đã và đang đưa được màu sắc cá nhân, những đề tài gần gũi với người Việt, những chất liệu truyền thống vào nhạc rap một cách rất tinh tế (Đen và JGKID với chất liệu chèo trong Ngõ nhớ nhà, Hazard Clique với tiếng đàn bầu trong Trời thương kẻ xấu) để khiến rap Việt có một diện mạo của riêng mình.
 
Những thí sinh xuất hiện tại hai chương trình rap đều có tuổi đời rất trẻ, tư duy âm nhạc tốt, thậm chí có những thí sinh đã có được hợp đồng với hãng đĩa lớn, được đầu tư quảng bá một cách bài bản… Với những sự hoạt động nghiêm túc và chỉn chu, có lẽ trong tương lai không xa, rap Việt có nhiều cơ hội để chinh phục đại chúng bằng chính những chất liệu của rap, thay vì vay mượn bất cứ sự thỏa hiệp nào. Và hy vọng, khi nói: “Thời của rap đã đến”, không ai có thể “bật” lại được. 
 
Theo PNO

Đọc thêm các bài khác