Từ chuyện dư luận quốc tế chê phim 'Bố già', khen phim 'Vị'

Đăng lúc: 8:09 am, Ngày 23/02/2022

Chuyện một bộ phim nhận được đánh giá trái chiều giữa giới phê bình và công chúng không lạ, vì tiêu chí, thị hiếu thưởng thức hai bên khác nhau.

Mấy ngày qua, thông tin về bộ phim Bố già của Trấn Thành bị trang web nổi tiếng chuyên đánh giá phim Rotten Tomatoes chấm điểm thấp thảm hại đã gây ra nhiều tranh luận.
 
Những đánh giá trên trang này đã xuất hiện từ tháng Sáu năm ngoái, khi phim Bố già trình chiếu ở Mỹ. Theo đó, dựa trên bảy bài phê bình, trong đó có năm bài chê và hai bài khen, bộ phim bị chấm 29% về “độ tươi”.
 
Thông thường trên trang này, một bộ phim đạt 60% trở lên được xem là đạt mức “tươi”, nghĩa là đáng xem. Nhưng bên cạnh đánh giá của giới phê bình quốc tế, trang Rotten Tomatoes cũng có phần chấm điểm của khán giả về độ yêu thích, và phim Bố già được khán giả chấm 98%. Chuyện một bộ phim nhận được đánh giá trái chiều giữa giới phê bình và công chúng không lạ, vì tiêu chí, thị hiếu thưởng thức hai bên khác nhau.
Phim Bố già bị chấm tệ trên trang Rotten Tomatoes nhưng hốt bạc ở Việt Nam
 
Ngay cả phim Don’t look up có tên trong đề cử Oscar 2022 Phim hay nhất cũng chỉ được Rotten Tomatoes đánh giá 56% “độ tươi”. Những lời chê của giới phê bình quốc tế về phim Bố già bao gồm: “hài hước, drama thái quá”, “nhân vật gào thét quá nhiều”, “Bố già như một phim truyền hình” ...
 
Khi những đánh giá của trang Rotten Tomatoes về phim Bố già được khơi lại gây ầm ĩ, cũng là lúc bộ phim Vị đang được phát tán trên các trang web xem phim lậu. Xem thử rồi mới thấy, phim bị cấm chiếu là không oan.
 
Một tác phẩm điện ảnh dù hay hoặc dở, chí ít đều mang đến một thông điệp tích cực cho người xem. Nhưng với Vị, thật khó biết đạo diễn muốn truyền tải gì, khi suốt phim chỉ toàn cảnh các nhân vật khỏa thân 100% sinh hoạt trong một ngôi nhà cực kỳ bẩn thỉu, tối tăm, chuyện “giường chiếu” diễn ra ngay bên cạnh xí bệt, trong khi những người trong nhà còn lại thản nhiên đi lại nhìn ngó.
 
Vị gần như không có lời thoại, phim gần như độc thoại, chủ yếu từ nam chính - anh chàng cầu thủ người Nigeria - và không phải bằng tiếng Việt, nên người xem càng khó hiểu. Từ bối cảnh cho đến hành động của nhân vật xa lạ như thể đến từ một nơi nào đó ngoài hành tinh, chứ không phải TP.HCM - bối cảnh của chuyện phim. 
Phim Vị giành giải quốc tế nhưng bị cấm chiếu ở Việt Nam 
 
Còn nhớ khi Vị bị cấm phát hành, dư luận trong nước đã chĩa mũi dùi vào những người làm công tác kiểm duyệt, bức xúc khi một tác phẩm nghệ thuật được các liên hoan phim nước ngoài đánh giá cao nhưng không được phổ biến ở Việt Nam. Hai chữ “nghệ thuật” khi đó được lấy ra làm cớ cho làn sóng chỉ trích, nhưng đến khi phim đã “lộ diện”, thật khó thể thấy phim hay ở điểm nào như những đánh giá của giới phê bình quốc tế.
 
Từ việc phim Bố già bị quốc tế chê, và Vị thì được tán dương, có thể thấy đánh giá khen - chê của người xem nước ngoài không phải là cơ sở để dư luận trong nước hùa theo để “dìm hàng” hay ca ngợi quá đà một bộ phim Việt, bởi gu thưởng thức người xem trong và ngoài nước khác nhau, hệ quy chiếu giữa phim nghệ thuật và thương mại cũng khác nhau.
 
Bố già không hợp gu người nước ngoài, nhưng khán giả trong nước yêu thích. Vị được lòng nhiều khán giả quốc tế, nhưng không phù hợp với thẩm mỹ văn hóa của Việt Nam để được cấp phép phổ biến cũng là lẽ thường.
 
Có lẽ chỉ nên xem thang điểm, đánh giá của các trang xếp hạng, nhận định giới phê bình quốc tế là những kênh thông tin tham khảo, hơn là dùng nó làm cơ sở để dè bỉu hay tán tụng quá đà một bộ phim. 
 
Theo PNO

Đọc thêm các bài khác