Bộ phim 'Ròm' thu 30 tỷ đồng trong ba ngày vì tâm lý khán giả Việt thương phim 'nhà nghèo'?

Đăng lúc: 12:38 am, Ngày 30/09/2020

Những ngày này bộ phim "Ròm" trở thành đầu đề bàn tán và con số tiền vé ấn tượng 30 tỷ đồng thu trong ba ngày của "Ròm" cũng trở thành niềm ao ước của những người làm phim.

Bởi nửa năm qua phim Việt đã “thoi thóp” ở rạp vì dịch bệnh. Với doanh thu ban đầu như vậy, xem như Ròm đã phần nào làm tròn sứ mạng "kẻ mở đường" cho phim Việt trở lại thời hậu COVID-19.
 
Tính chất “mở đường” của Ròm gợi nhớ đến trường hợp tương tự của bộ phim Truyền thuyết về Quán Tiên - phim Việt đầu tiên ra rạp trở lại thời hậu giãn cách xã hội. Khi phát hành vào cuối tháng 5 qua, bộ phim được xem như bước thăm dò cho sự hồi phục nhanh hay chậm của thị trường phim Việt sau thời gian dài các rạp “đóng cửa” vì dịch bệnh. Kết quả là Truyền thuyết về Quán Tiên đã rời rạp với chỉ gần 900 triệu đồng tiền vé, một con số quá nhỏ so với mức kinh phí 18 tỷ đồng của phim.
Ròm khai thác tốt đề tài người nghèo
 
Hiệu ứng xã hội trái ngược của hai phim “mở đường” là RòmTruyền thuyết về Quán Tiên phản ánh thị hiếu của người xem nghiêng về phim “con nhà nghèo” và các yếu tố “bên lề” chứ không hẳn phim được đầu tư với kinh phí khủng sẽ chi phối  thành - bại phòng vé của một tác phẩm.
 
Thật vậy Ròm đã “nghèo mà còn mắc eo” khi mà bộ phim tốn 8 năm mới hoàn thành vì đạo diễn Trần Thanh Huy - người lần đầu làm phim điện ảnh - vừa làm vừa đi xin tiền rồi đến lúc đoạt giải quốc tế ở Liên hoan phim Busan thì lại nhận án phạt cấm chiếu tại quê nhà. Danh nghĩa phim “con nhà nghèo” ở Ròm còn thể hiện ở việc phim khai thác chủ đề những người lao động nghèo, đặc biệt là trẻ em đường phố.
 
Trong khi Ròm đầy lận đận thì hành trình làm phim Truyền thuyết về Quán Tiên như rải hoa hồng vì kịch bản được Nhà nước duyệt, rót đến 70% kinh phí làm phim và ngồi ghế đạo diễn là con trai của Cục trưởng Cục Điện ảnh lúc bấy giờ. Khi ra mắt người xem, sự cố phim “đoạt giải bị cấm chiếu” lập tức trở thành lợi thế của Ròm so với Truyền thuyết về Quán Tiên - một bộ phim “con nhà giàu”.
 
Nếu gạt đi yếu tố xem vì tò mò này, Ròm vẫn còn một lý do khác để kéo khách: đề tài số đề. Lần đầu làm phim, đạo diễn Trần Thanh Huy đã dám xộc thẳng vào đề tài gai góc này và khán giả thích điều đó bởi lâu nay màn ảnh Việt thiếu vắng những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống hiện đại, phơi bày những mặt tối của con người theo cách trần trụi nhất.
Những câu chuyện thời chiến của Truyền thuyết về Quán Tiên không thu hút bằng những chủ đề gần gũi cuộc sống như Ròm
 
Bởi thế dù rằng phim Ròm nhận nhiều ý kiến khen chê trái chiều về chất lượng trong khi “nội lực” Truyền thuyết về Quán Tiên được khẳng định qua giải Cánh diều bạc và Bông sen bạc năm 2020 thì khán giả vẫn chọn Ròm vì đề tài gần gũi, phong cách làm phim dấn thân là điều mà họ tìm kiếm trên màn ảnh hiện nay, chứ không phải là những tác phẩm kể lể câu chuyện quá khứ xa xôi, luôn “tô hồng’’ nhân vật và kiểu làm phim đầy tính “ăn sẵn”.
 
Con đường cho phim Việt “hồi sinh” ở rạp xem như đã “đầu xuôi” với Ròm nhưng có lẽ cũng chưa nên mừng sớm bởi phải công bằng nhìn nhận “bi kịch” bị cấm chiếu là một trong những lý do tạo nên doanh thu khủng của phim, nhưng điện ảnh Việt đâu có nhiều phim dính phốt ấy để tận dụng!
 
Theo PNO

Đọc thêm các bài khác