Làng giải trí Việt thời gian gần đây liên tục nổ ra những cuộc phản đối, tẩy chay nghệ sĩ rầm rộ. Đó là “văn hóa xấu xí” của cư dân mạng hay là quyền lực đương nhiên có của khán giả?
Gây ồn ào nhất hiện nay là trường hợp của ca sĩ Sơn Tùng M-TP và nữ diễn viên mới Hải Tú (nữ chính trong music video Chúng ta của hiện tại do Sơn Tùng M-TP hát). Nhiều nhóm trên mạng xã hội tẩy chay Hải Tú vì nghi cô là người thứ ba, xen vào mối quan hệ tình cảm yêu đương giữa ca sĩ Thiều Bảo Trâm và Sơn Tùng M-TP, dẫn đến tan vỡ mối tình 8 năm này. Đáng nói là cả Trâm và Tùng trước đó chưa từng chính thức công khai với khán giả là họ yêu nhau. Số lượng thành viên các nhóm anti-fan (căm ghét) tăng vọt, nhóm đông nhất đạt đến 250.000 người. Có rất nhiều MV trước đây của Sơn Tùng M-TP hay những sản phẩm có Hải Tú tham gia bị nhận lượng dislike (không thích) lên đến cả trăm ngàn. Lượng người follow (theo dõi) Sơn Tùng M-TP trên Instagram hay Facebook theo đó giảm mạnh.
Sơn Tùng M-TP và nữ diễn viên mới Hải Tú trong MV Chúng ta của hiện tại
Trước đó, hoa hậu chuyển giới Hương Giang cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi bị “tấn công” rầm rộ trên mạng với rất nhiều nhóm anti-fan. Lý do ghét là “vì cô thích dạy dỗ đạo lý trên sóng truyền hình, thái độ kênh kiệu”. Làn sóng này tràn vào các fanpage có đăng tải nội dung quảng cáo hay các chương trình biểu diễn có Hương Giang tham gia để viết bình luận phản đối, kêu gọi không mời show, “triệt” đường hoạt động nghệ thuật... Đến mức, Hương Giang, sau những phản ứng thiếu khôn ngoan khi chọn “đối đầu” quyết liệt ban đầu, đã phải lên tiếng xin lỗi, rút tên ở nhiều chương trình biểu diễn và tạm dừng hoạt động vài tuần để “kiểm điểm và lấy lại tinh thần”.
Hoa hậu chuyển giới Hương Giang bị “tấn công” rầm rộ trên mạng
Hiện làn sóng tẩy chay còn lan sang các bộ phim chiếu rạp, như trường hợp Cậu Vàng bị phản đối bởi những phát ngôn của đạo diễn về chó Nhật - chó ta, hay vì lời bình luận của người quản lý fanpage phim bị cho là coi thường khán giả, dẫn đến rất nhiều lời kêu gọi không xem phim trên nhiều diễn đàn, khiến phim chỉ thu được hơn 3 tỷ đồng (so với kinh phí hơn 25 tỷ đồng), sớm rút khỏi rạp sau 2 tuần chiếu. Trạng Tí phiêu lưu ký cũng đang lâm vào tình thế tương tự vì rắc rối bản quyền và nhiều phát ngôn của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh.
Tranh cãi và “hạ bệ” nghệ sĩ còn diễn ra trong nhiều chương trình phát trực tiếp trên các nền tảng online, khi bên dưới là vô số bình luận khiếm nhã, khích bác nhau từ fan hai ca sĩ đối thủ... Mới đây, lễ trao giải Làn Sóng Xanh được livestream trên YouTube có khoảng 10.000 người theo dõi và đã xuất hiện ồ ạt những công kích thô lỗ, thiếu văn hóa từ chuyện ngoại hình đến đời tư để mạt sát, khi cho rằng thần tượng của mình mới xứng đáng nhận giải. Khi Hồ Ngọc Hà trình diễn, một bộ phận chê bai cô thậm tệ và liên tục gọi tên Mỹ Tâm. Amee, Binz, Hòa Minzy liên tục bị cho là “mua giải”, “thái độ giả trân” với những lời lẽ miệt thị, tục tĩu...
Vào cuối tháng 1, khi nhận câu hỏi ứng xử “Bạn nghĩ gì về hiện tượng anti-fan đang nở rộ trên mạng xã hội hiện nay?”, thí sinh Hoa khôi Sinh viên Việt Nam 2020 Lê Thị Tường Vy nói: “Anti-fan trên mạng xã hội không có gì là sai, điều đó giúp người nghệ sĩ trau dồi bản thân, khắc phục những khiếm khuyết. Nghệ sĩ chưa hoàn toàn đúng hết trong mọi việc, anti-fan giúp nghệ sĩ hoàn thiện bản thân để thực hiện sứ mệnh người nghệ sĩ của họ tốt hơn”. Đây cũng là một quan điểm đúng, vì thế nữ sinh viên này đã đăng quang hoa khôi. Rõ ràng, việc thể hiện thái độ yêu - ghét của khán giả sẽ giúp loại bỏ những người cố tình tạo scandal để nổi tiếng, hoặc sẽ khiến nghệ sĩ nỗ lực giữ gìn và hoàn thiện hình ảnh, lối sống, tránh những phát ngôn kiểu ngông nghênh, thách thức.
Trước đó, nhiều người cho rằng khán giả Việt Nam có phần dễ dãi với những nghệ sĩ vướng vào scandal vì sau đó họ vẫn được làm nghề như chưa có gì xảy ra; không như ở Trung Quốc, Hàn Quốc..., nghệ sĩ nào bị tẩy chay là hết đường trở lại bởi anti-fan chính là “thế lực ngầm” có sức mạnh tác động đến sự tồn tại của một nghệ sĩ. Tuy nhiên, với sự bình luận ác ý hoặc những hành vi có thể xem như “tội phạm mạng”, như trường hợp nhiều nghệ sĩ ở Hàn Quốc tự sát do chịu không nổi áp lực quá lớn về tinh thần, thì cái gọi là “văn hóa tẩy chay” cần phải xem lại! Khi ca sĩ - diễn viên Sulli ở Hàn Quốc tự kết liễu đời mình năm 2019, nhiều người đã kiến nghị chính phủ nước này trừng phạt nặng hơn với những kẻ có “lời nói sát thương” trên mạng và Hiệp hội Quản lý giải trí Hàn Quốc cũng đã ra tuyên bố hành động quyết liệt hơn bằng cách tập hợp những bằng chứng phạm tội của công dân mạng, đưa tới cơ quan điều tra để bảo vệ người nổi tiếng.
Khán giả phẫn nộ vì Băng Di phát ngôn thiếu hiểu biết về Lão Hạc khiến phim Cậu Vàng bị tẩy chay, phải rút khỏi rạp vì không ai xem
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thẳng thắn: “Khán giả hiện giờ nghiêm khắc với nghệ sĩ hơn để chọn những nghệ sĩ xứng đáng dành tình cảm hâm mộ là điều đúng đắn, nhưng một khi quá đà, lục lại những câu chuyện đời tư để tấn công, dìm xuống bùn một con người, một tác phẩm, tạo nên những cuộc “bạo lực mạng” thì phải đặt dấu hỏi về văn hóa thần tượng, văn hóa ứng xử đang dần trở nên xấu xí của một bộ phận cư dân mạng”.
Đáng nói là nhiều nhóm anti-fan ra đời trên Facebook để lôi kéo đông đảo người tham gia, nhưng sau một thời gian họ đổi tên để bán fanpage có cả trăm ngàn người follow sẵn, nhằm mục đích thương mại. Thiết nghĩ người dùng mạng xã hội nên tỉnh táo khi buông tay gõ phím “đánh hội đồng” ai đó, bởi nhiều luật sư cho biết những hành vi bôi nhọ, vu khống người khác trên mạng xã hội, lập nhóm nói xấu có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng, thậm chí có thể phạt tù nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng, theo Nghị định số 15 do Chính phủ ban hành năm 2020.
Theo TNO